Nâng cao giá trị nông sản từ phát triển sản phẩm OCOP

Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, nhờ phát huy đúng thế mạnh, đặc trưng của từng địa phương, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã mang lại kết quả tích cực. Nhiều sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao, 4 sao không chỉ mở ra cơ hội phát triển nông nghiệp địa phương mà còn giúp phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng gia tăng giá trị nông sản.

Thành viên HTX Thương mại dịch vụ sản xuất nghệ Đại Hưng, xã Đại Hưng (Khoái Châu) giới thiệu sản phẩm với khách hàng

Củ nghệ từ lâu đã được biết đến là loại dược liệu quý của vùng đất Khoái Châu. Phát huy thế mạnh của các loại nông sản địa phương từ cây nghệ và cây lạc, năm 2018, 9 nông dân ở xã Đại Hưng đã thành lập Hợp tác xã (HTX) Thương mại dịch vụ sản xuất nghệ Đại Hưng và đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua sắm trang thiết bị sản xuất nhiều sản phẩm như: Dầu lạc, bột nghệ, tinh bột nghệ... Hiện nay, HTX có diện tích vùng sản xuất nghệ và lạc nguyên liệu 7,2ha, mỗi năm thu hoạch từ 3 đến 4 tấn lạc và hàng trăm tấn nghệ củ.

Ông Nguyễn Văn Quân, Giám đốc HTX cho biết: Năm 2019, HTX bắt đầu tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP và đến nay, HTX có 4 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh là: Dầu lạc, Tinh nghệ mật ong Corri, Bột nghệ Corri và Tinh bột nghệ Corri. Từ Chương trình OCOP, sản phẩm của HTX có thương hiệu, được nhiều người tiêu dùng biết đến. Hiện, sản phẩm đang phân phối cho cơ sở kinh doanh trong và ngoài tỉnh. Các sản phẩm của HTX làm ra đến đâu, tiêu thụ hết đến đó.

Những năm gần đây, huyện Phù Cừ nổi tiếng với sản phẩm vải trứng. Đây là giống vải có nguồn gốc từ cây vải tổ của gia đình ông Nguyễn Văn Vì ở thôn Ba Đông, xã Phan Sào Nam. Ưu thế vượt trội của quả vải trứng là khi chín vỏ mỏng, có màu đỏ tươi, mã đẹp, quả to, chín sớm, cùi dày, vị ngọt sắc... Đến nay, toàn xã Phan Sào Nam đã chuyển đổi đất gieo cấy lúa sang trồng vải trứng được 125ha, diện tích đang cho thu hoạch 50ha, trong đó 12ha của HTX Nông nghiệp Quyết Tiến đã được chứng nhận VietGAP, diện tích còn lại được sản xuất theo quy trình VietGAP. Năm 2020, người dân Phan Sào Nam tự hào khi sản phẩm vải trứng Hưng Yên của HTX Nông nghiệp Quyết Tiến được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh. Trong vụ vải vừa qua, giá vải trứng tại đây dao động từ 110.000 đến 150.000 đồng/kg. Ngoài tiêu thụ nội địa, HTX Nông nghiệp Quyết Tiến liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu 300kg vải trứng Hưng Yên sang tiêu thụ tại thị trường EU và Nhật Bản. Anh Mai Văn Diệm, thành viên HTX Nông nghiệp Quyết Tiến, xã Phan Sào Nam (Phù Cừ) phấn khởi cho biết: “Từ khi sản phẩm vải trứng được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh, chúng tôi được hưởng lợi rất nhiều, giá bán sản phẩm tăng dần qua các năm”.

Theo số liệu của Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và PTNT), đến nay, toàn tỉnh có 140 sản phẩm OCOP, trong đó có 115 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt 3 sao, 25 sản phẩm đạt 4 sao (trong đó, 1 sản phẩm đề xuất tiềm năng 5 sao). Thực tế cho thấy, nhiều sản phẩm đặc trưng của các địa phương trước đây sản xuất theo phương thức truyền thống khi tham gia vào chương trình OCOP đã được chuẩn hóa, sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng. Các sản phẩm sau khi công nhận được sử dụng nhãn hiệu OCOP và thứ hạng sao in và dán trên bao bì sản phẩm, nâng tầm và tạo niềm tin đối với người tiêu dùng, đủ điều kiện vào các siêu thị, hệ thống phân phối hiện đại và xuất khẩu.

Các sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh được các chủ thể sản xuất chú trọng đầu tư máy móc, thiết bị, hạ tầng, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến… vào sản xuất để có sản phẩm chất lượng, an toàn thực phẩm, mẫu mã đa dạng đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu. Điển hình, sản phẩm bột nghệ (4 sao) của Công ty TNHH Hoàng Minh Châu Hưng Yên hàng năm xuất sang thị trường Nhật Bản, Trung Đông, Trung Quốc; sản phẩm mật ong hoa nhãn, hạt sen, long nhãn (4 sao) của Công ty TNHH Lai Hoài xuất sang thị trường một số nước Châu Âu, Trung Quốc…

Đồng chí Lê Văn Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết: Qua Chương trình OCOP, các sản vật của Hưng Yên được chắp cánh bay xa, nâng tầm giá trị hơn. Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, Chương trình OCOP góp phần phát huy tính sáng tạo, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của nông dân, xây dựng mối liên kết phát triển kinh tế cộng đồng bền vững, tạo nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao mang thương hiệu lợi thế mỗi huyện, mỗi xã.

Hương Giang

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/kinh-te/202210/nang-cao-gia-tri-nong-san-tu-phat-trien-san-pham-ocop-5215aa5/