Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất
Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TƯ, ngày 16-6-2022, về 'Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao'.
Nội dung của nghị quyết được người dân đón nhận với kỳ vọng khắc phục được những bất cập trong chính sách quản lý đất đai tồn tại nhiều năm qua, thúc đẩy quan hệ thị trường phát triển.
Hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai
Quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết số 18/NQ-TƯ là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai; thống nhất quản lý theo hướng nâng cao trách nhiệm, phân cấp, phân quyền về địa phương và kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ của Trung ương; giảm đầu mối, giảm trung gian, gắn với cải cách hành chính, giảm phiền hà, tiêu cực; phát huy tốt hơn nữa nguồn tài nguyên đất, đưa nguồn tài nguyên đất đai vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước…; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người dân, nhà đầu tư và Nhà nước...
Sau hơn một năm đi vào cuộc sống, Nghị quyết số 18-NQ/TƯ là cơ sở chính trị quan trọng để hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai. Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân, Bộ đã ban hành Thông tư số 02/2023/TT-BTNMT, ngày 15-5-2023, về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT và Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT, ngày 19-5-2014, của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và quy định về hồ sơ địa chính.
Bộ cũng ban hành Quyết định số 1085/QĐ-BTNMT, ngày 28-4-2023, về việc công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung thủ tục hành chính, bãi bỏ trong lĩnh vực đất đai thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo đó có 25 thủ tục hành chính về đất đai đã được sửa đổi, bổ sung, đáp ứng yêu cầu đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp phân quyền về cơ sở.
Đặc biệt, dự thảo Luật Đất đai đã thể chế hóa các mục tiêu tổng quát, cụ thể, cũng như các nhóm giải pháp và chính sách lớn tại Nghị quyết số 18-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương. Dự thảo luật đã giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn, phù hợp với xu thế phát triển, như: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; về thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; vấn đề tài chính đất đai, giá đất và hoàn thiện cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường...
Sự vào cuộc tích cực của Hà Nội
Nhằm đưa Nghị quyết số 18-NQ/TƯ vào cuộc sống, ngày 3-2-2023, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình hành động số 22-CTr/TU, với mục tiêu tổng quát: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai, tạo sự chuyển biến trong hành động, trách nhiệm trong quản lý, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên đất đai bền vững. Theo đó, từ nay đến năm 2025, Hà Nội hoàn thành hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai của thành phố; hoàn thành phân cấp, phân quyền, ủy quyền hợp lý, triệt để trong công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, đấu giá quyền sử dụng đất; hoàn thành xây dựng bảng giá đất; giải quyết dứt điểm các nội dung tồn tại trong công tác quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn; giao đất dịch vụ cho người dân bị thu hồi đất nông nghiệp… Đồng thời, Hà Nội cũng rà soát, kiện toàn bộ máy tổ chức, nhân lực, đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, bảo đảm cho hệ thống quản lý nhà nước về đất đai đủ mạnh để làm tốt nhiệm vụ quản lý và huy động nguồn lực đất đai…
Thực hiện Chương trình hành động số 22-CTr/TU của Thành ủy, UBND thành phố đã có Kế hoạch số 137/KH-UBND, ngày 5-5-2023, với các nội dung quan trọng về nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý trong lĩnh vực đất đai. Trong đó, UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện tham mưu việc chỉ đạo xử lý những tồn tại, vướng mắc về đất đai; nghiên cứu, đề xuất Trung ương chấp thuận các cơ chế đặc thù trong quy hoạch, thu hồi đất vùng phụ cận các tuyến đường giao thông, tạo quỹ đất đấu giá quyền sử dụng đất...
Nhờ đó, nhiều dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố đã được triển khai nhanh chóng, hiệu quả. Điển hình như Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đã bảo đảm toàn bộ các điều kiện để khởi công, đáp ứng đúng tiến độ đề ra. Đặc biệt, công tác giải phóng mặt bằng phục vụ dự án đã đạt trên 84% (cao hơn mức kế hoạch đề ra là 70%).
Công tác quản lý đất đai tại các địa phương đã có sự chuyển biến quan trọng. Nhiều huyện đang từng bước hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu về giá đất, bản đồ giá đất; xây dựng, quản lý hệ thống thông tin đất đai hiện đại, công khai minh bạch, bảo đảm quyền tiếp cận của tổ chức, cá nhân. Đồng thời, các địa phương cũng quyết liệt xử lý các tồn tại cũ, không để vi phạm mới phát sinh thành điểm nóng… Theo Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên Nguyễn Xuân Thanh, huyện đã ban hành Chỉ thị số 04/CT, ngày 10-6-2023, về tăng cường xử lý các vi phạm trong quản lý đất đai, trật tự xây dựng… trên địa bàn huyện. Chỉ tính từ đầu năm 2023 đến nay, huyện Phú Xuyên đã xử lý dứt điểm 19 trường hợp vi phạm đất đai tồn đọng.
Còn theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Huy Cường, các phòng, ban, đơn vị thuộc Sở đã triển khai nhiệm vụ phân công công việc theo phương châm rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả và rõ tiến độ. Sở cũng đã thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về đất đai theo hướng cải cách quy trình, thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính trong công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất...; đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường, cắt giảm thời gian thực hiện từ 30%-50%. Đến nay, Sở đã hoàn thành việc phân cấp, phân quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/nang-cao-hieu-luc-hieu-qua-quan-ly-va-su-dung-dat-636138.html