Nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa

Tại phiên tòa xét xử các vụ án hình sự, Kiểm sát viên là người thay mặt cho Nhà nước thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân thủ theo pháp luật của Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng.

Bên cạnh việc buộc tội đối với bị cáo thông qua bản cáo trạng, bản luận tội, vấn đề tranh luận của Kiểm sát viên tại phiên tòa không chỉ chú ý đưa ra những căn cứ để chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo mà còn phải phân tích, phê phán thủ đoạn phạm tội của bị cáo, đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm và hậu quả do hành vi phạm tội gây ra, đồng thời, trong quá trình tranh luận còn cần phải chú ý đến việc tuyên truyền ý thức chấp hành pháp luật cho những người tham dự tại phiên tòa. Việc tranh luận giữa Kiểm sát viên với người bào chữa, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác là việc làm đương nhiên. Nhưng thực tế cho thấy vấn đề tranh luận đang còn nhiều tồn tại, thiếu sót, một số Kiểm sát viên chưa làm tốt công việc này, có khi buông xuôi, mang tư tưởng “giữ nguyên quan điểm buộc tội” hoặc “không phát biểu gì thêm, tùy Tòa án quyết định”. Biểu hiện cụ thể như:

Về nhận thức: Một số Kiểm sát viên còn có biểu hiện thờ ơ, chưa thật sự chuẩn bị sâu sát vào quá trình tranh luận; chỉ tập trung vào công việc luận tội, coi luận tội xong là hoàn thành nhiệm vụ; chỉ thấy quyền của Kiểm sát viên là được tranh luận, chứ chưa thấy được nghĩa vụ của Kiểm sát viên là phải tranh luận nên vẫn còn tình trạng Kiểm sát viên muốn tranh luận thì tranh luận hoặc không muốn tranh luận thì không tranh luận. Một số Kiểm sát viên còn chưa nhận thức đúng đắn về sự bình đẳng giữa các bên tham gia tố tụng trong việc đưa ra chứng cứ, lý lẽ trước Tòa án, vì thế nên không chuẩn bị ý kiến đối đáp lại và cho rằng mình là người đại diện cho Nhà nước, còn Luật sư chỉ là người làm dịch vụ cho người có tội.

Tranh luận là thao tác nghiệp vụ, đòi hỏi phải có kỹ năng nghề nghiệp nhưng do không được đào tạo cơ bản về kỹ năng, nghiệp vụ nên một số Kiểm sát viên còn yếu về kỹ năng tranh tụng. Lý lẽ đưa ra chưa sắc sảo, kém sức thuyết phục; trình bày luận điểm thiếu tập trung, diễn giải dài dòng, chưa cô đọng, thiếu tính lôgic. Một số Kiểm sát viên còn ngại tranh luận, ngại các vụ án có Luật sư tham gia, tâm lý không vững vàng, mất tự tin, xử lý lúng túng.

Một số Kiểm sát viên không có khả năng dự báo về những vấn đề sẽ tranh luận nên không có sự chuẩn bị, do vậy, khi có Luật sư (nhất là ở phiên tòa có nhiều Luật sư) đưa ra những vấn đề phản bác thì dễ dẫn đến tình trạng Kiểm sát viên mất thế chủ động, mất tập trung.

Bên cạnh đó, văn hóa ứng xử của Kiểm sát viên tại phiên tòa đôi khi còn thể hiện chưa đúng chuẩn mực, nhiều khi còn nóng nảy, thiếu bình tĩnh, không kiềm chế, còn xảy ra tình trạng phê phán, công kích, nặng lời miệt thị với phía người bào chữa, làm không khí phiên tòa nặng nề, căng thẳng, không đúng chuẩn mực văn hóa ứng xử của Kiểm sát viên tại phiên tòa.

 Quang cảnh của một phiên tòa xét xử.

Quang cảnh của một phiên tòa xét xử.

Để khắc phục những khó khăn vừa nêu trên, góp phần nâng cao chất lượng tranh luận tại phiên tòa, từ kinh nghiệm công tác tại Viện KSQS khu vực 42 theo tôi cần phải chú ý tập trung làm tốt một số nội dung chủ yếu sau:

Thứ nhất Kiểm sát viên cần có sự chuyển biến thực chất về nhận thức việc tranh luận tại các phiên tòa theo tinh thần:“Nâng cao chất lượng công tố của Kiểm sát viên tại phiên tòa, bảo đảm tranh tụng dân chủ với Luật sư, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác”. Cần xác định rằng tranh luận tại phiên tòa không chỉ là quyền mà còn là nghĩa vụ của Kiểm sát viên. Kiểm sát viên không chỉ tranh luận với Luật sư mà còn tranh luận với bị cáo và những người tham gia tố tụng khác. Mặt khác, cũng cần khắc phục tư tưởng ngại tranh luận, ngại những vụ án có nhiều Luật sư tham gia.

Thứ hai, mục đích của tranh luận giữa các bên buộc tội và gỡ tội trước phiên tòa là nhằm tìm ra sự thật của vụ án, đảm bảo pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Giữa luận tội và tranh luận là hai thao tác khác nhau trong quá trình thực hành quyền công tố tại phiên tòa nhưng lại có mối liên hệ mật thiết với nhau. Nếu khi luận tội, Kiểm sát viên đưa ra đầy đủ chứng cứ buộc tội, phân tích rõ dấu hiệu đặc trưng của tội phạm, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, các tình tiết nhân thân của bị cáo... thì việc tranh luận trở nên nhẹ nhàng, Kiểm sát viên sẽ hoàn toàn chủ động. Việc tranh luận đầy đủ với các ý kiến từ phía người bào chữa, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác đưa ra chính là nhằm bảo vệ tính đúng đắn, khách quan của lời buộc tội.

Kiểm sát viên Viện KSQS khu vực 42 đã thực hiện tốt việc đưa ra các bằng chứng xác thực, chỉ rõ hành vi phạm tội của bị cáo, phân tích hậu quả của hành vi đó và làm rõ các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ. Đồng thời, Kiểm sát viên cũng đã nêu rõ các tình tiết khác có liên quan đến nhân thân bị cáo, từ đó thể hiện một cách đầy đủ và toàn diện cơ sở buộc tội trong quá trình luận tội. Việc trình bày rõ ràng các yếu tố này giúp Kiểm sát viên tạo dựng được sự vững vàng trong quá trình tranh luận tại phiên tòa.

Khi bước vào phần tranh luận, Kiểm sát viên đã chủ động bảo vệ lập luận của mình, đưa ra các phản biện sắc bén đối với ý kiến của người bào chữa, bị cáo và các bên tham gia tố tụng khác. Mỗi lời tranh luận đều được xây dựng trên nền tảng chứng cứ và cơ sở pháp lý chắc chắn, qua đó không chỉ bảo vệ tính khách quan và đúng đắn của lời buộc tội mà còn góp phần làm sáng tỏ sự thật của vụ án.

Thứ ba, khi tranh luận, Kiểm sát viên cần nói theo đề cương đã chuẩn bị, không nên nhìn vào giấy để đọc nguyên văn, vì như vậy tác dụng thuyết phục sẽ giảm. Điều cốt lõi để đảm bảo việc tranh luận tốt là phải nghiên cứu kỹ và nắm vững hồ sơ vụ án.

Trên thực tế, Kiểm sát viên Viện KSQS khu vực 42, trước khi thực hiện chức năng Thực hành quyền công tố (THQCT) và Kiểm sát xét xử (KSXX) tại phiên tòa, đã tiến hành nghiên cứu hồ sơ vụ án một cách tỉ mỉ, cẩn trọng và toàn diện. Kiểm sát viên đã nắm vững các tình tiết quan trọng, những yếu tố then chốt của vụ án, từ đó có thể đưa ra những luận điểm, lập luận rõ ràng và sắc bén trong quá trình tranh luận tại phiên tòa. Điều này không chỉ giúp đảm bảo chất lượng công tác kiểm sát, mà còn góp phần vào việc bảo vệ công lý và quyền lợi của những người liên quan.

 Kiểm sát viên Viện KSQS khu vực 42 thực hiện quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa.

Kiểm sát viên Viện KSQS khu vực 42 thực hiện quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa.

Để có thể thực hiện tốt vai trò của mình trong việc tranh luận tại phiên tòa, Kiểm sát viên cần phải có một sự hiểu biết sâu rộng và chính xác về các quy định pháp luật hiện hành, cũng như nắm chắc các căn cứ pháp lý có liên quan đến vụ án. Bởi lẽ, chỉ khi Kiểm sát viên thực sự vững vàng về mặt pháp lý, họ mới có thể đưa ra những luận điểm phản bác thuyết phục, đúng đắn và có cơ sở pháp lý rõ ràng. Nếu không có nền tảng vững chắc về pháp luật, Kiểm sát viên sẽ gặp khó khăn trong việc phân tích, phản biện và bảo vệ quan điểm của mình trước tòa, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử.

Thứ tư, trong công tác đào tạo nguồn, cần quan tâm bồi dưỡng trình độ, năng lực của Kiểm sát viên, trong đó có vấn đề bồi dưỡng kỹ năng tranh luận tại phiên tòa. Cần đầu tư vào công tác biên soạn giáo trình, tài liệu tập huấn, hướng dẫn áp dụng luật, đặc biệt là các kỹ năng về đối đáp, giải quyết tình huống trong tranh luận. Để đảm bảo có sự chuẩn bị tốt nhất trước khi tham gia xét xử, Lãnh đạo Viện KSQS khu vực 42 đã thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn cho Kiểm sát viên. Những buổi tập huấn này không chỉ giúp Kiểm sát viên làm quen với quy trình xét xử mà còn luyện tập kỹ năng xử lý tình huống phát sinh, từ đó nâng cao sự nhanh nhạy và khả năng ứng biến khi đối mặt với những thay đổi bất ngờ trong phiên tòa. Cụ thể một số tình huống:

- Đối với vụ án nếu bị cáo chối tội tại phiên tòa thì ngoài các chứng cứ đã thu thập đủ để buộc tội, Kiểm sát viên cần chuẩn bị thêm các tài liệu khác có liên quan tới việc kết tội bị cáo và giải quyết vụ án đó. Các tài liệu, chứng cứ phải sắp xếp có hệ thống trước để khi đối đáp tranh luận và phải nêu rõ bút lục của tài liệu trong hồ sơ chính nhằm nâng cao tính thuyết phục trong lập luận đối đáp, tranh luận.

 Kiểm sát viên báo cáo án bằng sơ đồ tư duy.

Kiểm sát viên báo cáo án bằng sơ đồ tư duy.

- Đối với những vụ án có sự tham gia của người bào chữa, Kiểm sát viên cần phải thực hiện thật đầy đủ và đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về quyền và nghĩa vụ của người bào chữa. Kiểm sát viên cũng cần linh hoạt trong việc dự đoán và nắm bắt ý kiến bảo vệ của người bào chữa. Việc này sẽ giúp Kiểm sát viên chuẩn bị sẵn sàng phương án tranh luận, đối đáp hiệu quả để bảo vệ quan điểm của mình trong quá trình tranh luận tại tòa.

Ngoài ra, việc phân công Kiểm sát viên tham gia xét xử cũng phải có sự lựa chọn thích hợp. Bên cạnh đó, mỗi Kiểm sát viên cũng cần phải tự học tập, nghiên cứu chuyên môn, trau dồi nghiệp vụ; Lãnh đạo ngành Kiểm sát cần quan tâm sâu sát, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn thường xuyên để trình độ chuyên môn của Kiểm sát viên ngày một được nâng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tiến trình cải cách tư pháp hiện nay.

Cảnh Huy

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/cai-cach-tu-phap/thuc-tien-kinh-nghiem/nang-cao-chat-luong-tranh-tung-cua-kiem-sat-vien-tai-phien-toa-175129.html