Nâng cao giá trị cho nông sản vùng cao

Huyện Võ Nhai đang tích cực triển khai các giải pháp để nâng cao giá trị nông sản. Qua đó, nhiều sản phẩm của huyện đã mở rộng được thị trường tiêu thụ.

Nông sản qua chế biến thu hút du khách tại Điểm du lịch cộng đồng xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng (Võ Nhai).

Nông sản qua chế biến thu hút du khách tại Điểm du lịch cộng đồng xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng (Võ Nhai).

Hợp tác xã (HTX) nông sản an toàn Liên Minh đi vào hoạt động từ năm 2018, với 10 thành viên, chủ yếu sản xuất, kinh doanh chè khô. Thời điểm đó, giá chè khô của HTX cao nhất cũng chỉ được 130 nghìn đồng/kg, nguyên nhân là do lái buôn “chê” chè không đẹp nước, hương không thơm. Xác định nhu cầu của thị trường về chè an toàn, chè ngon ngày càng cao, HTX đã chủ động tìm kiếm các khóa đào tạo, tập huấn, chuyển giao khoa học - công nghệ để đưa các thành viên đi học tập. Đồng thời, vận động bà con thay đổi phương thức sản xuất chè theo hướng an toàn, hữu cơ.

Với cách làm như vậy, qua hơn 4 năm hoạt động, giá trị sản phẩm của HTX đã tăng thêm hơn 40%, đồng thời thu hút 40 hộ thành viên, mở rộng diện tích chè canh tác lên trên 31ha. Thay vì giá bán từ 80-130 nghìn đồng/kg như trước đây, chè của HTX nông sản an toàn Liên Minh đã bán được 180-200 nghìn đồng/kg.

Chị Hoàng Thị Hải, Giám đốc HTX nông sản an toàn Liên Minh, cho hay: Hiện nay, 100% thành viên và các hộ gia đình hợp tác đều sử dụng phân bón hữu cơ, cũng như tuân thủ tuyệt đối quy trình sản xuất an toàn. Qua đó, sản phẩm chè của HTX đã bảo đảm được chất lượng tốt hơn, an toàn hơn, đạt giá trị cao hơn.

Không nằm ngoài mục tiêu nâng cao giá trị sản phẩm, những năm gần đây, nhiều HTX, cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện Võ Nhai đã chú trọng đa dạng hóa sản phẩm thông qua chế biến, hình thành chuỗi kết nối cung - cầu trong sản xuất nông nghiệp. Qua đó, không chỉ nâng cao giá trị hàng hóa, mà còn từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn.

Khảo sát từ quy trình sản xuất 2 sản phẩm OCOP 4 sao tiêu biểu: Nõn măng nứa Võ Nhai và Mộc nhĩ khô Võ Nhai của HTX chế biến nông sản Võ Nhai (xã Vũ Chấn), cho thấy, chất lượng sản phẩm là yếu tố quyết định giá trị thương mại.

Ông Lê Văn Hiếu, Giám đốc HTX chế biến nông sản Võ Nhai, chia sẻ: Sau khi được chứng nhận OCOP 4 sao, Nõn măng nứa Võ Nhai và Mộc nhĩ khô Võ Nhai của HTX đã được gửi đi tham gia các hội chợ, ngày hội quảng bá nông sản khắp cả nước và một số hội nghị, hội thảo quốc tế. Đồng thời, sản phẩm được quảng bá, chào bán trên nhiều sàn giao dịch thương mại điện tử. Qua đó, chúng tôi đã kết nối được với một số đối tác lớn, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm ra toàn quốc.

Đến cuối năm 2022, HTX chế biến nông sản Võ Nhai đã xuất khẩu được trên 2 nghìn sản phẩm OCOP đi Nhật Bản và Singapore. Riêng 2 sản phẩm OCOP đã đem về cho HTX doanh thu khoảng 7 tỷ đồng, với trên 20 tấn thành phẩm xuất bán trong năm 2022. Thời điểm hiện tại, mỗi ngày, HTX sản xuất và đưa ra thị trường gần 1 nghìn hộp măng nứa sấy khô và 2 nghìn túi măng tươi.

Sản xuất bún khô - sản phẩm OCOP 3 sao - tại HTX mỳ, bún khô Tiến Diện, xã Tràng Xá (Võ Nhai).

Sản xuất bún khô - sản phẩm OCOP 3 sao - tại HTX mỳ, bún khô Tiến Diện, xã Tràng Xá (Võ Nhai).

Tương tự, trên địa bàn huyện Võ Nhai còn có nhiều HTX, cơ sở sản xuất thực hiện chế biến nông sản nhằm đa dạng hóa sản phẩm và tạo ra giá trị thương mại cao hơn, như: HTX nông lâm nghiệp Phú Thượng (xã Phú Thượng) với sản phẩm bánh khẩu sli (đạt OCOP 3 sao) và mỹ nghệ tre đan; Công ty TNHH Dược thảo Hòa Bình (thị trấn Đình Cả) với trà giảo cổ lam 5 lá (OCOP 3 sao); HTX mỳ, bún khô Tiến Diện (xã Tràng Xá) với sản phẩm bún khô chế biến từ gạo đặc sản địa phương (OCOP 3 sao); HTX mỳ gạo Tiền Phong (thị trấn Đình Cả) với sản phẩm mỳ chế biến từ gạo đặc sản địa phương (OCOP 3 sao)… Hầu hết các cơ sở này đều tổ chức sản xuất theo quy mô kinh tế tập thể, với sản lượng lớn, quy trình hiện đại, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Theo ông Nông Minh Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Võ Nhai: Đầu tư thay đổi phương thức sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn; đồng thời tăng cường chế biến là những giải pháp tích cực góp phần nâng cao giá trị nông sản, giải quyết bài toán tiêu thụ nông sản cho nông dân trên địa bàn. Bước phát triển này không chỉ mở ra tín hiệu tích cực trong việc nâng cao giá trị gia tăng cho từng loại nông sản hàng hóa mà còn giúp các HTX, hộ kinh doanh có nhận thức đúng hơn trong định hướng phát triển sản phẩm.

Cũng theo ông Nông Minh Tuấn, để tạo lực đẩy cho nông sản, hàng hóa của địa phương vươn xa hơn trên thị trường, những năm gần đây, huyện Võ Nhai đã đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất - kinh doanh tham gia nhiều hội chợ, triển lãm kết nối cung - cầu, giới thiệu sản phẩm trong và ngoài tỉnh. Với các sản phẩm OCOP, huyện phối hợp với Sở Công Thương hỗ trợ các chủ thể duy trì hoạt động mua bán trên sàn thương mại điện tử; tạo gian hàng và đăng bán sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử uy tín như: Lazada, Tiki, Shopee, Voso, PostMart…

Những nỗ lực nâng cao giá trị nông sản đã góp phần đưa lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Võ Nhai có bước tăng trưởng mạnh. Tính đến cuối năm 2022, giá trị sản xuất trên đất trồng trọt của huyện đạt bình quân 102 triệu đồng/ha/năm, tăng 78% so với năm 2015 (57 triệu đồng); giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản toàn huyện đạt trên 998 tỷ đồng, tăng gần 45% so với năm 2015 (690 tỷ đồng)...

Từ năm 2019 đến nay, huyện Võ Nhai đã hỗ trợ gần 20 thiết bị sao, sấy chè cho các chủ thể sản xuất - kinh doanh, với tổng trị giá 450 triệu đồng; hỗ trợ trên 1 tỷ đồng để ứng dụng khoa học - công nghệ xây dựng mô hình sản xuất chè theo hướng hữu cơ gắn với chuỗi giá trị và tiêu thụ sản phẩm bền vững; hỗ trợ trên 2,5 tỷ đồng xây dựng vùng cây ăn quả với tổng diện tích 431ha đạt tiêu chuẩn VietGAP; hỗ trợ người dân trồng gần 350ha quế…

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202309/nang-cao-gia-tri-cho-nong-san-vung-cao-01f6213/