Nâng cao hiệu quả công tác tái hòa nhập cộng đồng

Với phương châm 'hướng mạnh về cơ sở, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng', thời gian qua, công tác tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đạt được những kết quả tích cực. Người chấp hành xong án phạt tù được quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện để có thu nhập, ổn định cuộc sống. Đây là một trong những biện pháp của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương nhằm kiềm chế vi phạm, phòng ngừa tái phạm, góp phần đảm bảo tình hình an ninh trật tự địa bàn.

Hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù -Ảnh: D.T

Hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù -Ảnh: D.T

Hội nghị tư vấn đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù do Công an tỉnh, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội lần đầu tiên phối hợp tổ chức là một trong những giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả công tác tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Gần 50 người chấp hành xong án phạt tù ở các địa phương: Vĩnh Linh, Gio Linh và TP. Đông Hà đã tham gia hội nghị.

Tại đây, những người vừa chấp hành xong án phạt tù được tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác tái hòa nhập cộng đồng; chính sách tín dụng theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Cũng tại hội nghị, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh giới thiệu các thông tin, chính sách pháp luật về thị trường lao động; tư vấn thông tin thị trường lao động, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề trong và ngoài tỉnh; công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài... để người chấp hành xong án phạt tù có cơ hội tìm hiểu, lựa chọn ngành nghề phù hợp. Đây là một trong những hoạt động mang ý nghĩa thiết thực và có tính nhân văn, tạo điều kiện để người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, tìm kiếm việc làm phù hợp.

Trong năm 2023, ngoài Hội nghị tư vấn đào tạo nghề và giới thiệu việc làm nói trên, Công an tỉnh phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Hội Liên hiệp thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh xây dựng chương trình tư vấn, giới thiệu việc làm cho hơn 600 người; phối hợp với các tổ chức, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tiếp nhận hơn 200 người chấp hành xong án phạt tù; 1 đơn vị sản xuất kinh doanh và gần 20 người được vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội với tổng số tiền 80 triệu đồng...

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương, lãnh đạo Công an tỉnh đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương phối hợp tiến hành khảo sát, đánh giá tình hình, lựa chọn xây dựng, củng cố và nhân rộng 23 mô hình tái hòa nhập cộng đồng đảm bảo hiệu quả, thiết thực.

Phòng Cảnh sát thi hành án và hỗ trợ tư pháp Công an tỉnh đã tích cực giúp lãnh đạo Công an tỉnh tham mưu UBND tỉnh ban hành các chủ trương, biện pháp chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Tiêu biểu là các mô hình “Cựu chiến binh giúp đỡ người mãn hạn tù tái hòa nhập cộng đồng”; “Mặt trận Tổ quốc thị trấn Gio Linh với công tác tái hòa nhập cộng đồng”...

Thông qua hoạt động của các mô hình nhằm tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương và có giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ người mãn hạn tù tái hòa nhập cộng đồng.

Lực lượng công an cũng thường xuyên nắm tình hình, xác minh thông tin, quản lý đối tượng tù tha về, kịp thời phát hiện điểm tiềm ẩn phức tạp về an ninh trật tự trên địa bàn để phòng ngừa, đấu tranh. Đồng thời tiếp xúc, gặp gỡ với người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương để có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ, động viên họ vượt qua mặc cảm, tự ti, hòa nhập với cộng đồng.

Công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các quy định của pháp luật và văn bản chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về triển khai thực hiện biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng được lực lượng công an tập trung đẩy mạnh.

Thông qua công tác này nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, tổ chức, đoàn thể xã hội và Nhân dân trong việc xóa bỏ định kiến, kỳ thị và quan tâm giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng.

Khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tạo điều kiện giúp đỡ, dạy nghề, hỗ trợ vay vốn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, nâng cao khả năng tự giải quyết khó khăn, vướng mắc gặp phải trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng.

Công tác tái hòa nhập cộng đồng thể hiện chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng, Nhà nước, góp phần phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm. Bởi vậy, để nâng cao hiệu quả hoạt động này, bên cạnh vai trò nòng cốt của lực lượng công an rất cần sự tích cực, tham gia của các cấp, ngành và toàn xã hội.

Diệu Thúy

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/nang-cao-hieu-qua-cong-tac-tai-hoa-nhap-cong-dong-186877.htm