Nâng cao chất lượng thị trường xuất khẩu lao động

Theo báo cáo của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), trong 6 tháng đầu năm 2024, có tới 78.640 lao động làm việc tại nước ngoài.

Trong đó, Nhật Bản là thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất với 40.596 lao động. Lao động Việt Nam lựa chọn xuất khẩu lao động Nhật Bản vì rất nhiều lý do, nhưng chủ yếu vẫn là điều kiện làm việc cởi mở, chế độ sinh hoạt, phúc lợi cao, chênh lệch tỷ giá đồng yen và Việt Nam đồng.

Chị Nguyễn Thị Thơm (xã Sơn Trường, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) chia sẻ: "Tôi chọn xuất khẩu lao động vì khi xuất khẩu lâo động có nhiều cơ hội việc làm hơn, thu nhập ổn định hơn, học hỏi, trau dồi thêm kinh nghiệm".

Anh Nguyễn Tuấn Anh (xã Nghĩa Dân, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên) cho biết: "Mức lương ở nước ngoài cao hơn nhiều so với trong nước nên tôi đi xuất khẩu lao động để tăng thu nhập. Trong quá trình tìm hiểu và đến trực tiếp khảo sát, tôi thấy đây là nơi chuyên nghiệp, được học tập, đào tạo, rèn luyện, được gặp trực tiếp người Nhật và làm việc với người Nhật nên tôi tin tưởng chọn công ty này".

Trong bối cảnh Nhật Bản phải đối diện với tình trạng già hóa dân số, thiếu hụt lao động trên diện rộng, chính phủ nước này cũng đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi để thu hút người lao động nước ngoài. Nói riêng về thu nhập, người lao động Việt có thể nhận được mức lương từ 1.400-1.600 USD/tháng, cao hơn nhiều so với các quốc gia khác như: Đài Loan, Trung Đông và các nước châu Âu. Tuy nhiên, để đạt được mức lương này, người lao động cũng cần đáp ứng những yêu cầu khắt khe về tác phong, nghiệp vụ.

Ông Kamei Norihito, giảng viên Trung tâm Giáo dục định hướng cho hay: "Một người ở Nhật Bản có GDP gấp 8 lần so với Việt Nam, vì vậy thu nhập sẽ cao hơn khi làm việc ở Nhật Bản. Ở Việt Nam, dù đã tốt nghiệp đại học vẫn khó tìm được việc làm như mong muốn, nhưng ở Nhật Bản, ngay cả khi không có trình độ học vấn cao hay kỹ năng chuyên môn, vẫn có thể tìm được việc. An ninh tốt, môi trường sống và môi trường làm việc tốt hơn so với Việt Nam. Nhật Bản thực hiện đào tạo nhân lực trong công ty, vì vậy có thể làm việc mà không cần bằng cấp hay kỹ năng chuyên môn, nhưng điều kiện là phải trung thực, chân thành, có động lực và khả năng hợp tác; không yêu cầu chứng chỉ năng lực tiếng Nhật chính thức, nhưng yêu cầu khả năng giao tiếp bằng tiếng Nhật. Ngoài ra, chúng tôi sẽ phát triển động lực và tinh thần hợp tác thông qua cuộc sống tập thể để người lao động thích nghi với cuộc sống tại Nhật Bản".

Như vậy, thị trường xuất khẩu lao động Nhật Bản vẫn luôn mở rộng cửa với người Việt, tuy nhiên, trong thời gian gần đây, xuất hiện ngày càng nhiều hành vi lừa đảo trong hoạt động môi giới xuất khẩu lao động. Dù đây là tình trạng không mới, nhưng để lại hậu quả nặng nề cho người lao động.

Quang Hưng

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/nang-cao-chat-luong-thi-truong-xuat-khau-lao-dong-283855.htm