Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ
Ðến nay, 2 đơn vị HTX xoài tứ quý Thạnh Bắc, Hội Nông dân thị xã Hòa Thành đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể; tổ hợp tác rau rừng Lộc Trát đã nộp hồ sơ và đang chờ Cục Sở hữu trí tuệ xem xét.
Thời gian qua, công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ (SHTT) đã nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp (nhất là các hộ kinh doanh, hợp tác xã, tổ hợp tác) về vai trò và quyền lợi của doanh nghiệp trong đăng ký bảo hộ quyền SHTT cho sản phẩm. Số lượng đơn đăng ký quyền sở hữu công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng đáng kể so với giai đoạn trước. Sản phẩm đặc thù mang địa danh của địa phương từng bước được mở rộng thị trường tiêu thụ.
Ngày 21.12.2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 53/2017/QÐ-UBND quy định hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ; phát triển thị trường công nghệ, tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020. Theo Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN), giai đoạn 2016-2020, đơn vị hướng dẫn 137 cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp. Trong đó, hướng dẫn 3 đơn vị đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể, gồm: HTX xoài tứ quý Thạnh Bắc (huyện Tân Biên) đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Hợp tác xã xoài tứ quý Thạnh Bắc” cho sản phẩm xoài tứ quý; Tổ hợp tác rau rừng Lộc Trát (thị xã Trảng Bàng) đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Tổ hợp tác rau rừng Lộc Trát” cho sản phẩm rau rừng; Hội Nông dân huyện Hòa Thành (nay là thị xã Hòa thành) đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Hòa Thành” cho sản phẩm trái nhãn.
Ðến nay, 2 đơn vị HTX xoài tứ quý Thạnh Bắc, Hội Nông dân thị xã Hòa Thành đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể; tổ hợp tác rau rừng Lộc Trát đã nộp hồ sơ và đang chờ Cục Sở hữu trí tuệ xem xét.
Sở KH&CN đã tiếp nhận và cấp 39 giấy xác nhận tham gia hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ cho 39 tổ chức, doanh nghiệp. Ngoài ra, đơn vị còn phối hợp với các Phòng Kinh tế thành phố, thị xã, Phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện tổ chức 17 lớp tập huấn về nghiệp vụ quản lý SHTT, nhãn hiệu hàng hóa; biên tập, phát hành tài liệu “Ðăng bạ quyền sở hữu công nghiệp về nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế/giải pháp hữu ích và chỉ dẫn địa lý tỉnh Tây Ninh giai đoạn 1994-2019” giúp các cơ quan quản lý có được số liệu các thông tin về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp trên địa bàn tỉnh; giúp các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp tham khảo thông tin ban đầu để thiết kế xây dựng nhãn hiệu, kiểu dáng sản phẩm, cũng như tránh các vi phạm về quyền sở hữu công nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh và lưu thông hàng hóa trên thị trường.
Ðối với 3 sản phẩm đặc thù mang địa danh của tỉnh (mãng cầu Bà Ðen, bánh tráng phơi sương Trảng Bàng và muối ớt Tây Ninh), Sở KH&CN xây dựng các phim tư liệu, in ấn tờ rơi; giới thiệu, trưng bày, quảng bá các sản phẩm đặc sản của tỉnh tại nhiều sự kiện nhằm phát huy, quảng bá sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, địa danh của tỉnh.
Ðến nay, Sở KH&CN đã cấp 3 giấy chứng nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Bà Ðen” dùng cho sản phẩm quả mãng cầu cho 1 cá nhân (hộ trồng mãng cầu Huỳnh Biển Chiêu - xã Thạnh Tân, TP. Tây Ninh) và 2 doanh nghiệp (Công ty TNHH Nam Trạng, Công ty cổ phần NATANI - TP. Tây Ninh) để phát huy giá trị tài sản trí tuệ.
Ngoài ra, với chức năng, nhiệm vụ của ngành khoa học và công nghệ trong công tác hỗ trợ các sản phẩm và chủ thể tham gia chương trình OCOP, Sở KH&CN (thành viên Hội đồng đánh giá và sếp hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh) hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp đạt OCOP đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ, xây dựng thương hiệu sản phẩm, tư vấn, định hướng phát triển thương hiệu sản phẩm; hướng dẫn ghi nhãn hàng hóa, đăng ký mã số, mã vạch, công bố chất lượng sản phẩm OCOP; hỗ trợ các tổ chức kinh tế cộng đồng đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển sản xuất các sản phẩm tham gia Ðề án OCOP.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong phát triển tài sản trí tuệ gắn với sản phẩm mang địa danh của địa phương còn gặp một số khó khăn. Phần lớn cơ sở, doanh nghiệp hoạt động sản xuất nhỏ lẻ, cơ sở vật chất còn hạn chế, sản phẩm tạo ra chủ yếu tiêu thụ tại địa phương, chưa quan tâm đến vấn đề bảo hộ SHTT cho sản phẩm.
Giai đoạn 2018-2020, Sở KH&CN tiếp nhận và cấp 39 giấy xác nhận tham gia hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ cho 39 tổ chức, doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến nay chưa thực hiện cấp kinh phí hỗ trợ theo quy định, do các tổ chức, doanh nghiệp vẫn chưa được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa (thời gian Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ thường kéo dài hơn so với quy định (theo quy định là 12 tháng; thực tế từ 1,5 đến 2,5 năm).
Chính sách hỗ trợ tài sản trí tuệ của chương trình chủ yếu là hỗ trợ đăng ký bảo hộ thương hiệu, chưa có cơ chế hỗ trợ việc xây dựng, quản lý, phát triển chỉ dẫn địa lý cho các đặc sản, sản phẩm làng nghề; quản lý và phát triển nhãn hiệu cho các đặc sản địa phương, sản phẩm làng nghề, sản phẩm đặc thù của địa phương đã được bảo hộ.
Bên cạnh đó, việc chuyển giao đến các HTX, tổ hợp tác để sử dụng và phát triển thương hiệu sản phẩm đặc thù mang địa danh của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, do mô hình HTX của địa phương hoạt động chưa hiệu quả nên rất cần sự phối hợp từ các sở, ngành và hỗ trợ của Cục SHTT.
Thời gian qua, tuy có nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá sản phẩm đặc thù mang địa danh của tỉnh, nhưng đến thời điểm hiện nay, việc sử dụng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm còn nhiều hạn chế do thị trường không ổn định, mô hình HTX hoạt động chưa hiệu quả, chưa thu hút được người dân tự nguyện tham gia, chưa có HTX, hiệp hội đứng ra tiếp nhận sử dụng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm.
Sở KH&CN nhận định, thời gian qua, việc xây dựng và phát triển thương hiệu chủ yếu dựa trên sự hỗ trợ từ các cơ quan Nhà nước và thường dừng lại ở công việc đăng ký xác lập quyền đối với nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý.
Ðây mới chỉ là công cụ pháp lý làm tiền đề cho xây dựng thương hiệu. Sự quan tâm, nhận thức của cộng đồng, doanh nghiệp trên địa bàn về vai trò của việc quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ sản phẩm còn rất hạn chế.
Ðặc biệt là các chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận sử dụng cho các sản phẩm đặc sản địa phương là các tài sản trí tuệ quan trọng, được coi là các tài sản mang tính tập thể, tài sản chung của cộng đồng cần được phát huy.
Ðể nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ, thời gian tới, Sở KH&CN sẽ tham mưu xây dựng, ban hành chính sách hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ theo hướng: hỗ trợ kinh phí cho tổ chức, cá nhân trong đăng ký quyền sở hữu công nghiệp (nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, giải pháp hữu ích); hỗ trợ tạo lập, đăng ký bảo hộ và quảng bá nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho các đặc sản, sản phẩm chủ lực, sản phẩm làng nghề trên địa bàn.
Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về SHTT, cụ thể: biên tập, phát hành tài liệu về đăng ký, bảo vệ, khai thác các đối tượng sở hữu trí tuệ trên các trang thông tin điện tử của tỉnh, Sở KH&CN và các trang thương mại điện tử; tổ chức các lớp tập huấn về sở hữu trí tuệ.
Tăng cường sự phối hợp của các sở, ngành liên quan trong thực hiện nhiệm vụ, thúc đẩy, phát triển các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ; khai thác tài sản trí tuệ như tư vấn, hướng dẫn, tổ chức, cá nhân về sở hữu trí tuệ; hỗ trợ khai thác tài sản trí tuệ; đẩy mạnh cung cấp các công cụ và dịch vụ thông tin do Cục SHTT triển khai.
Mặt khác, phát triển các hoạt động hỗ trợ về SHTT, trong đó, thúc đẩy hình thành dịch vụ hỗ trợ về SHTT; nâng cao hiệu quả hoạt động của các hiệp hội trong hỗ trợ và triển khai hoạt động sáng tạo, xác lập, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.