Nâng cao chất lượng xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số
Ngày 21/11, tại Hải Phòng, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội thảo Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng công tác xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2023-2030.
Phát biểu khai mạc, ông Hoàng Đức Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên (Bộ GD&ĐT) nói rằng, xóa mù chữ là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục.
Biết chữ là điều kiện cần và là “cánh cửa” đầu tiên để bước vào lộ trình của học tập suốt đời đối với mỗi một con người và công tác xóa mù chữ được đặt ra cấp thiết, không thể thiếu và phải được đặt lên hàng đầu của việc nâng cao dân trí, là một tiêu chí để xây dựng xã hội học tập.
Công tác xóa mù chữ cho người dân nói chung và người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng đã được Bộ GD&ĐT chỉ đạo sát sao, quyết liệt. Đơn vị đã ban hành các Thông tư; biên soạn và in ấn tài liệu hướng dẫn thực hiện Chương trình xóa mù chữ dành cho giáo viên, học viên; tổ chức tập huấn cho giáo viên các trường học.... Đồng thời, tổ chức kiểm tra và ban hành quyết định công nhận các tỉnh, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ theo các mức độ.
Theo báo cáo về thực trạng công tác xóa mù chữ của Vụ Giáo dục Thường xuyên, trong giai đoạn 2021-2023, cả nước đã huy động được 79.280 người ra học xóa mù chữ. Riêng 51 tỉnh thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia đã huy động được 53.965 người ra học xóa mù chữ, trong đó có 44.087 học viên là người dân tộc thiểu số.
Tính đến thời điểm tháng 10/2023, tỷ lệ người đạt chuẩn biết chữ mức độ 1 và đạt chuẩn biết chữ mức độ 2 tuổi từ 15- 60 của cả nước lần lượt là 98,55% và 96,70%.
Bên cạnh kết quả đạt được, hiện vẫn còn trên 734.000 người chưa đạt chuẩn biết chữ mức độ 1 (chiếm 1,15%). Tỷ lệ huy động người học xóa mù chữ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp.
Vẫn còn có địa phương còn người mù chữ, nhiều người chưa đạt chuẩn xóa mù chữ nhưng không huy động hoặc huy động được rất ít người ra học xóa mù chữ. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, đoàn thể trong công tác xóa mù chữ ở một số địa phương chưa thực sự chặt chẽ, thường xuyên và hiệu quả…
Theo Bộ GD&ĐT, giải pháp đặt ra nhằm thúc đẩy và nâng cao chất lượng công tác xóa mù chữ giai đoạn 2023-2030 là cần nâng cao trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về công tác xóa mù chữ. Đổi mới công tác quản lý, điều tra, vận động và tổ chức lớp xóa mù chữ. Củng cố kết quả biết chữ, hạn chế tình trạng tái mù chữ.
Tính đến thời điểm tháng 10/2023, tỷ lệ người đạt chuẩn biết chữ mức độ 1 và đạt chuẩn biết chữ mức độ 2 tuổi từ 15- 60 của cả nước lần lượt là 98,55% và 96,70%.
Bên cạnh kết quả đạt được, hiện vẫn còn trên 734.000 người chưa đạt chuẩn biết chữ mức độ 1 (chiếm 1,15%). Tỷ lệ huy động người học xóa mù chữ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp.
Tại hội thảo, các đại biểu đã có ý kiến trao đổi, thảo luận các biện pháp nhằm nâng cao ý thức học chữ của người dân tộc thiểu số; vận động người mù chữ đi học xóa mù chữ, không bỏ học giữa chừng; cách tổ chức học xóa mù chữ để khắc phục khó khăn, tạo thuận lợi cho người học, đảm bảo nguyên tắc giáo dục và chất lượng dạy học;
Một số ý kiến cũng đề cập tới chế độ, chính sách hỗ trợ, động viên người học xóa mù chữ là người dân tộc thiểu số; phương pháp dạy xóa mù chữ đặc thù, phù hợp với người dân tộc thiểu số như điều kiện địa lý, phong tục, tập quán…