Nâng cao giá trị của sen gắn với phát triển nông nghiệp Thủ đô

Thành công của 'Lễ hội Sen Hà Nội và giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc' năm 2024 diễn ra từ ngày 12 đến ngày 16/7 tại quận Tây Hồ (Hà Nội) đã thu hút 50.000 lượt người tham quan, tổng doanh thu và giá trị hợp đồng, biên bản ghi nhớ cam kết thu mua các sản phẩm OCOP và sản phẩm từ sen, các loại trà đạt hơn 11 tỷ đồng.

Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024):

Sản phẩm sen trà Hiền Xiêm (quận Tây Hồ, Hà Nội) đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Ảnh: Mộc Miên

Sản phẩm sen trà Hiền Xiêm (quận Tây Hồ, Hà Nội) đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Ảnh: Mộc Miên

Bảo tồn giống sen quý Bách Diệp hồ Tây

Nhìn vào con số ấn tượng trên đã khẳng định sức hấp dẫn của Lễ hội Sen Hà Nội lần đầu tổ chức, đồng thời là cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP từ sen gắn với phát triển nông nghiệp Thủ đô.

Mỗi mùa sen nở, hồ Tây là địa chỉ thu hút hàng nghìn du khách đến tham quan và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hoa sen. Các hồ sen lớn như hồ Đầm Trị, Đầu Đồng, Thủy Sứ, Đầm Chéo… là những điểm đến lý tưởng, hấp dẫn du khách. Du khách có thể đi thuyền trên hồ, chụp ảnh và tận hưởng không khí trong lành, yên bình của hồ Tây lộng gió. Khu vực này nổi tiếng với giống sen Bách Diệp có đặc trưng 100 cánh, màu hồng, mùi hương quyến rũ. Từ lâu giống sen Bách Diệp được coi là giống sen quý hiếm ở miền Bắc, đồng thời là một phần văn hóa Thủ đô Hà Nội.

Ước tính, tổng diện tích các đầm sen ở Tây Hồ (đã từng trồng giống sen Bách Diệp Tây Hồ) tại phường Quảng An là gần 30 ha trong đó: Đầm Trị 5,7 ha; Đầu Đồng 3,6 ha; Thủy Sứ trên 3,6 ha; Thủy Sứ dưới 0,7 ha; Phổ Linh 2,0 ha, Đầm Chéo 4,0 ha…

Nhằm phát huy lợi thế từ sen, UBND quận Tây Hồ đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, Viện Nghiên cứu rau quả (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) triển khai dự án “Xây dựng mô hình mẫu sản xuất sen gắn với phát triển du lịch sinh thái theo chuỗi giá trị tại Tây Hồ, Hà Nội”. thí điểm tại các hồ Đầu Đồng và Thủy Sứ (phường Quảng An) với diện tích 7ha. Qua đó, khôi phục phát triển và nhân rộng giống sen Bách Diệp, định vị thương hiệu sen Tây Hồ.

Đồng thời, quận Tây Hồ đã và đang triển khai thực hiện Đề án khôi phục trồng sen Bách Diệp tại 18 hồ trên địa bàn được TP Hà Nội phê duyệt nhằm khôi phục và bảo tồn giống sen Bách Diệp nổi tiếng - phát huy giá trị kinh tế nông nghiệp và văn hóa sen Tây Hồ.

Đầm sen Bách Diệp hồ Tây. Ảnh: Mộc Miên

Đầm sen Bách Diệp hồ Tây. Ảnh: Mộc Miên

Trước đó, Viện Nghiên cứu rau quả đã xây dựng “Mô hình mẫu sản xuất gắn với phát triển du lịch sinh thái theo chuỗi giá trị” (quy mô 9,5ha tại xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội).

Ngày nay, cây sen được phát triển ở nhiều huyện ngoại thành Hà Nội gắn với du lịch sinh thái và làm nguyên liệu cao cấp cho ngành dệt may, chế biến hương liệu, tinh bột. Trong đó, 18 sản phẩm từ cây sen đã được đánh giá, phân hạng trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Điển hình phải kể đến sản phẩm lụa tơ sen “độc nhất vô nhị” do nghệ nhân Phan Thị Thuận (xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức) sáng tạo. Khăn lụa tơ sen do nghệ nhân Phan Thị Thuận sản xuất được đánh giá là sản phẩm tiềm năng 5 sao và được Văn phòng Chính phủ sử dụng làm quà tặng nguyên thủ các quốc gia; mâm cỗ sen sản phẩm du lịch ẩm thực độc đáo hút khách ở làng cổ Đường Lâm…

Tham dự “Lễ hội Sen Hà Nội và giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc” năm 2024, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá cao Hà Nội đã có hướng đi đúng về việc khai thác những giá trị văn hóa bản địa, thế mạnh địa phương để phát triển các sản phẩm OCOP. Việc giới thiệu quảng bá sản phẩm OCOP gắn với các các sự kiện, lễ hội được tổ chức ngày càng chuyên nghiệp và hấp dẫn.

Đặc biệt là khai thác giá trị từ sen để ứng dụng vào cuộc sống, như “Nghề ướp trà sen” Bách Diệp Tây Hồ là một hướng đi khá mới mẻ. Điều này không chỉ giúp phục hồi những đầm sen Bách Diệp đang ngày một ít đi, có nguy cơ biến mất ở ven hồ Tây (Hà Nội) mà còn nâng tầm giá trị của trà sen, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp địa phương.

Thống kê trên địa bàn quận Tây Hồ hiện nay có khoảng 15 cơ sở chế biến chè sen. Nhu cầu của 1 cơ sở trong 1 ngày vào mùa sen, cần khoảng 3.000 - 5.000 bông sen bách Diệp Tây Hồ. Mỗi cơ sở trong 1 vụ sen cần 360.000 bông, nhu cầu của cả quận xấp xỉ 4.000.000 bông/năm (cả chế biến và bán tươi). Thực tế, số lượng hoa sen tại hồ Tây không đủ cung cấp, phải lấy từ nhiều nguồn khác trên địa bàn Hà Nội.

Gia đình nghệ nhân Ngô Văn Xâm và bà Lưu Thị Hiền (Tây Hồ, Hà Nội) đang làm công đoạn tách gạo sen để ướp trà sen. Ảnh: P.V

Gia đình nghệ nhân Ngô Văn Xâm và bà Lưu Thị Hiền (Tây Hồ, Hà Nội) đang làm công đoạn tách gạo sen để ướp trà sen. Ảnh: P.V

Đến nay, thương hiệu “Chè sen Quảng An - tinh hoa chè Việt” đã được công nhận sản phẩm làng nghề từ năm 2013, tiếp tục được phát triển với thương hiệu trà sen Hiền Xiêm là đại diện duy nhất đạt chứng nhận OCOP 4 sao. Với những giá trị độc đáo, “Nghề ướp trà sen” đang được đề nghị công nhận Di sản văn hóa Phi vật thể cấp quốc gia.

Bên cạnh đó, quận Tây Hồ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu về tiềm năng, lợi thế, vai trò của việc trồng Sen, qua đó góp phần thúc đẩy, phát triển kinh tế, du lịch - văn hóa làng nghề trên địa bàn quận.

“Đánh thức” giá trị kinh tế nông nghiệp từ sen

Trao đổi về giá trị nông nghiệp của sen Hà Nội, nghệ nhân Phan Thị Thuận – Giám đốc Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức cho biết : “Qua nghiên cứu hoàn thiện quy trình trồng sen lựa chọn thu hoạch cọng lá, cọng hoa để chế biến tơ sen nhận thấy Việt Nam có rất nhiều loại sen đã được trồng, tùy theo mục đích sử dụng mà người ta trồng giống sen khác nhau, trên nền chân đất khác nhau. Ví dụ với mục đích trồng sen lấy củ thì nhập giống sen của Nhật Bản, giống sen này cho năng suất và chất lượng củ rất cao, thường trồng ở vùng đất trồng lúa, mực nước trên ruộng từ 20 - 35 cm. Nếu trồng sen lấy hoa, hạt, người ta trồng giống sen quê (giống sen bản địa) hay trồng sen trắng để thu hoạch hoa bán giá cao. Trồng sen lấy hạt thường trồng giống: sen đỏ, sen mun, sen diệp, sen phương nam, sen thái… hiện nay có nhiều giống sen cao sản.

Đáp ứng các giải pháp, nghệ nhân Phan Thị Thuận đã ứng dụng gieo trồng giống sen truyền thống của địa phương. Giống sen này thường trồng ở vùng đất trũng, nước ngập sâu từ 60 – 100 cm. giống sen này cho thu hoạch cọng lá, cọng hoa, cọng gương rất tốt. Hiện, công ty triển khai trồng 1,8 ha sen chất lượng cao (thuộc đội 13, thôn Hạ, xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội).

Hiện nay, cánh đồng sen tạo công việc thường xuyên cho 11 lao động tự do, với lương bình quân 300.000đ/người/công, tương đương 9.000.000đ người/tháng. Trong đó công lao động kỹ thuật se tơ, dệt sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn và thu nhập 1 lao động từ 12 – 15 triệu đồng/tháng.

Trên thế giới mỗi chiếc khăn từ lụa tơ sen có giá trị 100 USD, tại Việt Nam, cụ thể là xưởng sản xuất của nghệ dân Phan Thị Thuận được bán với mức giá 8 triệu đồng/khăn.

Nghệ nhân Phan Thị Thuận giới thiệu các sản phẩm lụa tơ sen. Ảnh: Mộc Miên

Nghệ nhân Phan Thị Thuận giới thiệu các sản phẩm lụa tơ sen. Ảnh: Mộc Miên

“Tiềm năng của dệt lụa tơ sen ở địa phương rất lớn. Nếu phát triển rộng mô hình dệt lụa này sẽ tận dụng được nguồn tài nguyên trước đây thường bị bỏ phí, tạo thêm công ăn việc làm và thu nhập cho lao động địa phương. Thông qua đó giúp người dân cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, đoàn kết, chia sẻ giúp đỡ nhau cùng phát triển, góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt là khi xưởng sản xuất của gia đình được lựa chọn là điểm đến du lịch trải nghiệm của du khách tham dự tour “Khám phá con đường di sản Nam Thăng Long – Hà Nội” – Nghệ nhân Phan Thị Thuận bày tỏ.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, TP đang tập trung phát triển cây sen như một phần trong chiến lược tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với phát triển nông nghiệp đô thị và du lịch. Thúc đẩy đẩy trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi để phù hợp với tiến trình đô thị hóa và xây dựng đô thị sinh thái bền vững.

Thành công từ “Lễ hội Sen Hà Nội và giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc” năm 2024 thực hiện hóa Chương trình 04 của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025”. Đây cũng là hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).

Hà Nội là địa phương đã phát triển được rất nhiều đặc sản tinh túy được chế biến từ sen, vừa mang lại giá trị kinh tế, vừa là nét văn hóa đặc sắc của người Hà Thành như: Sen trà Hiền Xiêm, quận Tây Hồ; chè sen Quảng An, quận Tây Hồ; hạt sen Đầm Long, huyện Ba Vì; trà lá sen, huyện Sóc Sơn; trà tâm sen, huyện Thanh Trì; xôi cốm hạt sen Ngô Thức, quận Nam Từ Liêm ... Bên cạnh đó các nghệ nhân làng nghề còn sử dụng cây hoa sen làm nguyên liệu để tạo ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ lá sen như: lụa tơ sen Mỹ Đức, túi lá sen, nón lá sen... được du khách nước ngoài rất yêu thích khi tới du lịch nước ta. 18 sản phẩm từ sen đã được công nhận là mặt hàng OCOP tiêu biểu.

Mộc Miên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/nang-cao-gia-tri-cua-sen-gan-voi-phat-trien-nong-nghiep-thu-do-388958.html