Nâng cao hiệu quả, bảo đảm thông tin liên lạc trong chiến đấu
Đề tài 'Bảo đảm thông tin liên lạc tác chiến đánh địch tiến công hỏa lực trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc' mang tính thực tiễn, có ứng dụng, hiệu quả, góp phần bổ sung, phát triển nghệ thuật quân sự nói chung và lý luận bảo đảm thông tin liên lạc tác chiến đánh địch tiến công hỏa lực nói riêng trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
Đây là đánh giá của Hội đồng Khoa học cấp Bộ Quốc phòng do Thượng tướng, PGS, TS Trần Việt Khoa, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Quốc phòng làm Chủ tịch hội đồng vừa tổ chức đánh giá, nghiệm thu đề tài “Bảo đảm thông tin liên lạc tác chiến đánh địch tiến công hỏa lực trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc” (gọi tắt là đề tài) tại Trường Sĩ quan Thông tin, Binh chủng Thông tin liên lạc.
Trao đổi với chúng tôi, các thành viên tham gia trong quá trình nghiên cứu đề tài cho rằng, tác chiến đánh địch tiến công hỏa lực có vị trí rất quan trọng trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, nhằm đánh bại cuộc tiến công hỏa lực của địch, giữ vững thế trận của ta, tạo điều kiện cho các hoạt động tác chiến khác. Để bảo đảm thắng lợi, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, vận dụng linh hoạt các biện pháp tác chiến, giải quyết nhiều vấn đề về lãnh đạo, chỉ huy và bảo đảm tác chiến. Trong đó, bảo đảm thông tin liên lạc giữ vai trò quan trọng, quyết định sự thống nhất chỉ huy, hiệp đồng và điều hành tác chiến.
Theo Đại tá, TS Vương Tự Hùng, Chủ nhiệm khoa Tổ chức Thông tin, Trường Sĩ quan Thông tin, từ lý luận và thực tiễn cho thấy, tác chiến đánh địch tiến công hỏa lực nói chung, bảo đảm thông tin liên lạc nói riêng được hình thành, phát triển cùng với sự phát triển của Quân đội ta và yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong từng giai đoạn cách mạng. Trước sự phát triển của khoa học kỹ thuật, tổ chức biên chế của địch có sự điều chỉnh mạnh mẽ; vũ khí trang bị ngày càng hiện đại, thủ đoạn tác chiến đa dạng và linh hoạt hơn. Mặc dù thế và lực của ta cũng có sự phát triển vững mạnh hơn, song đặt ra yêu cầu phải nghiên cứu, bổ sung phát triển lý luận bảo đảm thông tin liên lạc tác chiến đánh địch tiến công hỏa lực phù hợp với điều kiện mới. Chính lý do đó đã thôi thúc các thành viên cùng tham gia nghiên cứu, kịp thời làm rõ sáng tỏ các vấn đề mà lý luận và thực tiễn đặt ra.
Tuy nhiên, khi bắt tay bước vào thực hiện, Ban đề tài đã gặp không ít khó khăn, nhất là việc nghiên cứu, dự báo chính xác đối tượng tác chiến, khả năng huy động lực lượng, phương tiện tác chiến hiện đại trên từng chiến trường, từng hướng chiến lược và phạm vi cả nước đòi hỏi phải sát thực tế, có tính dự báo cao trong chiến tranh tương lai, nếu xảy ra.
Thượng tá, Ths Trần Văn Sơn, Phó chủ nhiệm khoa Tổ chức Thông tin, Trường Sĩ quan Thông tin cho biết: “Để khắc phục những khó khăn, chúng tôi đã trao đổi, thống nhất, tham khảo nhiều nguồn tài liệu; khảo sát thực tế ở các đơn vị, xin ý kiến của các cơ quan chức năng, chỉ huy các đơn vị và các nhà khoa học ở các học viện, nhà trường trong toàn quân. Đồng thời, khảo sát đặc điểm môi trường tác chiến, thực trạng hệ thống thông tin trên từng vùng, miền để có cơ sở đề xuất mô hình, tổ chức lực lượng và tổ chức hệ thống thông tin, nội dung bảo đảm thông tin liên lạc và các giải pháp nâng cao hiệu quả bảo đảm thông tin liên lạc tác chiến đánh địch tiến công hỏa lực phù hợp, có tính khả thi cao”.
Qua hai năm nghiên cứu, đề tài được Hội đồng khoa học cấp Bộ Quốc phòng thông qua vào cuối tháng 4-2023 và đánh giá đạt xuất sắc. Hội đồng đánh giá chỉ rõ, đề tài là công trình khoa học có giá trị lý luận và thực tiễn cao; đã được Ban đề tài nghiên cứu công phu, nghiêm túc; tổ chức chặt chẽ, thực hiện đúng quy định của Bộ Quốc phòng về công tác khoa học và công nghệ. Các nội dung của đề tài, nhất là mô hình tổ chức hệ thống thông tin, nội dung bảo đảm thông tin liên lạc trong các giai đoạn tác chiến và các giải pháp vận dụng lý luận bảo đảm thông tin liên lạc tác chiến đánh địch tiến công hỏa lực trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc là những vấn đề mới, có giá trị cao; là cơ sở để các học viện, nhà trường và đơn vị trong toàn quân nghiên cứu tổ chức hệ thống thông tin, xây dựng phương án bảo đảm thông tin liên lạc tác chiến đánh địch tiến công hỏa lực ở mỗi cấp và vận dụng vào huấn luyện, giảng dạy cho các đối tượng.
Bày tỏ niềm vui khi kết quả nghiên cứu đề tài được đánh giá cao, Đại tá, TS Lê Xuân Hùng, Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Thông tin, Chủ nhiệm đề tài chia sẻ: “Đề tài được nghiệm thu là động lực thôi thúc chúng tôi tiếp tục có những nghiên cứu sâu sắc hơn nữa về bảo đảm thông tin liên lạc trong chiến đấu, đây cũng là nhiệm vụ xuyên suốt lâu dài của nhà trường. Đồng thời, góp phần làm cơ sở để Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng nghiên cứu khi chỉ đạo xây dựng lực lượng; huấn luyện nâng cao khả năng tác chiến, khả năng phối hợp của các lực lượng trong tác chiến đánh địch tiến công hỏa lực”.