Nâng cao hiệu quả công tác giáo dục đạo đức, lối sống trong nhà trường

Ngày 7/8, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên năm học 2024-2025.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi phát biểu tại hội nghị.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi phát biểu tại hội nghị.

Hội nghị diễn ra tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội với sự tham gia của gần 1.000 đại biểu đến từ các Sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục đại học. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi chủ trì hội nghị.

Mục tiêu giáo dục toàn diện

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi nhấn mạnh: Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho HSSV và bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội, an toàn trong trường học có vai trò hết sức quan trọng trong mục tiêu phát triển toàn diện con người Việt Nam.

Thời gian qua, Bộ GD&ĐT luôn quan tâm, tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền đầy đủ, kịp thời nhiều văn bản, cơ chế chính sách quan trọng về giáo dục chính trị, tư tưởng và công tác HSSV.

Với sự quyết liệt chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, sự nỗ lực thực hiện của toàn ngành GD-ĐT, trong năm học vừa qua, các địa phương, các cơ sở GD-ĐT đã nỗ lực khắc phục những khó khăn, bất cập về cơ chế, chính sách, khó khăn về đội ngũ, về cơ sở vật chất... và đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Về cơ bản, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống của HSSV ngày càng được nâng cao, môi trường giáo dục tại các nhà trường luôn được bảo đảm an ninh, an toàn, thân thiện, không bạo lực. Nhiều học sinh đã được kết nạp Đảng ngay từ bậc học phổ thông.

Đại đa số HSSV đạt tiêu chuẩn đạo đức, lối sống, hạnh kiểm, rèn luyện theo quy định của ngành Giáo dục. Nhận thức của HSSV về các giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, ý thức trách nhiệm với gia đình, với việc học tập, rèn luyện có nhiều chuyển biến.

 Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi phát biểu tại hội nghị.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi phát biểu tại hội nghị.

Nhiều tấm gương HSSV nghèo vượt khó, học giỏi, tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, tấm gương HSSV sống đẹp, giúp bạn đến trường. Qua đó, từng bước đầu tạo được chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của bản thân HSSV, nhà trường, gia đình và xã hội.

Bên cạnh kết quả đạt được, cũng còn một số những tồn tại hạn chế như: Một bộ phận thanh niên, thiếu niên và nhi đồng có biểu hiện suy thoái, lệch lạc về phẩm chất đạo đức, lối sống, vi phạm pháp luật do nhận thức chưa đúng về lịch sử truyền thống cách mạng, bản sắc văn hóa của dân tộc; đáng ngại nhất là tình trạng bạo lực học đường vẫn diễn ra phức tạp tại một số địa phương.

Việc nắm bắt thông tin, định hướng tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống tốt đẹp cho thế hệ trẻ qua môi trường mạng chưa được triển khai mạnh mẽ. Nguồn lực để triển khai còn hạn chế dẫn đến hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng và công tác học sinh, sinh viên trong thực tế còn chưa cao.

Để triển khai hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng, công tác HSSV trong năm học tới, Thứ trưởng đề nghị các đại biểu trao đổi, kiến nghị, thống nhất những nội dung, hình thức, phương pháp mang tính cốt lõi giúp các địa phương, các nhà trường thực hiện nhiệm vụ. Trên cơ sở đó, đề xuất giúp Bộ GD&ĐT có những định hướng chỉ đạo sát sao, hiệu quả ngay cho năm học 2024-2025 và trong thời gian tới.

 Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi và Vụ trưởng Trần Văn Đạt điều hành phần thảo luận.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi và Vụ trưởng Trần Văn Đạt điều hành phần thảo luận.

Triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả

Tại hội nghị, ông Trần Văn Đạt - Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) đã báo cáo kết quả triển khai công tác giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên năm học 2023-2024; phương hướng nhiệm vụ năm học 2024-2025.

Theo đó, năm học 2023-2024, Bộ GD&ĐT tiếp tục tổ chức quán triệt, triển khai các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng; các văn bản quy phạm pháp luật, đề án, chương trình của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ giáo dục chính trị và công tác HSSV; chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện bảo đảm hiệu quả trong toàn ngành Giáo dục.

Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng văn hóa cho HSSV tiếp tục được đổi mới, nâng cao chất lượng. Các địa phương, các cơ sở giáo dục và đào tạo đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp giáo dục chính trị, tư tưởng cho HSSV đảm bảo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với từng cấp học và trình độ đào tạo.

Toàn ngành tập trung triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác xây dựng văn hóa học đường với các nội dung cụ thể, thiết thực phù hợp với tình hình thực tế. Các hoạt động triển khai về xây dựng văn hóa học đường được quan tâm chỉ đạo thực hiện.

Các cơ sở GD-ĐT đã thực hiện đổi mới nội dung chương trình, hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá môn học, các hoạt động giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, kỹ năng sống cho học sinh trong chương trình chính khóa và các hoạt động ngoại khóa theo hướng giảm áp lực cho học sinh, giáo viên và phụ huynh học sinh.

Nhiều mô hình giáo dục được triển khai hiệu quả như: Mô hình xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong các trường học; mô hình giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử cho học sinh thông qua di sản; mô hình phiên tòa giả định; mô hình giáo dục pháp luật trực tuyến...

 Quang cảnh hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Công tác phòng chống bạo lực học đường, xâm hại trẻ em được quan tâm chỉ đạo và thực hiện trong các cơ sở giáo dục. Các nhà trường đã chủ động lồng ghép giáo dục phòng, chống bạo lực học đường với việc giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, nhất là kỹ năng tự bảo vệ bản thân, giải quyết mâu thuẫn.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, nhiệm vụ giáo dục chính trị và công tác HSSV vẫn còn có một số khó khăn, hạn chế như: Điều kiện cơ sở vật chất của một số nhà trường còn gặp nhiều khó khăn, chưa bố trí được phòng tư vấn tâm lý bảo đảm riêng tư, thân thiện; công tác thanh tra, kiểm tra các nội dung liên quan còn chưa thường xuyên...

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2024-2025, báo cáo chỉ ra 7 nội dung quan trọng. Đó là: Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các chính sách, quy định; Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông; Tăng cường công tác quản lý, hỗ trợ người học; Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, nhà giáo, cộng tác viên; Tiếp tục thực hiện các phong trào thi đua, cuộc vận động; Tăng cường phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.

 Đại diện Sở GD&ĐT TP.HCM trình bày tham luận tại hội nghị.

Đại diện Sở GD&ĐT TP.HCM trình bày tham luận tại hội nghị.

Tại hội nghị, đại biểu đến từ các Sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục đại học đã trình bày các tham luận, nêu những kết quả đạt được và những khó khăn trong thực tiễn triển khai công tác giáo dục chính trị, công tác HSSV và bàn giải pháp. Nhiều mô hình hay về công tác giáo dục chính trị, công tác HSSV cũng được các đại biểu trình bày.

Đó là tham luận “Phát huy hiệu quả công tác phối hợp trong giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh” của Sở GD&ĐT Bắc Giang, tham luận “Xây dựng bộ tiêu chí trường học hạnh phúc” của Sở GD&ĐT TP.HCM; tham luận “Kinh nghiệm triển khai thực hiện các quy định về phòng, chống bạo lực học đường” của Sở GD&ĐT Long An.

Tham luận “Tạo môi trường thuận lợi cho việc học tập, rèn luyện và nghiên cứu khoa học của HSSV" của Đại học Quốc gia Hà Nội; tham luận “Theo dõi, nắm bắt tình hình chính trị, tư tưởng HSSV thông qua hoạt động đối thoại giữa lãnh đạo nhà trường với HSSV” của Trường Đại học Tây Nguyên; tham luận “Thiết lập hệ sinh thái nhân văn, xây dựng cộng đồng phát triển bền vững” của Trường Đại học Văn Lang.

Chiều 7/8 các đại biểu các khối Sở GD&ĐT và khối các cơ sở giáo dục đại học tiếp tục dự Hội thảo góp ý, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên.

Lan Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nang-cao-hieu-qua-cong-tac-giao-duc-dao-duc-loi-song-trong-nha-truong-post694739.html