Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất

Phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: 'Đất đai là tài sản đặc biệt của quốc gia, là tư liệu sản xuất cơ bản, là tài nguyên vô cùng quý giá, là nguồn sống của nhân dân và nguồn lực to lớn của đất nước, thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý'.

Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII xem xét, thảo luận nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có đất đai (Ảnh: baochinhphu.vn)

(baophutho.vn) - Phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Đất đai là tài sản đặc biệt của quốc gia, là tư liệu sản xuất cơ bản, là tài nguyên vô cùng quý giá, là nguồn sống của nhân dân và nguồn lực to lớn của đất nước, thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”. Chủ trương đúng đắn, phù hợp với thực tiễn mang giá trị thời đại này đã và đang phát huy hiệu quả tích cực giúp nước ta phát triển nhanh, bền vững, chất lượng đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, những gì tốt đẹp cho quốc gia, dân tộc Việt Nam đều là điều các thế lực phản động trong đó có tổ chức khủng bố Việt Tân không mong muốn, thậm chí còn thù hằn, tức tối. Do đó, chúng luôn điên cuồng tìm mọi cách để chống phá, bôi nhọ danh dự Đảng, Nhà nước Việt Nam…

Thời gian gần đây, trên trang facebook cá nhân, Nguyễn Thông liên tục có những bài viết thể hiện tư tưởng cực đoan, hạ thấp uy tín Đảng, Chính phủ Việt Nam. Ngay sau khi Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII khai mạc, Nguyễn Thông đã đăng tải bài viết “Đất hỡi” với nội dung, luận điệu sặc mùi xuyên tạc, chống phá: “Hội nghị trung ương lần này (hội nghị 5) của đảng cầm quyền không phải tự dưng bàn về luật đất đai. Nó đã nhận thấy cái luật ấy “giết” của nó biết bao nhiêu cán bộ đảng viên “ưu tú” rồi, nên hoảng…”; “Xác quyết sở hữu toàn dân thực chất là cuộc cướp đất công khai, cướp tài sản mồ hôi nước mắt của dân chúng do bao đời truyền lại…”. Ngày 11/5, Nguyễn Thông tiếp tục loạn ngôn “Bây giờ, lại nghe các ông ấy họp, nhắc phải củng cố hợp tác xã, phủ nhận quyền sở hữu đất, càng thấy rùng mình. Họ không thay đổi tâm địa tí nào, dù thời cuộc đã đổi thay”. Ngay lập tức, tổ chức khủng bố Việt Tân đã đăng tải lại bài viết trên facebook và câu nhử những lời bình luận kích động tư tưởng hận thù, đố kỵ từ đám vong nô hải ngoại…
Trên thực tế, trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, cả dân tộc Việt Nam đắm chìm trong kiếp sống nô lệ của nghìn năm Bắc thuộc và gần trăm năm dưới ách cai trị của Thực dân và bè lũ phong kiến tay sai. Bởi thế, ngay sau khi giành được độc lập, trong thời điểm cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp gian nan, ác liệt nhất, năm 1953, Đảng ta đã có Cương lĩnh về vấn đề đất đai, trong đó nhấn mạnh: “Cần phải xóa bỏ quyền chiếm hữu ruộng đất của Đế quốc ở Việt Nam, xóa bỏ chế độ phong kiến chiếm hữu ruộng đất của giai cấp địa chủ, thực hiện chế độ sở hữu ruộng đất của nông dân, thực hiện khẩu hiệu người cày có ruộng”. Tư tưởng nhất quán này đã được kế thừa, hoàn thiện, phát triển đến bây giờ, được cụ thể hơn trong các văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể là Luật Đất đai năm 2013.

Luận điệu xuyên tạc, chống phá của tổ chức khủng bố Việt Tân và các phần tử dân chủ cực đoan. Mục tiêu lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam là phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Bất kỳ một đạo luật nào được xây dựng và trước khi được ban hành đều có sự tham gia góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức chính trị xã hội và đặc biệt là được lấy ý kiến rộng rãi trong toàn dân, được sự đồng thuận của nhân dân, thực hiện dân bàn, dân làm và dân kiểm tra. Có thể theo thời gian, các quy định của pháp luật sẽ phát sinh những bất cập, không phù hợp với điều kiện thực tiễn. Đó là lúc cần xem xét, bàn bạc để có những điều chỉnh phù hợp.Đảng, Chính phủ luôn cầu thị, lắng nghe mọi ý kiến đóng góp, phản biện xã hội của các tổ chức chính trị xã hội và mỗi công dân. Tất nhiên, đó phải là những ý kiến mang tinh thần xây dựng, xuất phát từ thiện tâm, thiện ý, trách nhiệm công dân với cộng đồng chứ không phải luận điệu chống phá che giấu âm mưu chính trị thấp hèn như tổ chức khủng bố Việt Tân và bè lũ dân chủ cực đoan. Phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bám sát Cương lĩnh của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI, dành nhiều thời gian để nghiên cứu, thảo luận và đã thống nhất cao ban hành Nghị quyết mới về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”. Trung ương cho rằng, cần phải kế thừa, bổ sung, phát triển Nghị quyết Trung ương 6 theo hướng tiếp tục khẳng định: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào các mục đích quốc phòng, an ninh, phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội theo luật định, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch. Quản lý và sử dụng đất phải bảo đảm lợi ích chung của toàn dân; nhân dân được tạo điều kiện tiếp cận, sử dụng đất một cách công bằng, hiệu quả và bền vững. Nhà nước thống nhất quản lý đất đai theo lãnh thổ quốc gia, cả về diện tích, chất lượng, giá trị kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường; phân công hợp lý giữa các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương, đồng thời có sự phân cấp, phân quyền phù hợp, hiệu quả đối với các địa phương…”.Theo Đảng và Hồ Chủ tịch, nhân dân Việt Nam không lựa chọn con đường phát triển Tư bản chủ nghĩa, tư nhân hóa đất đai, hy sinh quyền lợi làm chủ ruộng đất của người lao động, chấp nhận sự tích lũy ruộng đất vô lối vào số ít người giàu có trong xã hội. Hiến pháp quy định sở hữu toàn dân về đất đai là cơ sở pháp lý để mọi người bảo vệ lợi ích của chính mình trong việc sử dụng tài sản công. Thực tiễn khách quan thời gian qua ở Việt Nam đã chứng minh, kiên trì nguyên tắc hiến định đất đai thuộc sở hữu toàn dân không chỉ phù hợp với thực tiễn lịch sử, mà còn là điều kiện phát triển đất nước theo định hướng XHCN. Nghị quyết về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao” được ban hành, đi vào cuộc sống sẽ tiếp thêm niềm tin, sức mạnh, tạo nguồn lực để đất nước phát triển nhanh, bền vững, sớm hoàn thành mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Trung Tín

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/chinh-tri/202205/nang-cao-hieu-luc-hieu-qua-quan-ly-va-su-dung-dat-184228