Nâng cao hiệu quả quản lý lao động trong các khu công nghiệp
Với hàng loạt các dự án mới hoàn thành, các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh đã và đang thu hút một lực lượng lớn lao động vào làm việc. Điều này đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi các ngành chức năng cần nâng cao hơn nữa công tác quản lý nhà nước về lao động tại các KCN, nhằm đảm bảo mối quan hệ hài hòa, ổn định và phát triển giữa các doanh nghiệp (DN) và người lao động (NLĐ).
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 16 KCN được chấp thuận chủ trương đầu tư/cấp GCNĐT/GCNĐKĐT; trong đó, đã có 8 KCN đã đầu tư xây dựng và kinh doanh đi vào hoạt động với 399 dự án, bao gồm 329 dự án FDI và 70 dự án DDI.
Năm 2022, khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, nhiều DN đã quan tâm hơn, thực hiện tốt các chính sách lao động với những thỏa thuận có lợi hơn cho NLĐ; thậm chí có nhiều DN đã tăng lương tối thiểu vùng trước khi Nghị định số 38 ngày 12/6/2022 của Chính phủ có hiệu lực.
Bước sang 6 tháng đầu năm 2023, do ảnh hưởng suy thoái kinh tế thế giới, hoạt động SXKD của nhiều DN trong các KCN trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, nhất là các DN sản xuất linh kiện điện tử là vệ tinh của Tập đoàn Sam Sung tiếp tục sụt giảm đơn hàng, cắt giảm lao động thời vụ; doanh thu xuất khẩu và nộp ngân sách sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Cùng với đó, trong tháng 5 và tháng 6/2023, nhiều DN bị ảnh hưởng tiến độ sản xuất, doanh thu do thực hiện việc cắt điện luân phiên...
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các DN, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã kịp thời ban hành văn bản yêu cầu DN quan tâm, chăm lo đời sống, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ; hướng dẫn các DN triển khai thực hiện các chính sách mới về pháp luật lao động tập trung vào các chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, thời gian làm việc, công tác an toàn vệ sinh lao động…
6 tháng đầu năm 2023, Ban thực hiện cấp/cấp lại 704 giấy phép lao động (GPLĐ); chấp thuận vị trí việc làm sử dụng lao động người nước ngoài cho 150 lượt DN; tiếp nhận 21 nội quy lao động, 18 thỏa ước lao động tập thể; xác nhận không thuộc diện cấp GPLĐ cho 151 trường hợp và đăng ký làm thêm 300 giờ cho 51 DN.
Xây dựng kế hoạch thực hiện đề án “Phát triển quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong các DN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025” và đề án “Nâng cao đời sống công nhân, người lao động trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2026”; tuyên truyền thực hiện “Tháng vệ sinh an toàn lao động”; triển khai kế hoạch điều tra, khảo sát nhu cầu lao động của các DN trong KCN.
Tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh một số cơ chế, chính sách thu hút, giữ chân người lao động làm việc trong các DN trên địa bàn.
Đặc biệt, giải quyết 1 vụ ngừng việc tập thể và yêu cầu tăng lương tại Công ty TNHH EO Vina (KCN Khai Quang, Vĩnh Yên), Ban Quản lý các KCN tỉnh đã phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Công đoàn các KCN đến DN để nắm bắt tình hình, nguyên nhân; hướng dẫn phương án giải quyết, tránh phát sinh thêm các vấn đề phức tạp trong quan hệ lao động, hỗ trợ NLĐ, sau đó DN đã trở lại hoạt động bình thường.
Thông qua đó, nhiều DN xây dựng được mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong đơn vị, đảm bảo việc làm cho NLĐ; trong đó, có nhiều DN bố trí cho NLĐ làm việc luân phiên, cắt giảm công suất hoạt động, một số DN vẫn có đơn hàng tăng trở lại, có nhu cầu tuyển dụng lao động mới như công ty TNHH Young Poong Electronics Vina tăng 35% lao động mới; công ty TNHH Haesung Vina tăng 20% lao động mới…
Các DN đã nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, thực hiện nghiêm các quy định về quản lý sử dụng lao động nước ngoài. 6 tháng đầu năm 2023, các DN trong KCN thu hút và tạo việc làm mới gần 4.500 lao động. Lũy kế đến nay, các DN trong các KCN trên địa bàn tỉnh đang sử dụng hơn 132.500 lao động trong nước và hơn 2.000 lao động nước ngoài.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện pháp luật lao động của các DN trong các KCN trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Đời sống của công nhân và NLĐ còn nhiều khó khăn; mức lương tối thiểu chưa đáp ứng được nhu cầu cuộc sống của NLĐ trong bối cảnh giá cả sinh hoạt tăng. NLĐ đa số xuất thân từ nông thôn chưa qua đào tạo, ít hiểu biết nên không tự bảo vệ được mình. Nhiều DN chưa thành lập tổ chức Công đoàn cũng là một thiệt thòi cho NLĐ...
Cùng với đó, với số lượng lao động ngoại tỉnh hiện đang làm việc trong các KCN trên địa bàn tỉnh tương đối lớn (chiếm khoảng trên 40% tổng số lao động), trong khi đó, việc xây dựng các khu nhà ở và các thiết chế phục vụ công nhân trên địa bàn chưa đáp ứng được thực tế... đã và đang gây khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước về lao động...
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý lao động trong các KCN, đáp ứng nhu cầu nguồn lao động của các DN và thực hiện thành công mục tiêu giai đoạn 2021 - 2030 phát triển từ 23 - 25 KCN, Ban Quản lý các KCN tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng quản lý Nhà nước về lao động.
Triển khai các chủ trương, chính sách về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; khảo sát nhu cầu tuyển dụng lao động của các DN trong KCN làm cơ sở tham mưu, đề xuất với tỉnh xây dựng cơ chế chính sách đào tạo theo nhu cầu của DN.
Hoàn thành việc số hóa cơ sở dữ liệu trong lĩnh vực lao động trong KCN; tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn để DN nắm rõ và thực hiện đúng quy định của pháp luật về lao động, xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa người sử dụng lao động với NLĐ, ổn định nguồn cung lao động, đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư mới vào địa bàn...