Nâng cao hiệu quả tập huấn, tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy: Đáp ứng đòi hỏi thực tế
Trong thời gian qua, hiệu quả của công tác tập huấn, tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã đóng góp quan trọng vào việc giảm thiểu số vụ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra trên địa bàn Thủ đô. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một số hạn chế, bất cập, đòi hỏi công tác này cần phải được nâng cao hơn nữa để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Vừa ít tập huấn, vừa ít thực hành
Theo thống kê của Công an thành phố Hà Nội, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Thủ đô đã giảm 234 vụ, giảm gần 150 tỷ đồng thiệt hại do cháy, nổ gây ra so với cùng kỳ năm 2018.
Để có được kết quả này, không thể không kể đến hiệu quả của công tác tập huấn, tuyên truyền phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, đã tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật của cộng đồng, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, cơ sở trên địa bàn thành phố.
Công an phường Tràng Tiền (quận Hoàn Kiếm) hướng dẫn người dân kiểm tra bình chữa cháy.
Chăm chú lắng nghe một buổi tuyên truyền, tập huấn về phòng cháy, chữa cháy, bà Nguyễn Thị Xuyên (62 tuổi, trú ở thôn Đồng Trì, xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì) mới hiểu, việc sử dụng điện, gas… trong sinh hoạt của gia đình bà lâu nay chưa bảo đảm an toàn.
“Nhờ tham gia những buổi tập huấn của Công an huyện Thanh Trì, chúng tôi đã nắm bắt được nhiều kiến thức về bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy để áp dụng trong đời sống”, bà Xuyên nói.
Theo Trưởng thôn Đồng Trì Nguyễn Đức Huân, người dân trong thôn rất hào hứng tham gia các buổi tuyên truyền, tập huấn về phòng cháy, chữa cháy; nhờ vậy, trong năm qua trên địa bàn thôn không xảy ra sự cố cháy nổ.
Song, dù đạt được nhiều kết quả tích cực, công tác tập huấn, tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy vẫn còn một số tồn tại, bất cập nhất định. Trung tá Hoàng Vũ Nam, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an quận Hai Bà Trưng) nêu thực trạng, khi tổ chức các buổi tuyên truyền, tập huấn tại cơ sở, không ít hộ gia đình cử người lớn tuổi, thậm chí người giúp việc tham gia hoặc có mặt “chiếu lệ”. Bên cạnh đó, tại nhiều khu chung cư, ban quản lý chưa quan tâm việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức phòng cháy, chữa cháy, thoát nạn cho cư dân.
Là người tham gia tập huấn về phòng cháy, chữa cháy, anh Nguyễn Văn Hoàng (36 tuổi, trú ở phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng) cho rằng, dù nắm vững lý thuyết nhưng người dân ít được thực hành cũng dẫn đến hiệu quả khi áp dụng vào thực tế chưa cao.
“Chỉ được thực hành về sử dụng bình chữa cháy là chưa đủ, chúng tôi cần phải thực hành nội dung thoát hiểm để tự cứu mình khi sự cố cháy nổ xảy ra”, anh Hoàng chia sẻ.
Thiếu tá Vũ Hoài Nam, Đội trưởng Đội Tuyên truyền xây dựng phong trào toàn dân phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ - Công an thành phố Hà Nội) nhận định, số lượng các lớp tập huấn nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được tổ chức cho cộng đồng còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Kết thúc các lớp tập huấn, tỷ lệ chủ các cơ sở, người dân nắm vững kiến thức chưa cao nên vẫn còn những hành vi vi phạm quy định.
Nâng cao chất lượng tuyên truyền, tập huấn
Thực tế cho thấy, để nâng cao hiệu quả, công tác tập huấn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ không nên chỉ giới hạn trong một vài buổi, mà cần được tổ chức thường xuyên, với nhiều hình thức.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì) Trương Đức Long, công tác tuyên truyền phòng cháy, chữa cháy đã được các chi bộ khu dân cư trên địa bàn xã đưa vào nội dung kỳ họp hằng tháng. Từ đó, mỗi cán bộ, đảng viên sẽ trở thành tuyên truyền viên về phòng cháy, chữa cháy đến quần chúng nhân dân tại địa bàn sinh sống.
Bên cạnh đó, yếu tố tuyên truyền trực quan về phòng cháy, chữa cháy cũng là nội dung được nhiều đơn vị áp dụng có hiệu quả, cần được nhân rộng. Đại úy Nguyễn Đức Thắng, Phó Trưởng Công an quận Ba Đình cho biết, bên cạnh việc tập huấn, tuyên truyền lý thuyết về phòng cháy, chữa cháy cho cộng đồng, khu dân cư, quận đã chú trọng công tác thực hành chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phù hợp với các đối tượng, địa bàn.
Trong năm 2019, cả 14 phường của quận Ba Đình đã thực hiện diễn tập chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, huy động nhiều lực lượng, sát với tình hình thực tế tại các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao như: Khu tập thể cũ, chung cư, cơ sở kinh doanh kết hợp nhà ở, nhà trọ, nhà dân trong ngõ ngách nhỏ...
Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, thời gian tới, ngoài các hoạt động tuyên truyền, tập huấn thường xuyên, Công an thành phố sẽ đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về phòng cháy, chữa cháy trên các phương tiện truyền thông đại chúng, hệ thống đài phát thanh ở cơ sở, tại trụ sở, bảng tin của cơ quan, tổ chức và khu dân cư; tuyên truyền bằng băng rôn, hình ảnh, pa nô, áp phích, tranh cổ động, tờ rơi, xe thông tin lưu động…
Nhận được tin báo, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an quận Đống Đa) đã điều động 7 phương tiện chữa cháy cùng cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường dập lửa, hướng dẫn thoát nạn cho khoảng 60 người dân ra khỏi đám cháy. Đến 12h35 cùng ngày, đám cháy được dập tắt. Vụ cháy không gây thiệt hại về người.