Nâng cao hiệu quả thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể

Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất (KCN&CX) Hà Nội đã tập trung mọi nguồn lực nâng cao số lượng, chất lượng Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) tại các đơn vị. Kết quả này đã góp phần cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao đời sống, thu nhập của người lao động (NLĐ), quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của NLĐ được đảm bảo.

Ban Chấp hành Công đoàn và Ban lãnh đạo Công ty TNHH Enkei Việt Nam ký kết TƯLĐTT.

Ban Chấp hành Công đoàn và Ban lãnh đạo Công ty TNHH Enkei Việt Nam ký kết TƯLĐTT.

Công đoàn các KCN&CX Hà Nội hiện đang quản lý trực tiếp 348 Công đoàn cơ sở (CĐCS) với 151.64 lao động, trong đó đoàn viên 142.167 người. Để nâng cao số lượng và chất lượng các bản TƯLĐTT tại CĐCS, Công đoàn các KCN&CX đã xây dựng, ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai, đôn đốc, hướng dẫn CĐCS thương lượng, ký kết TƯLĐTT, cũng như phân công nhiệm vụ thành viên Ban chỉ đạo Chương trình “Nâng cao chất lượng công tác đại diện, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ; đẩy mạnh đối thoại, thương lượng, ký kết TƯLĐTT giai đoạn 2023 - 2028”.

Ngoài các văn bản, Công đoàn thường xuyên đôn đốc việc thương lượng, ký kết TƯLĐTT qua các kênh truyền thông như, gọi điện trực tiếp, đôn đốc qua trang Zalo của từng khu công nghiệp, trang Zalo riêng các đồng chí Chủ tịch CĐCS. Tuyên truyền bằng hình ảnh các đơn vị đã tổ chức Hội nghị NLĐ, thương lượng, ký kết TƯLĐTT trên các trang Zalo nhóm để gây hiệu ứng lan tỏa giữa các khu, các đơn vị.

Đặc biệt Công đoàn chú trọng công tác giám sát quá trình triển khai thực hiện các điều khoản đã được các đơn vị ký kết trong TƯLĐTT. Công đoàn xây dựng văn bản hướng dẫn các CĐCS tổ chức Hội nghị Cán bộ công chức, viên chức, Hội nghị NLĐ hằng năm. Thông qua Hội nghị này, CĐCS đã tổng hợp ý kiến của NLĐ để đề xuất điều chỉnh, bổ sung các điều, khoản có lợi hơn, đây cũng là cơ sở để CĐCS đàm phán, thương lượng đưa vào ký mới, ký lại, ký bổ sung bản TƯLĐTT để bản TƯLĐTT ngày càng hoàn thiện hơn.

“TƯLĐTT là cơ sở pháp lý đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các bên trong quan hệ lao động. Là cơ sở để NLĐ có sự gắn bó chặt chẽ với nơi làm việc, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, phát triển tại các doanh nghiệp. Chính vì vậy, Công đoàn các KCN&CX Hà Nội thường xuyên đôn đốc, đi từng khu công nghiệp, rà từng đơn vị, hỗ trợ từng Ban Chấp hành CĐCS để hướng dẫn, định hướng, trao đổi từ cách thức thương lượng, phương pháp thương lượng đến xây dựng sơ bộ nội dung bản TƯLĐTT. Đã có nhiều đơn vị, TƯLĐTT sắp hết hạn hoặc đã hết hạn, Ban Chấp hành Công đoàn đã đối thoại, đàm phán, thương lượng với người sử dụng lao động thêm nhiều điều, khoản có lợi cho NLĐ”, đồng chí Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch Công đoàn các KCN&CX Hà Nội cho biết.

Cũng chính từ chú trọng công tác này, đến thời điểm hiện tại Công đoàn các KCN&CX Hà Nội đã có 235/343 đơn vị ký TƯLĐTT, bằng 69%. 8 tháng đầu năm 2024, Công đoàn đã hướng dẫn, tiếp nhận 35 bản TƯLĐTT trong đó có 4 bản được ký mới, 31 bản ký lại và ký bổ sung.

Cũng theo Chủ tịch Công đoàn các KCN&CX Hà Nội, thời gian qua, tình hình quan hệ lao động trong các khu công nghiệp nói chung và tại mỗi doanh nghiệp nói riêng đã có những chuyển biến tích cực, góp phần cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao đời sống thu nhập của NLĐ, quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của NLĐ được đảm bảo. Thực tế đó cho thấy, số các vụ tranh chấp lao động và đình công đã giảm thiểu và được hạn chế. Để đạt được kết quả đó có sự đóng góp quan trọng của tổ chức Công đoàn các cấp trong việc tham gia thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, cơ chế 3 bên, nhất là trong thực hiện đối thoại, thương lượng tập thể.

Tuy nhiên, đồng chí Nguyễn Đình Thắng cũng cho biết, các CĐCS triển khai, thương lượng, ký kết TƯLĐTT vẫn còn nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn nhất hiện nay là trong Bộ luật Lao động không có điều khoản bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện ký TƯLĐTT, mà việc ký kết TƯLĐTT do ý chí tự nguyện của 2 bên, do vậy đã gây nhiều khó khăn cho Ban Chấp hành CĐCS, nhất là những đơn vị đồng chí Chủ tịch Công đoàn không có vị trí cao, thuộc đối tượng trực tiếp sản xuất dưới phân xưởng, dây chuyền.

Bản chất việc thực hiện chính sách ở các doanh nghiệp FDI thường cao hơn mức quy định, cao hơn mức lương tối thiểu vùng…việc đàm phán, thương lượng để đưa vào bản TƯLĐTT các nội dung có thể chấm điểm đạt loại A, B gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra khả năng đàm phán và trình độ đàm phán của Ban Chấp hành CĐCS nói chung và khả năng thuyết phục của Chủ tịch CĐCS nói riêng chưa cao, chưa đồng đều, thậm chí không mạnh dạn khi đứng trước Ban lãnh đạo doanh nghiệp. Việc bố trí cán bộ cấp trên trực tiếp cơ sở còn thiếu, chưa có đủ nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, trong đó có việc hướng dẫn, triển khai, đôn đốc đối thoại, thương lượng, ký kết TƯLĐTT tại các CĐCS.

Để đạt hiệu quả cao hơn trong công tác chỉ đạo, thương lượng, ký kết TƯLĐTT ở các đơn vị, Công đoàn các KCN&CX Hà Nội đề xuất, LĐLĐ Thành phố hỗ trợ Công đoàn các KCN&CX Hà Nội về công tác cán bộ để thực hiện công tác chuyên môn nói chung, và hỗ trợ thương lượng, ký kết TƯLĐTT nói riêng. Tập huấn cho cán bộ Công đoàn các KCN&CX Hà Nội về việc hướng dẫn CĐCS thương lượng, ký kết, chấm TƯLĐTT theo hướng dẫn của Tổng LĐLĐ Việt Nam.

Trần Vũ

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nang-cao-hieu-qua-thuong-luong-ky-ket-thoa-uoc-lao-dong-tap-the-177538.html