Nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách hỗ trợ giáo dục
Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai vừa ban hành Chỉ thị tăng cường, nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách hỗ trợ, quản lý tài chính, tài sản, thiết bị trường học, các khoản huy động xã hội hóa, quản lý nội trú, bán trú, bảo đảm an ninh, an toàn trường học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn tỉnh.
Chỉ thị nêu rõ, trong những năm qua, tỉnh Lào Cai luôn dành sự quan tâm đặc biệt, ưu tiên nhiều nguồn lực đầu tư và biên chế cho phát triển sự nghiệp giáo dục; đã ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách để phát triển giáo dục, nhất là ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện. Công tác quản lý, chỉ đạo của ngành giáo dục cũng có nhiều đổi mới. Nhìn chung các cơ sở giáo dục đã thực hiện tốt, đảm bảo quy định và kịp thời về chế độ, chính sách cho học sinh, giáo viên; tài chính, tài sản, thiết bị trường học được quản lý và sử dụng hiệu quả.
Tuy nhiên, còn có cơ sở giáo dục chưa thực hiện đúng quy định về các chính sách hỗ trợ, cá biệt còn có hiệu trưởng buông lỏng quản lý, chưa phát huy triệt để hiệu quả chính sách hỗ trợ, đầu tư; việc huy động kinh phí xã hội hóa chưa tạo được sự đồng thuận của Nhân dân; an toàn giao thông trong trường học còn diễn biến phức tạp; chưa có giải pháp hiệu quả để quản lý giáo viên và học sinh trong việc sử dụng mạng xã hội.
Để thực hiện đúng quy định, nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách hỗ trợ, quản lý tài chính, tài sản, thiết bị trường học, các khoản huy động xã hội hóa, quản lý nội trú, bán trú, bảo đảm an ninh, an toàn trường học, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục chỉ đạo, rà soát để thực hiện đảm bảo đầy đủ, kịp thời, đúng quy định các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, của địa phương và các văn bản liên quan. Thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn 4540/UBND-VX ngày 25/9/2018 về việc tăng cường quản lý chế độ chính sách tại các cơ sở giáo dục; Công văn 2417/UBND-VX ngày 1/6/2020 về việc tăng cường quản lý nhà nước về giáo dục; Công văn 5982/UBND-VX ngày 21/10/2024 về việc khắc phục hậu quả bão lũ và thực hiện chế độ chính sách tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh... Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý tài chính, tài sản, chế độ chính sách. Không sử dụng kinh phí chi trực tiếp hỗ trợ cho học sinh (tiền ăn, tiền nhà ở, học bổng, hỗ trợ gạo, hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ người học xóa mù chữ...) vào mục đích khác. Tăng cường quản lý, tổ chức tốt bữa ăn hằng ngày cho trẻ em mầm non, học sinh nội trú, bán trú. Khuyến khích cha mẹ học sinh tham gia hỗ trợ nhân viên cùng nấu ăn; đồng thời giám sát chất lượng bữa ăn hằng ngày của trẻ em, học sinh nội trú, bán trú tại trường; thực hiện nghiêm túc việc công khai tài chính, bữa ăn hằng ngày của học sinh nội trú, bán trú theo quy định.
Thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục, đảm bảo quy định về quản lý tài trợ theo Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, các khoản thu dịch vụ theo Nghị quyết 16/2024/NQ-HĐND của HĐND tỉnh và các quy định của cấp có thẩm quyền. Yêu cầu các cơ sở giáo dục nắm chắc, hiểu rõ các quy định này, chỉ thực hiện các khoản thu thực sự cần thiết, đảm bảo nguyên tắc “tự nguyện, thỏa thuận, vì học sinh”. Hiệu trưởng chịu trách nhiệm toàn diện về các hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh.
Triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch 336/KH-UBND ngày 6/10/2022 của UBND tỉnh về tiếp tục rà soát, sắp xếp trường, lớp đối với giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022 - 2030 (sửa đổi, bổ sung tại Kế hoạch 106/KH-UBND ngày 16/2/2024) gắn với thực hiện Quyết định 316/QĐ-TTg ngày 29/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 gắn với sắp xếp, tinh giản đội ngũ để có hệ thống mạng lưới trường, lớp hoàn chỉnh, đáp ứng tốt nhu cầu học tập của Nhân dân, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Thực hiện bảo đảm quy định về mua sắm, đấu thầu, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản, cơ sở vật chất thiết bị trường học. Đẩy nhanh tiến độ mua sắm thiết bị dạy học thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và phổ cập giáo dục mầm non 4 tuổi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2027 (Kế hoạch 305/KH-UBND ngày 12/9/2022 của UBND tỉnh) và Chương trình mục tiêu quốc gia theo Quyết định 1719/QĐ-TTg của Chính phủ, bảo đảm đến năm 2027 các trường có đủ cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Tiếp tục rà soát, xây dựng kế hoạch đầu tư giai đoạn 2025 - 2030 theo hướng hiện đại hóa đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục. Thường xuyên rà soát cơ sở vật chất trường, lớp học, đặc biệt các công trình, hạng mục công trình xuống cấp hoặc có nguy cơ không đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên; đảm bảo công tác phòng cháy, chữa cháy.
Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường hơn nữa và có các giải pháp đồng bộ, hiệu quả để quản lý học sinh nội trú, bán trú, đảm bảo anh ninh, an toàn trường học, an toàn thực phẩm và tuyệt đối không để học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ, bị ngộ độc thực phẩm; đồng thời chỉ đạo các cơ sở giáo dục phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình để quản lý, giáo dục học sinh. Người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền địa phương chịu trách nhiệm chỉ đạo, quản lý học sinh sau tốt nghiệp THCS đi học tiếp THPT, giáo dục thường xuyên và học nghề.
Đẩy mạnh công tác truyền thông trong thực hiện chính sách, pháp luật; có các giải pháp đồng bộ để quản lý, sử dụng hiệu quả, đúng quy định các trang mạng xã hội trong trường học. Biểu dương, nhân rộng gương người tốt, việc tốt, chú trọng việc tôn vinh, ghi nhận, khích lệ kịp thời các nhà giáo, đặc biệt là nhà giáo có nhiều năm cống hiến ở vùng cao.
Chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, người lao động trong ngành giáo dục và học sinh, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tăng cường kỷ cương trường học, dân chủ trường học; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, trách nhiệm, đạo đức nhà giáo; phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể, Ban Thanh tra Nhân dân; lắng nghe, tiếp thu ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, học sinh, cán bộ, giáo viên; có trách nhiệm giải trình, giải quyết kịp thời, hiệu quả các kiến nghị theo thẩm quyền, phân cấp quản lý.
Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chú trọng phát triển các trường nội trú, bán trú, giáo dục mũi nhọn, học sinh năng khiếu; hạn chế thấp nhất học sinh các cấp bỏ học, tảo hôn, vi phạm đạo đức. Tăng cường quản lý dạy thêm, học thêm, hiệu trưởng chịu trách nhiệm toàn diện khi giáo viên thực hiện dạy thêm trái quy định.
Nâng cao hơn nữa năng lực công tác thanh tra, kiểm tra quản lý nhà nước về giáo dục; tăng cường kiểm tra đột xuất việc thực hiện các chính sách hỗ trợ cho học sinh, giáo viên, nhân viên ở những nơi có dư luận không tốt hoặc đơn kiến nghị, phản ánh, tố cáo; phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định quản lý tài chính, tài sản, quy chế chuyên môn, nhiệm vụ giáo dục.
Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm đôn đốc, theo dõi việc triển khai thực hiện chỉ thị này; tổng hợp tình hình, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh về tình hình thực hiện Chỉ thị trên địa bàn toàn tỉnh.
UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm quán triệt, triển khai thực hiện chỉ thị này tại địa phương và phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo trong quá trình triển khai thực hiện chỉ thị.
Các cơ quan truyền thông, báo chí đưa tin về nội dung và tình hình triển khai thực hiện chỉ thị này trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các Tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể các cấp và Nhân dân thường xuyên giám sát việc thực hiện chỉ thị.