Nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Xác định đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) là một trong những nhiệm vụ quan trọng để phát triển KT - XH ở địa phương, những năm qua, huyện Đakrông triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề cho lực lượng lao động này. Nhờ vậy, ngày càng có nhiều lao động trên địa bàn huyện được tạo việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới ở miền núi.

 Nhờ được tham gia các lớp học nghề, người lao động ở huyện Đakrông ứng dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất hiệu quả - Ảnh: N.T

Nhờ được tham gia các lớp học nghề, người lao động ở huyện Đakrông ứng dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất hiệu quả - Ảnh: N.T

Thực hiện Nghị quyết số 47/NQ-HĐND, ngày 14/7/2017 của HĐND huyện về đào tạo nghề cho LĐNT giai đoạn 2017 - 2021, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến đến tận thôn, bản các nội dung liên quan đến văn bản hướng dẫn mới của Chính phủ, của tỉnh về hỗ trợ công tác đào tạo nghề cho LĐNT. Hình thức tuyên truyền chủ yếu như phát bản tin thông qua hệ thống loa phát thanh của huyện, xã; lồng ghép trong các hội thi tìm hiểu về các chương trình mục tiêu quốc gia như: Giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới; cung cấp tờ rơi, tổ chức đối thoại trực tiếp...

Các phòng, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn huyện cùng với các đơn vị làm công tác đào tạo nghề thường xuyên phối hợp với UBND các xã, thị trấn tổ chức các đợt tư vấn, vận động người dân tham gia học nghề, tư vấn miễn phí cho nông dân về học nghề, việc làm, thành lập các doanh nghiệp, trang trại và cơ sở sản xuất kinh doanh. Qua đó, người lao động nâng cao nhận thức và tích cực tham gia các lớp học nghề, nân cao năng lực lao động để có việc làm, giảm thời gian nông nhàn, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần giảm nghèo bền vững.

Hiện nay, trên địa bàn huyện có 1 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thực hiện việc đào tạo nghề cho LĐNT. Cơ sở vật chất của trung tâm được đầu tư với quy mô theo quy chuẩn, có đầy đủ phòng học lý thuyết, phòng học thực hành, thiết bị dạy nghề, phòng làm việc với tổng mức đầu tư trên 13,3 tỉ đồng, góp phần nâng cao chất lượng dạy nghề. Đội ngũ giáo viên của trung tâm tham gia dạy nghề có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ tốt, đúng chuẩn.

Với những nghề không có giáo viên cơ hữu, thì mời cán bộ, giáo viên của Trường Cao đẳng Kỹ thuật tỉnh, cán bộ của Trạm Khuyến nông, Trạm Thú y huyện tham gia dạy nghề cho LĐNT. Công tác chiêu sinh, tổ chức lớp học, bố trí thời gian học được thực hiện linh hoạt, tạo điều kiện cho các lao động tham gia học nghề một cách thuận lợi. Mặt khác, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện phối hợp với các tổ chức hội đoàn thể chính trị - xã hội huyện kêu gọi và liên kết với cơ quan đoàn thể, các cơ sở đào tạo nghề, các doanh nghiệp hỗ trợ dạy nghề cho LĐNT trên địa bàn huyện.

Sau một thời gian triển khai thực hiện Nghị quyết số 47/NQ-HĐND, đến nay công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm ở huyện đạt được kết quả đáng ghi nhận. Số lao động qua đào tạo, tập huấn nghề giai đoạn 2017 - 2021 có 2.920 người. Trong số 1.487 lao động được đào tạo nghề có 1.129 lao động được đào tạo nghề nông nghiệp, nghề phi nông nghiệp có 358 lao động; có 4.633 lao động đã đào tạo nghề được giải quyết việc làm mới, trong đó xuất khẩu lao động 172 người.

Tỉ lệ lao động sau khi học nghề phi nông nghiệp tìm kiếm được việc làm hoặc tự tạo việc làm có thu nhập ổn định đạt từ 75 - 80%. Điển hình như: Nghề kỹ thuật xây dựng 140 người, có việc làm và thu nhập ổn định 90%; nghề mộc 28 người, có việc làm và thu nhập ổn định 100%; nghề may công nghiệp 17 người, tỉ lệ tìm kiếm được việc làm đạt 100%; nghề nấu rượu truyền thống 55 người, hiện đang duy trì tốt và là cơ sở để thành lập hợp tác xã; nghề làm chổi đót 55 người có việc làm trong thời gian nông nhàn.

Các lớp dạy nghề cho LĐNT cơ bản gắn với định hướng, chương trình phát triển KT - XH của địa phương. Hầu hết lao động sau khi được đào tạo các lớp nghề nông nghiệp đã biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất góp phần đáng kể trong việc tăng năng suất, sản lượng các loại cây trồng, con nuôi, góp phần làm gia tăng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện. Một số lao động đã mạnh dạn vay vốn đầu tư tăng quy mô sản xuất để tạo việc làm và cho thu nhập ổn định từng bước thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu.

Để phát huy hơn nữa hiệu quả công tác đào tạo nghề trên địa bàn huyện, thời gian tới, huyện tăng cường tuyên truyền, chỉ đạo thực hiện công tác đào tạo nghề phải phù hợp với nhu cầu của người dân, phù hợp với điều kiện KT - XH của địa phương, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác đào tạo nghề.

Tiếp tục nâng cao chất lượng Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở khu dân cư gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới và công tác dạy nghề cho LĐNT, trong đó lấy tiêu chí về dạy nghề cho LĐNT để đánh giá, xếp loại thôn, bản và gia đình văn hóa hằng năm. Kịp thời biểu dương, khen thưởng và nhân rộng các mô hình hiệu quả về dạy nghề cho LĐNT.

Tập trung dạy nghề cho thanh niên nông thôn đáp ứng yêu cầu lao động của các cơ sở, doanh nghiệp về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, xuất khẩu lao động và chuyển nghề; tổ chức dạy nghề cho bộ phận nông dân trực tiếp sản xuất để có khả năng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Chú trọng dạy nghề cho người nghèo, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, lao động nữ, các đối tượng chính sách và lao động ở vùng khó.

Ngọc Trang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=167464&title=nang-cao-hieu-qua-dao-tao-nghe-cho-lao-dong-nong-thon