Nâng cao kiến thức về giáo dục sức khỏe tâm thần cho học sinh
Sáng 22/6, tại Hà Nội đã khai mạc đợt tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ về chăm sóc sức khỏe tâm thần cho thanh thiếu niên trong trường học.
Cần sự chung tay từ nhiều bên
Chương trình do Bộ GD&ĐT phối hợp cùng Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam tổ chức. Khóa tập huấn sẽ kéo dài từ ngày 22 - 24/6.
TS Nguyễn Nho Huy - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất (Bộ GD&ĐT) chia sẻ, thời gian qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến học sinh phải chuyển sang học online. Môi trường học đường, áp lực học tập và các mối quan hệ bạn bè, bao gồm cả trải nghiệm bị bắt nạt, mẫu thuẫn xảy ra từ gia đình đều được coi là các yếu tố nguy cơ về sức khỏe tâm thần.
Bộ GD&ĐT đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1660 ngày 2/10/2021 phê duyệt Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 nhằm đẩy mạnh hoạt động chăm sóc toàn diện về thể chất, tinh thần cho học sinh trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông.
Quyết định số 85 ngày 17/1/2022 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt Chương trình Y tế trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông gắn với y tế cơ sở giai đoạn 2021-2025, trong đó chú trọng việc gắn kết y tế trường học với y tế cơ sở nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động chăm sóc sức khỏe học sinh.
Năm 2017, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 31 về hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng công bố Quyết định số 2138 ngày 3/8/2022 ban hành Kế hoạch giáo dục sức khỏe tâm thần cho trẻ em, học sinh giai đoạn 2022-2025.
Theo đó, việc chăm sóc và nâng cao sức khỏe tâm thần cho trẻ em cần có sự quan tâm, nỗ lực hành động đa ngành để làm giảm các yếu tố nguy cơ khác, đặc biệt là những yếu tố nguy cơ về các bệnh không lây nhiễm và sức khỏe tâm thần trong trường học.
Để cụ thể hóa các nhiệm vụ và giải pháp được Thủ tướng Chính phủ giao trong thời gian tới, ông Nguyễn Nho Huy nhấn mạnh, Bộ GD&ĐT sẽ tập trung một số nhiệm vụ và giải pháp cơ bản.
Trong đó, xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành trong chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em, học sinh, sinh viên; triển khai kế hoạch, chương trình, tài liệu bồi dưỡng chuyên môn về chăm sóc sức khỏe tâm thần cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh trong các cơ sở giáo dục.
Hình thành mạng lưới các nhà tư vấn tâm lý, giáo dục sức khỏe tâm thần cho trẻ em để kịp thời hỗ trợ triển khai trong các cơ sở giáo dục. Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao năng lực, nhận thức cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên y tế trường học và học sinh, cha mẹ học sinh về sức khỏe tâm thần.
Tăng cường công tác quản lý, theo dõi và tư vấn về chăm sóc sức khỏe học sinh về phòng chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần trong trường học; phát huy vai trò của hệ thống y tế trường học, nâng cao năng lực hoạt động của nhân viên y tế trường học để chăm sóc sức khỏe tâm thần và nâng cao sức khỏe cho học sinh.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế, huy động nguồn lực và đẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần trong trường học.
Diễn đàn để học hỏi kinh nghiệm
Tại đợt tập huấn lần này, các đại biểu sẽ được nghe các chuyên gia quốc tế chia sẻ những kinh nghiệm về cách thức giúp trẻ em, học sinh giải quyết vấn đề trong khả năng để nâng cao được sức khỏe tinh thần và sức khỏe thể chất của học sinh.
"Để đạt được các mục tiêu, yêu cầu đã đề ra, tôi đề nghị các đại biểu tham dự nghiêm túc, tích cực trao đổi, chia sẻ cũng như có những câu hỏi cụ thể để nhờ các chuyên gia tham vấn. Từ đó có thể xây dựng kế hoạch, tham mưu cho lãnh đạo triển khai tốt hơn công tác chăm sóc, bảo vệ nâng cao sức khỏe học sinh trong các cơ sở giáo dục" - TS Nguyễn Nho Huy nói.
Trao đổi tại hội thảo, bà Tara O’Connell - Trưởng Chương trình giáo dục của UNICEF Việt Nam, theo nghiên cứu từ các chuyên gia, có khoảng 22% thanh thiếu niên Việt Nam có vấn đề về sức khỏe tâm thần; trong đó chủ yếu liên quan đến rối loạn lo âu, trầm cảm. Việc thiếu quan tâm tới các em sẽ dẫn tới các hệ lụy khôn lường.
Do đó, việc hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho thanh thiếu niên là 1 trong các ưu tiên của UNICEF Việt Nam. Chúng ta cần quan tâm đến đội ngũ giáo viên. Mỗi trường học cần có một chuyên gia tư vấn học đường để hỗ trợ học sinh, nhất là các em có vấn đề về tâm lý hay nạn nhân của bạo lực học đường.
Đây là những rủi ro, thách thức của học sinh có thể ảnh hưởng về sức khỏe tâm thần. Trong đó có thể từ các bài kiểm tra và áp lực về điểm số, học tập; mối quan hệ giữa gia đình, bạn bè, thầy cô; bị bắt nạt, thiếu các hoạt động về thể chất, lạm dụng rượu các chất kích thích, không đến trường học đầy đủ... Vì vậy, vai trò của các thầy cô làm công tác tư vấn tâm lý học đường là vô cùng quan trọng.