Nâng cao chất lượng tiêu chí môi trường
Môi trường là một trong những tiêu chí khó thực hiện trong xây dựng nông thôn mới. Các địa phương đã và đang tập trung triển khai nhiều giải pháp tích cực, hiệu quả giúp duy trì và nâng cao tiêu chí này.
Sau quá trình nỗ lực, hiện xã Phú Điền (Nam Sách) đã hoàn thiện 18 tiêu chí nông thôn mới (NTM) nâng cao. Diện mạo, môi trường nông thôn đã có nhiều đổi mới, xanh-sạch-đẹp hơn trước. Các thôn đã thành lập được tổ thu gom rác thải, thường xuyên tổ chức thu gom và xử lý tại bãi rác tập trung ở các thôn. Các hộ chăn nuôi đều chuyển ra vùng chuyển đổi, không còn tình trạng ô nhiễm do chất thải chăn nuôi như nhiều năm trước. Một số tuyến đường được trồng hoa, cây cảnh để tạo cảnh quan đẹp. Đặc biệt, xã đã xây dựng và duy trì thành công mô hình phân loại rác thải tại nguồn ở thôn Phương Kim với gần 150 hộ tham gia. Nhờ đó, lượng rác thải phát sinh ở thôn đã giảm 2/3 so với trước.
Tuy nhiên theo Chủ tịch UBND xã Phú Điền Nguyễn Huy Chính, môi trường là một trong những tiêu chí "động", khó duy trì. "Khó khăn lớn nhất của xã trong tiêu chí này là xử lý rác thải tại các bãi rác của thôn. Hiện các thôn vẫn dùng biện pháp chôn lấp hoặc đốt rác nên chưa xử lý triệt để được nguồn gây ô nhiễm. Việc phân loại rác tại nguồn có hiệu quả, dễ thực hiện nhưng khó triển khai trên địa bàn toàn xã do thiếu kinh phí. Địa phương đang đề nghị với huyện cho thu gom và xử lý rác thải tại các nhà máy để bảo đảm hơn nữa môi trường nông thôn trong giai đoạn tới", ông Chính nói.
Tình trạng ô nhiễm từng gây nhức nhối tại xã Lương Điền (Cẩm Giàng), đặc biệt là tại làng nghề mộc Đông Giao. Cả thôn có hơn 1.000 hộ làm nghề. Trước đây, làng nghề này bị ô nhiễm nặng bởi bụi và tiếng ồn. Phần lớn người làm nghề không đeo khẩu trang hay bảo hộ lao động, nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe. Quyết tâm cải thiện những bất cập ấy, năm 2018 Lương Điền đã cán đích xã NTM. Không dừng lại ở đó, ngoài quan tâm đến phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, tiêu chí môi trường cũng được chính quyền và người dân quan tâm hơn. Các cơ sở sản xuất đều có ý thức hơn trong bảo vệ môi trường. Các loại phế thải trong quá trình làm nghề đều được thu gom ngay sau khi sản xuất. "Thôn đã đề xuất xây dựng khu sản xuất tập trung cách xa khu dân cư. Các cơ sở sản xuất tại nhà trước đây sẽ chuyển thành các khu trưng bày sản phẩm để phát triển du lịch làng nghề gắn với xây dựng NTM", ông Vũ Hữu Vịnh, Trưởng thôn Đông Giao nói.
Đến nay, tất cả các địa phương trong tỉnh đều đạt tiêu chí môi trường. Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường, nhờ xây dựng NTM, những năm gần đây diện mạo môi trường nông thôn có chuyển biến tích cực. Các phong trào như nhà sạch - vườn đẹp - môi trường trong lành - ngõ xóm văn minh, vệ sinh yêu nước, Ngày "chủ nhật xanh"... được các tổ chức đoàn thể địa phương tích cực thực hiện. Công tác quản lý nguồn thải được củng cố và tăng cường. Tất cả các thôn, khu dân cư thành lập tổ vệ sinh môi trường, xây dựng các bãi chôn lấp rác thải, điểm tập kết rác thải; tỷ lệ rác thải sinh hoạt nông thôn được thu gom, xử lý ngày một tăng. Nhiều mô hình, phong trào bảo vệ môi trường được triển khai, nhân rộng góp phần giảm ô nhiễm môi trường nông thôn.
Tuy nhiên, để duy trì và phát huy những thành quả ấy trong quá trình xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu đòi hỏi cần nhiều nguồn lực hơn nữa trước những bất cập đang tồn tại như một số chỉ tiêu vẫn mang tính tương đối, chưa cụ thể và thiếu bền vững. Thu gom rác ở khu vực nông thôn thường chỉ dừng ở chôn lấp. Phần lớn các địa phương chưa có hoạt động phân loại và tái chế rác thải...
Theo đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nam Sách, việc duy trì và nâng cao tiêu chí môi trường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp chính quyền trong xây dựng NTM giai đoạn tiếp theo. Huyện sẽ huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn về đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường và thu gom, xử lý chất thải. Phấn đấu thu gom và xử lý rác thải tập trung, giảm thiểu việc chôn lấp tại các bãi rác địa phương.
Ngoài đầu tư cơ sở hạ tầng, các địa phương cũng cần thực hiện lộ trình chuyển đổi các làng nghề sang mô hình khu, cụm công nghiệp làng nghề hợp lý có hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường. Đưa công nghệ mới, tiên tiến, thân thiện môi trường vào các làng nghề. Hình thành các tổ chức, đơn vị cung cấp dịch vụ xử lý môi trường trong các làng nghề. Bố trí đất cho công viên, cây xanh, không gian thoáng trong việc thực hiện quy hoạch. Huy động người dân chủ động, chung tay thực hiện...
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/xa-hoi/nang-cao-chat-luong-tieu-chi-moi-truong-182009