Nâng cao đời sống văn hóa

Theo UBND huyện Thới Bình, đã qua địa phương quan tâm, chú trọng triển khai phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, đạt nhiều kết quả tích cực.

Trong năm qua, thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, trên địa bàn huyện xuất hiện nhiều gương người tốt - việc tốt, sản xuất kinh doanh giỏi, cán bộ tận tụy với phong trào...; có nhiều gia đình văn hóa (GÐVH) tiêu biểu được các cấp biểu dương, khen thưởng.

Nhiều đơn vị, cơ sở làm tốt công tác phổ biến, tuyên truyền về nội dung, tiêu chuẩn xây dựng GÐVH, tổ chức bình xét đúng theo các quy định. Người dân tham gia phong trào luôn có ý thức chấp hành tốt chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào, hoạt động ở địa phương; thực hiện tốt quy ước của ấp, khóm; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội... Thông qua việc nhân rộng mô hình Câu lạc bộ “Gia đình phát triển bền vững” ở các ấp, tình trạng bạo lực gia đình gần đây đã giảm mạnh, người dân có ý thức sinh con đúng quy định, vợ chồng cùng có trách nhiệm nuôi con khỏe, dạy con ngoan; xây dựng gia đình nền nếp, hòa thuận... Qua đó, tạo sự đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, cùng xây dựng GÐVH, ấp, khóm văn hóa và xây dựng nông thôn mới (NTM) trong cộng đồng dân cư, được người dân đồng tình ủng hộ.

Người dân địa phương quan tâm nhiều hơn đến cảnh quan, môi trường sống xanh - sạch - đẹp. (Ảnh chụp tại xã Tân Phú).

Người dân địa phương quan tâm nhiều hơn đến cảnh quan, môi trường sống xanh - sạch - đẹp. (Ảnh chụp tại xã Tân Phú).

Năm 2023, toàn huyện có 32.715 hộ đạt chuẩn GÐVH, đạt 91,69%; 95/95 ấp, khóm đạt danh hiệu “Ấp, khóm văn hóa”, đạt 100%. Về cơ sở vật chất văn hóa, huyện có 11 trung tâm văn hóa - thể thao và học tập cộng đồng cấp xã; 95/95 ấp, khóm có nhà văn hóa được xây dựng, chỉnh trang, đảm bảo sinh hoạt thường xuyên.

Phong trào đoàn kết giúp nhau giảm nghèo được các cấp, các ngành thực hiện hiệu quả. Hiện toàn huyện còn 679 hộ nghèo (chiếm 1,90%), 762 hộ cận nghèo (chiếm 2,14%); không có hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc diện chính sách, người có công.

Ông Trần Minh Nhân, Phó chủ tịch UBND huyện, cho biết: Xây dựng đời sống văn hóa là góp phần xây dựng NTM, bên cạnh nhiều kết quả tích cực, vẫn còn một số khó khăn. Trong đó, hoạt động lồng ghép các loại hình câu lạc bộ chưa đồng bộ, thiếu tính đa dạng, hoạt động chưa thường xuyên. Từ đó, vẫn còn một số mặt phong trào bị hạn chế, ảnh hưởng chất lượng của công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. "Một số trung tâm văn hóa, thể thao - học tập cộng đồng cấp xã vẫn còn nằm trong khu hành chính; cơ sở vật chất, trang thiết bị hư hỏng, xuống cấp, dụng cụ thể dục thể thao chưa đảm bảo cho người dân đến sinh hoạt. Một số nhà văn hóa ấp, khóm chủ yếu phục vụ hội họp, chưa thường xuyên tổ chức hoạt động văn nghệ, thể thao. Việc vận động người dân tham gia các phong trào còn gặp nhiều khó khăn, do đa phần thanh niên đi làm ăn xa", ông Nhân cho biết thêm.

Bên cạnh đó, nhiều nhà văn hóa trên địa bàn huyện còn gặp khó khăn trong việc tìm quỹ đất để xây dựng, mở rộng sân thể thao theo đúng quy định của tiêu chí NTM, NTM nâng cao. Dụng cụ thể dục - thể thao cho người già và trẻ em vẫn còn thiếu. Việc đầu tư kinh phí hoạt động cho phong trào còn thấp, huy động các nguồn xã hội hóa còn khó khăn.

Tới đây, địa phương sẽ tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư, phối hợp nhân rộng các mô hình dân vận khéo; thực hiện tốt các phong trào thi đua xây dựng đời sống văn hóa gắn với NTM, với hạt nhân, chủ thể là Nhân dân. Tăng cường sự phối hợp các ban, ngành và địa phương nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM...

Nguyễn Văn Ðô

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/nang-cao-doi-song-van-hoa-a31631.html