Nâng cao hiệu quả mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú

Nghệ An là một trong những địa phương tiên phong trong thực hiện mô hình trường bán trú ở cơ sở. Mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú tác động tích cực đến chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên, sau 14 năm triển khai, mô hình đã bộc lộ những hạn chế, bất cập cần sớm giải quyết để công tác dạy và học đạt hiệu quả cao hơn.

Các em học sinh bán trú của Trường phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An cùng nhau ôn bài sau giờ học trên lớp.

Các em học sinh bán trú của Trường phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An cùng nhau ôn bài sau giờ học trên lớp.

Tỉnh Nghệ An hiện có 8 trường phổ thông dân tộc nội trú; 83 trường phổ thông dân tộc bán trú và 50 trường phổ thông có học sinh bán trú, trong đó có 16 trường phổ thông có học sinh ăn, ở tập trung tại trường.

Phát sinh nhiều vướng mắc

Từ năm 2013, Trường phổ thông cơ sở dân tộc bán trú Hữu Kiệm (huyện Kỳ Sơn) đã thực hiện mô hình bán trú tập trung. Trường hiện có 240 học sinh bán trú, chủ yếu là con em đồng bào dân tộc Thái và Khơ Mú. Mỗi tháng, một em học sinh được hỗ trợ 936.000 đồng và 15 kg gạo theo chế độ quy định tại Nghị định số 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

Em Lương Thị Ngọc Nhi (dân tộc Thái, học sinh lớp 8C) cho biết: “Nhà em ở bản Noọng Ó, xã Hữu Lập, cách trường khá xa cho nên em cùng các bạn trong bản đã đăng ký ở khu nội trú của trường. Ở đây, chúng em chỉ tập trung vào việc học tập, không phải bận tâm đến việc mua sắm, nấu nướng hay chi phí thuê trọ. Khu nội trú hoạt động dưới sự quản lý, hướng dẫn của các thầy cô cho nên bố mẹ chúng em rất yên tâm. Vào cuối tuần, chúng em thường cùng nhau trở về bản thăm gia đình”.

Tại huyện Kỳ Sơn, Trường phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở Mỹ Lý có 393 học sinh, trong đó, có 242 học sinh bán trú. Các học sinh bán trú đều được bố trí ăn, ở tại trường.

Thầy giáo Phạm Hữu Luận, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, thực hiện mô hình bán trú tập trung giúp học sinh có điều kiện sinh hoạt tốt hơn, nhà trường cũng thuận lợi hơn trong quản lý các em. Nhà trường tổ chức dạy học hai buổi/ngày cho các học sinh và phân công giáo viên trực từ 6 giờ hôm trước đến 6 giờ hôm sau để trông coi, nhắc nhở các em học tập, thực hiện công tác vệ sinh phòng ở, khuôn viên nội trú…

Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An, hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú góp phần thay đổi tích cực chất lượng giáo dục ở địa phương miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.

Việc thực hiện mô hình trường bán trú ở cơ sở giúp giảm tỷ lệ học sinh vắng học, bỏ học, giảm bất bình đẳng trong tiếp cận cơ hội giáo dục, tạo điều kiện ăn, ở tốt hơn cho học sinh vùng dân tộc thiểu số và miền núi, thay đổi nếp sống và tăng cường kỹ năng sống cho học sinh.

Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An, hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú góp phần thay đổi tích cực chất lượng giáo dục ở địa phương miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.

Tuy đã đạt nhiều kết quả quan trọng, được ghi nhận và đánh giá cao, nhưng trong 14 năm thực hiện, mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú ở Nghệ An đã bộc lộ những khó khăn, bất cập.

Trước hết là về kết cấu hạ tầng. Những năm qua, dù đã được các cấp quan tâm đầu tư xây dựng, nhưng phần lớn cơ sở vật chất các trường phổ thông dân tộc bán trú chưa đáp ứng đủ nhu cầu ăn ở, sinh hoạt của học sinh.

Hệ thống các phòng học, phòng bộ môn, phòng chức năng còn thiếu nhiều. Số học sinh ăn, ở tập trung tại trường lớn, mỗi tháng mới về nhà một lần, cho nên vấn đề chăm sóc, an toàn sức khỏe cho học sinh rất quan trọng, trong khi hầu hết các trường chưa có nhân viên y tế.

Thầy giáo Phạm Hữu Luận cho biết: Trường có 242 học sinh bán trú, được bố trí tại 10 phòng ở. Mỗi phòng rộng khoảng 15m2, không gian sinh hoạt, học tập của các em học sinh khá chật chội, nhất là trong mùa nắng nóng…

Bên cạnh đó, việc quản lý học sinh bán trú trong các trường phổ thông dân tộc bán trú hiện do giáo viên đảm nhiệm, chưa có nhân viên chuyên trách quản sinh. Tuy vậy, chế độ cho số giáo viên này chỉ được hưởng thêm phụ cấp trách nhiệm bằng 0,3 mức lương cơ bản, chưa tương xứng với công sức và trách nhiệm được giao. Mức khoán cho nhân viên nấu ăn còn thấp, gây khó khăn cho các trường trong việc hợp đồng nhân viên...

Thầy giáo Phạm Hữu Luận, cho hay: Các học sinh bán trú đều ăn, ở tại trường. Nhà trường tổ chức dạy học hai buổi/ngày cho học sinh, tuy nhiên không có tiền cho giáo viên tham gia dạy buổi thứ hai”.

Còn theo Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở Hữu Kiệm Nguyễn Văn Đăng: “Nếu so với trường phổ thông dân tộc nội trú thì cơ sở vật chất, lẫn chế độ cho giáo viên của trường bán trú đều không bằng. Trường nội trú được biên chế đầy đủ, có y tế học đường, quản sinh, cơ sở vật chất được trang bị đầy đủ. Định mức tiết dạy hiện nay đối với giáo viên bậc trung học cơ sở bán trú, nội trú đều là 17 tiết/tuần. Đối với trường nội trú, nếu giáo viên dạy phụ đạo, bồi dưỡng buổi chiều vượt định mức sẽ được hỗ trợ tiền dạy thêm giờ do ngân sách nhà nước cấp. Trong khi đó, giáo viên trường bán trú thì không được hưởng chính sách này”.

Lo lắng khi học sinh phải thuê trọ bên ngoài

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có 25.113 học sinh được hưởng các chế độ theo Nghị định 116/NĐ-CP của Chính phủ. Đáng chú ý, nhiều trường phổ thông có học sinh bán trú, nhưng không có nơi ăn, ở tập trung, hầu hết học sinh nhà ở xa trường phải thuê phòng trọ.

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có 25.113 học sinh được hưởng các chế độ theo Nghị định 116/NĐ-CP của Chính phủ. Đáng chú ý, nhiều trường phổ thông có học sinh bán trú, nhưng không có nơi ăn, ở tập trung, hầu hết học sinh nhà ở xa trường phải thuê phòng trọ.

Trường THPT Tương Dương 2 (huyện Tương Dương) có 588 học sinh/15 lớp, trong đó học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 80%. Nhiều học sinh có nhà cách trường đến hàng chục ki-lô-mét. Nhà xa, trường không có ký túc xá, cho nên khoảng 50% số học sinh của trường phải ở trọ tại nhà dân, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, nhiều phòng ở lụp xụp, nóng bức và không bảo đảm an ninh trật tự…

Vào giờ nghỉ trưa, chúng tôi đến thăm một xóm trọ cách Trường THPT Tương Dương 2 khoảng 500m. Tại đây, em Lô Kiều Khanh (lớp 12A3) cho biết: Nhà em ở bản Tạt, xã Yên Thắng, cách trường khoảng 45 km. Mỗi tháng em được hỗ trợ 1.170.000 đồng tiền ăn, ở, nhưng tiền thuê phòng trọ hết 800.000 đồng, thêm tiền điện, nước, mỗi tháng phải tốn cả triệu đồng. Chung dãy trọ với Khanh, em Lương Mạnh Cẩm (lớp 12A5) cùng ba bạn học ở bản Yên Hợp, xã Yên Hòa thuê chung một phòng. Bốn người ở một phòng, chỉ có một chiếc giường ngủ, vì các em còn phải để dành tiền để mua thực phẩm hằng ngày…

Thầy giáo Trần Đình Mạnh, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Dù nhà trường đã rất cố gắng, nhưng việc học sinh phải thuê trọ phát sinh nhiều vấn đề, từ việc tự giác học hành, sức khỏe, đến bảo đảm an ninh trật tự. Các em đang ở độ tuổi dậy thì, suy nghĩ còn non nớt, chưa tự giác, thậm chí, từng xảy ra trường hợp học sinh mang thai ngoài ý muốn... Việc học sinh phải thuê phòng trọ ở ngoài khiến nhà trường rất lo lắng”.

Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An Nguyễn Trọng Hoàn cho biết: Thông tư số 03/2023/TT-BGDĐT quy định, đối với trường phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở có ít nhất 45% số học sinh bán trú. Trên thực tế, nhiều trường có tỷ lệ học sinh bán trú dưới 45% vẫn phải tổ chức quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng học sinh như các trường phổ thông dân tộc bán trú, nhưng cán bộ, giáo viên, nhân viên không được hưởng các chính sách đãi ngộ.

Mặt khác, tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển nâng lên, số xã, thôn đặc biệt khó khăn giảm nhiều, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn thay đổi theo từng giai đoạn, cho nên các trường phổ thông dân tộc bán trú cũng thay đổi theo, thiếu tính ổn định, khó khăn trong công tác tổ chức và quản lý. Đáng nói, một số xã được công nhận nông thôn mới, nhưng còn thiếu sinh kế bền vững cho người dân, ảnh hưởng đến các chính sách đối với học sinh.

Ngoài những hạn chế nêu trên, việc thực hiện Nghị quyết số 17/2024/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An về Quy định chính sách hỗ trợ các trường phổ thông dân tộc bán trú, trường THPT thực hiện thí điểm mô hình phổ thông dân tộc bán trú vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở Nghệ An cũng đang gặp không ít khó khăn.

Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Mỹ Lý, xã Mỹ Lý, Huyện Kỳ Sơn, Nghệ An.

Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Mỹ Lý, xã Mỹ Lý, Huyện Kỳ Sơn, Nghệ An.

Tại hội thảo nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện nghị quyết này diễn ra vào tháng 2 vừa qua, đại diện các nhà trường, các phòng giáo dục và đào tạo đánh giá, đây là chính sách quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tuy vậy, các đại biểu cũng chỉ ra những bất cập trong quá trình thực hiện và đề xuất cần có những giải pháp để giúp các nhà trường sớm triển khai hiệu quả, như: Trang thiết bị phục vụ dạy học thiếu hoặc đã xuống cấp không đáp ứng yêu cầu dạy học STEM, Ngoại ngữ, Tin học, nhất là ở các điểm trường lẻ. Thiếu trầm trọng giáo viên, nhất là giáo viên các môn Tiếng Anh, Tin học.

Tại huyện Kỳ Sơn, hiện chỉ có 20 giáo viên Tiếng Anh/33 trường tiểu học, một số trường không có giáo viên Tiếng Anh, phải bố trí giáo viên cấp II dạy cả tiểu học. Có trường bố trí giáo viên văn hóa dạy kiêm môn Tin học. Các giáo viên dạy STEM, giáo viên dạy kỹ năng sống chủ yếu là giáo viên được đào tạo đơn môn… Còn tại huyện Quỳ Châu, tuy mới được bổ sung giáo viên môn Tiếng Anh, nhưng giáo viên môn này tại một số trường tiểu học đang phải dạy 26-27 tiết/tuần (vượt 3-4 tiết/tuần).

Bàn về giải pháp, ở góc độ cơ sở, ông Phạm Viết Phúc, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn cùng nhiều ý kiến từ các huyện miền núi kiến nghị: Cần sớm có quyết định công nhận các trường phổ thông dân tộc bán trú khi đã đủ các điều kiện. Đây là cơ sở để bảo đảm quyền lợi, chính sách cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và bố trí định biên để các trường hoạt động hiệu quả.

Bên cạnh đó, các cấp, ngành liên quan cũng xem xét có các chính sách bảo đảm quyền lợi cho giáo viên trường bán trú phù hợp với khối lượng công việc, trách nhiệm của họ. Ngoài ra, cần bố trí thêm định biên nhân viên y tế học đường, quản sinh.

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An cho rằng: Cần có chế độ đặc thù để thu hút giáo viên giỏi, khuyến khích giáo viên giỏi yên tâm công tác tại các trường phổ thông dân tộc bán trú nói riêng, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói chung. Đặc biệt, việc xây dựng chính sách hỗ trợ học sinh, các trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú cần mang tính bền vững, không phụ thuộc vào việc phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo từng giai đoạn.

TRẦN TRUNG HIẾU

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nang-cao-hieu-qua-mo-hinh-truong-pho-thong-dan-toc-ban-tru-post873015.html