Nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất tại các khu công nghiệp
Trong những năm qua, công tác quản lý đất đai có những tiến bộ đáng kể, trong đó việc quy hoạch, quản lý sử dụng đất khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) trên địa bàn tỉnh là một nhiệm vụ quan trọng, góp phần sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả và đảm bảo phát triển bền vững.
Tại Quảng Trị hiện có 6 KCN đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư gồm KCN Nam Đông Hà, KCN Quán Ngang, KCN Tây Bắc Hồ Xá, KCN Quảng Trị (VSIP), KCN đa ngành Triệu Phú (thuộc KKT Đông Nam Quảng Trị), KCN Tân Thành (thuộc KKT Thương mại đặc biệt Lao Bảo). Đến nay, đã có 221 dự án đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 72.238 tỉ đồng, diện tích đất dự kiến sử dụng là 7.722,17 ha.
Trong đó, có 116 dự án đã đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư đăng ký là hơn 10.325 tỉ đồng, sử dụng 2.171,53 ha đất. Ngoài ra có 69 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đang triển khai xây dựng với tổng vốn đăng ký là 156.898,92 tỉ đồng, diện tích đất dự kiến sử dụng là hơn 2.962 ha, có 36 dự án đang khảo sát, nghiên cứu đầu tư với nhu cầu diện tích đất là hơn 2.587 ha.
Việc thành lập và phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã khẳng định vai trò rất quan trọng đối với phát triển KT - XH của tỉnh. Riêng tại KCN Nam Đông Hà, tính đến tháng 6/2022 đã có 37 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký là 2.248,5 tỉ đồng, tỉ lệ lấp đầy là 90,64%.
Trong đó có 25 dự án đã đi vào hoạt động và 12 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đang triển khai xây dựng. Với nguồn vốn được bố trí hơn 79 tỉ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng từ năm 2003 đến nay, cơ bản hạ tầng KCN đã được hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư và hoạt động của doanh nghiệp. Các KCN trên địa bàn tỉnh được xây dựng và phát triển đã đóng góp quan trọng vào nguồn ngân sách của tỉnh, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương.
Năm 2021, dù gặp nhiều ảnh hưởng do COVID -19, số tiền nộp ngân sách của các doanh nghiệp trong KCN đạt khoảng 280 tỉ đồng, tạo việc làm cho khoảng 5.600 lao động, chủ yếu tập trung vào các ngành nghề may mặc, sản xuất các sản phẩm từ gỗ, vật liệu xây dựng, chế biến khoáng sản… Ngoài ra, các KCN còn gián tiếp tạo việc làm cho hàng ngàn lao động trong các ngành dịch vụ như công nhân xây dựng, vận tải và dịch vụ công cộng.
Bên cạnh những mặt tích cực khi xây dựng và phát triển hệ thống các KCN của tỉnh, vẫn còn có nhiều khó khăn và vướng mắc như hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN Nam Đông Hà chưa xây dựng, hay tại KCN Quán Ngang thì xây dựng chưa hoàn thành để đi vào hoạt động, gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Luật Đất đai năm 2013 áp dụng gần 10 năm đã bộc lộ những vấn đề hạn chế, nhiều nghị định, thông tư hướng dẫn luật cũng gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước cũng như các doanh nghiệp.
Việc lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chưa được các cấp chính quyền quan tâm đúng mức, nhất là phương án giải quyết tạo việc làm mới, chuyển đổi nghề cho người có đất nông nghiệp bị thu hồi. Một số địa phương chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, chưa thực sự làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giải thích cho người dân hiểu rõ quy định của pháp luật hoặc né tránh, thiếu cương quyết, không giải quyết dứt điểm, làm cho việc giải phóng mặt bằng (GPMB) kéo dài nhiều năm...
Một số nhà đầu tư chậm phối hợp để tiến hành hợp đồng thực hiện công tác GPMB hoặc gia hạn hợp đồng, bố trí vốn thực hiện GPMB. Không tiến hành thi công ngay sau khi hoàn thành GPMB và đã được giao đất gây dư luận không tốt trong Nhân dân. Hoặc có trường hợp người dân tiếp tục tái sản xuất trên đất nhà nước đã thu hồi gây khó khăn trong việc quản lý đất đai. Ở một số địa phương, việc quản lý đất đai của chính quyền còn chưa chặt chẽ, việc quy chủ, xác định người sử dụng đất chưa chính xác gây ra sự khiếu kiện, không đồng thuận của người dân...
Để việc quản lý, sử dụng đất KCN phát huy hiệu quả hơn nữa, các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan cần thực hiện tốt công tác lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thực hiện công tác cho thuê đất đúng đối tượng, đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng đất của nhà đầu tư. Đơn giản hóa các thủ tục hành chính về đất đai nhằm thu hút, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào địa bàn.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình sử dụng đất theo mục đích được giao, cho thuê tránh tình trạng các doanh nghiệp chậm đưa đất vào sử dụng gây lãng phí quỹ đất, sử dụng đất không đúng mục đích được giao, cho thuê. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về quản lý và sử dụng đất trong cụm công nghiệp (CCN) theo thẩm quyền quy định.
Theo Phó Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Trần Quang Trung, liên quan đến giải pháp về cơ chế, chính sách, cần ưu tiên lựa chọn những nhà đầu tư có năng lực đảm bảo đưa dự án đi vào hoạt động nhanh, có hiệu quả, các doanh nghiệp có xu hướng sản xuất công nghệ cao, chế biến sâu, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, chú trọng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm, chất lượng trong việc tư vấn, hướng dẫn, tạo điều kiện để nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận các chính sách ưu đãi như nguồn lực lao động, vốn vay ưu đãi, tìm kiếm thị trường… Ưu tiên cho các nhà đầu tư được thuê đất ngoài các KCN, CCN để đầu tư phát triển dịch vụ nhà ở cho công nhân lao động tại các khu, CCN.
Về lâu dài, cần quan tâm xây dựng đồng bộ các biện pháp bảo vệ môi trường, tăng tỉ lệ diện tích cây xanh và hạ tầng bảo vệ môi trường bao gồm hệ thống thu gom, thoát nước mưa, hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung đảm bảo nước thải sau xử lý, đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường, công trình, thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường đối với nước thải, hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục đối với hệ thống xử lý nước thải tập trung theo quy định.