Nâng cao kỹ năng hòa giải ở cơ sở
ĐBP - Trong cuộc sống, do sự khác biệt về lợi ích kinh tế, quan điểm, nhận thức và lối sống của mỗi cá nhân nên việc nảy sinh mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình, các hộ gia đình, trong cộng đồng dân cư là điều không tránh khỏi. Những mâu thuẫn, tranh chấp nếu không được giải quyết kịp thời, triệt để thì rất dễ dẫn tới 'chuyện bé xé ra to'. Từ tranh chấp thuần túy dân sự có thể bùng phát nghiêm trọng thành vụ án hình sự, hoặc khiếu kiện kéo dài gây tổn hại về tinh thần, tiền bạc và thời gian không chỉ đối với các đương sự mà cả đối với Nhà nước.
Ðại diện chính quyền xã Nặm Lịch, huyện Mường Ảng phối hợp cùng cơ quan chức năng tổ chức hòa giải tranh chấp đất đai, kết hợp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân bản Thẳm Phẩng.
Ðiển hình như vụ án tranh chấp tài sản sau ly hôn tại phường Nam Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ). Theo đó người chồng đã kiện người vợ (cũ) đòi quyền lợi đối với ngôi nhà 3 tầng đã mua trước đó; người chồng cho rằng tài sản mua trong thời kỳ hôn nhân phải là tài sản chung. Còn người vợ thì kiên quyết khẳng định dù mua trong thời kỳ hôn nhân nhưng được mua bằng tiền riêng, bằng chứng là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ đứng tên người vợ, do đó chị có quyền sở hữu và định đoạt tài sản này. Vụ án kéo dài từ năm 2012 đến nay, và qua gần 10 phiên xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm ở các cấp tòa đến nay vẫn chưa có hồi kết. Hay cách đây chưa lâu tại tổ dân phố 6, phường Noong Bua xảy ra vụ việc ông B. chém bà A. (hàng xóm của ông B) phải nhập viện mà nguyên nhân là do vật nuôi của gia đình hàng xóm thường phóng uế ra cổng nhà ông B. Mâu thuẫn âm ỉ, kéo dài không được tháo gỡ đã dẫn đến sự việc đáng tiếc.
Thực tế cho thấy, những mâu thuẫn tại các gia đình, khu dân cư, nếu hòa giải viên phát hiện kịp thời và phân tích, giải thích để hai bên “hạ nhiệt”, bình tĩnh nhìn nhận sự việc một cách khách quan thì sẽ giảm những xung đột không đáng có, ngược lại tình làng nghĩa xóm được nâng lên. Ðặc biệt, đối với công tác hòa giải tại tòa án (các cuộc hòa giải được tiến hành trước khi tòa án thụ lý vụ việc dân sự), nếu hòa giải thành sẽ hạn chế các vụ việc khiếu kiện kéo dài, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân, giảm áp lực, tổn hại về tinh thần, sức khỏe thời gian, tiền bạc của các đương sự và Nhà nước.
Ông Phạm Ðình Quế, Giám đốc Sở Tư Pháp cho biết: Hòa giải ở cơ sở có vai trò quan trọng, là một phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả. Hòa giải thành sẽ hàn gắn và khôi phục tình cảm giữa các bên tranh chấp, giúp duy trì mối quan hệ đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư. Những năm qua, công tác hòa giải ở cơ sở đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự địa bàn. Tuy nhiên, vẫn còn những phiên hòa giải chưa thành, dẫn đến tranh chấp, bất hòa, khiếu kiện kéo dài. Ðể nâng cao kỹ năng hòa giải ở cơ sở, vừa qua Sở Tư pháp đã phối hợp với Tòa án Nhân dân tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ðiện Biên tổ chức tập huấn phương pháp bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho đội ngũ tập huấn viên toàn tỉnh. Qua đó, giúp học viên nắm chắc Luật Hòa giải đối thoại tại tòa án và các văn bản hướng dẫn thi hành cho các hòa giải viên; trình tự, thủ tục yêu cầu tòa án công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở; kiến thức chung về hòa giải ở cơ sở và hòa giải ở cơ sở có nhạy cảm giới; các phương pháp, kỹ năng cho các hòa giải viên. Ðây cũng là chủ trương của tỉnh về thực hiện Ðề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải giai đoạn 2019 - 2022” và Kế hoạch số 257/KH - UBND, ngày 29/1/2021 của UBND tỉnh về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; xây dựng xã, phường thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2021.