Nâng cao hiệu quả sản xuất chè vụ đông

Những ngày cuối năm này, mặc dù thời tiết khá lạnh nhưng đi tìm hiểu thực tế tại một số xã, phường trên địa bàn TP. Sông Công, chúng tôi vẫn thấy nhiều nương chè búp mọc tua tủa. Bà con ruộng dưới, nương trên tập trung chăm sóc, thu hái chè vụ đông rất nhộn nhịp.

Hiện nay, 100% diện tích chè ở xóm Khe Lim, xã Bình Sơn (TP. Sông Công) được đầu tư giàn phun mưa tự động. Trong ảnh: Người dân xóm Khe Lim tưới nước cho chè vụ đông.

Hiện nay, 100% diện tích chè ở xóm Khe Lim, xã Bình Sơn (TP. Sông Công) được đầu tư giàn phun mưa tự động. Trong ảnh: Người dân xóm Khe Lim tưới nước cho chè vụ đông.

Tại vùng chè xóm Khe Lim, xã Bình Sơn, chúng tôi gặp nhiều người dân đang tất bật thu hái, chăm sóc chè vụ đông. Chị Phạm Thị Hồng Lê, một người dân trong xóm, chia sẻ: Gia đình tôi có 2ha chè. Nếu như trước đây, sau khi thu hái xong lứa chè chính vụ cuối cùng (vào khoảng cuối tháng 9), tôi thường để một thời gian rồi đốn đau, sau Tết Nguyên đán mới thu hái lứa chè xuân đầu tiên. Nhưng mấy năm gần đây, nhờ đầu tư hệ thống tưới nước tự động, gia đình tôi đã mạnh dạn làm thêm vụ chè đông, từ đó có thêm nguồn thu nhập đáng kể...

Ở nương chè kế bên, bà Lê Hồng Quang đang điều chỉnh giàn tưới để phun nước cho chè cũng tham gia câu chuyện: Gia đình tôi cũng trồng hơn 2ha chè. Nhận thấy sản xuất chè đông mang lại lợi nhuận cao nên tôi đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để khoan giếng, lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm tự động.

So với chè chính vụ thì chè đông thời gian để được thu hái lâu và năng suất thấp hơn nhưng bù lại giá bán gấp 2-3 lần, lại đắt hàng nên chúng tôi rất hào hứng. - bà Lê Hồng Quang

Nằm giữa những nương chè xanh non, trải dài tít tắp là khu sản xuất chè của Hợp tác xã (HTX) trà Cao Sơn. Tại đây, các thành viên HTX đang khẩn trương chế biến chè phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Anh Phạm Văn Tiến, Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX trà Cao Sơn, cho biết: HTX có 12 thành viên. Trên vùng chè rộng 50ha ở xóm Khe Lim đều có giếng khoan công nghiệp và lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm tự động, cây chè thường xuyên được tưới nước nên dù thời tiết rét đậm, rét hại thì chè vẫn xanh non mơn mởn.

Đặc biệt, sản phẩm chè đông có giá trị kinh tế cao. Nếu như ở vụ chè chính vụ, trung bình 1kg chè bán ra chỉ từ 250-300 nghìn đồng, thì sản phẩm chè đông đạt 500-600 đồng/kg. Trà vụ đông thơm, vị ngọt đậm hơn so với chính vụ nên rất được khách hàng ưa chuộng. Vào dịp này hằng năm, HTX chủ yếu sản xuất chè đông phục vụ Tết Nguyên đán, có những sản phẩm Trà tôm nõn có giá lên đến cả triệu đồng/kg.

Thành viên Hợp tác xã trà Cao Sơn thu hái chè vụ đông.

Thành viên Hợp tác xã trà Cao Sơn thu hái chè vụ đông.

Xuôi về xã Bá Xuyên, vùng đất khá bằng phẳng và được người dân ưu tiên trồng chè với diện tích lớn. Thay vì cho chè “ngủ đông” năm trước, hầu hết cây chè đều được “đánh thức”. Bà Trần Thị Hồng, có gần 1.000m2 chè tại cánh đồng xóm Chũng Na, tâm sự: Thường chè chính vụ chỉ khoảng 35-40 ngày đã được thu hái, thì ở vụ đông một lứa chè kéo dài từ 70-75 ngày và sản lượng chỉ đạt 50% so với chè chính vụ, bù lại giá bán cao gấp 2-3 lần. Về quy trình sản xuất, sau khi thu hái khoảng 5 ngày thì tôi bắt đầu bón phân ngâm ủ cùng đỗ tương và phân lân đầu trâu cho cây chè.

Trên địa bàn TP. Sông Công hiện có khoảng 420ha chè, tập trung chủ yếu ở các xã Bình Sơn, Bá Xuyên, Châu Sơn…, trong đó có trên 100ha đạt chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP.

Những năm gần đây, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, bà con trồng chè của thành phố đã chú trọng đầu tư giếng khoan, giàn tưới tự động (hiện nay có trên 80% diện tích chè đảm bảo nước tưới), đây là điều kiện thuận lợi để người dân làm chè đông. Cùng với đó, phòng chuyên môn TP. Sông Công cũng thường xuyên hướng dẫn bà con trồng, thay thế diện tích già cỗi bằng chè giống mới, như: TRI 777, Phúc Vân Tiên, LDP1… Qua khảo sát, hiện nay chè giống mới chiếm 70%; chè vụ đông đạt 50% tổng diện tích chè của địa phương này.

Ông Ngô Quảng Bá, Trưởng phòng Kinh tế TP. Sông Công, cho biết: Làm chè đông quan trọng nhất là phải chủ động tưới đủ nước. Thứ nữa, quy trình chăm sóc tỷ mỉ hơn so với chè chính vụ. Ngoài lượng phân phải bón đủ, những ngày trời rét đậm, rét hại, có sương muối, bà con cần chú trọng tưới nước cho chè vào buổi sáng để rửa trôi sương muối, hạn chế cây bị táp lá. Cùng với đó, kết hợp làm sạch cỏ trong gốc chè, cuốc lật lớp đất giữa hai hàng chè để đất tơi xốp và rửa cây, cỏ khô để giữ ẩm hạn chế việc bốc hơi nước…

Ông Ngô Quảng Bá: Việc người dân tận dụng các điều kiện để sản xuất chè đông đang góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và nâng cao giá trị sản phẩm trên một diện tích đất canh tác. Đồng thời, sản xuất chè đông tại địa phương cũng cung cấp đáng kể sản phẩm Trà ra thị trường trong dịp Tết Nguyên đán, mang lại cái Tết sung túc cho bà con trồng chè.

Thời gian tới, Phòng Kinh tế TP. Sông Công tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp và tham mưu với lãnh đạo thành phố lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn phát triển nông nghiệp bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới của địa phương để hỗ trợ bà con thúc đẩy sản xuất, nâng cao giá trị, chất lượng của sản phẩm nông nghiệp nói chung, cây chè nói riêng.

Sông Hương

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202412/nang-cao-hieu-qua-san-xuat-che-vu-dong-21021fc/