Nâng cao kỹ năng hoạt động cho cán bộ Công đoàn

Từ thực tiễn hoạt động, nhiều cán bộ Công đoàn cho rằng cần tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng và rèn luyện kỹ năng hoạt động cho đội ngũ cán bộ Công đoàn. Trong đó, chú trọng cải tiến nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cho phù hợp với nhu cầu thực tiễn để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực hoạt động của cán bộ Công đoàn nhằm đáp ứng những yêu cầu trong tình hình mới.

Nhằm không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Công đoàn Thủ đô trong tình hình mới, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã và đang tập trung nhìn nhận, đánh giá thực trạng hoạt động của các cấp Công đoàn.

Từ đó, tìm ra những giải pháp thiết thực để xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn theo hướng chuẩn hóa, đảm bảo chất lượng, để tổ chức Công đoàn thực sự là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng và là chỗ dựa tin cậy của đoàn viên, người lao động.

Tại hội nghị tọa đàm với chủ đề: “Thực trạng và giải pháp về công tác cán bộ Công đoàn Thủ đô trong tình hình mới” do Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội tổ chức mới đây, nhiều cán bộ Công đoàn đã thẳng thắn nêu ra những hạn chế, khó khăn nhất định trong quá trình hoạt động và đề xuất giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cán bộ Công đoàn.

Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị tọa đàm “Thực trạng và giải pháp về công tác cán bộ Công đoàn Thủ đô trong tình hình mới” ngày 28/4/2021

Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị tọa đàm “Thực trạng và giải pháp về công tác cán bộ Công đoàn Thủ đô trong tình hình mới” ngày 28/4/2021

Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Tây Hồ Ngô Xuân Anh, hiện nay, ở không ít đơn vị, hoạt động của Công đoàn cấp trên cơ sở chưa đi vào thực chất, bị những nhiệm vụ thường xuyên chi phối; việc thực hiện mục tiêu hướng về cơ sở, lấy người lao động là trung tâm còn thiếu phương pháp, giải pháp hiệu quả.

Công đoàn cơ sở ít có tiếng nói trong giải quyết tranh chấp lao động, năng lực bảo vệ đoàn viên, người lao động còn yếu, vai trò tập hợp quần chúng còn mờ nhạt. Ngoài ra, lực lượng cán bộ Công đoàn chuyên trách ở cấp trên cơ sở còn mỏng, thiếu kiến thức chuyên sâu, thường xuyên bị biến động; cán bộ Công đoàn kiêm nhiệm thường bị chi phối, phụ thuộc vào thủ trưởng đơn vị, người sử dụng lao động. Bên cạnh đó, cơ chế hành chính có nhiều điểm không phù hợp với tổ chức và hoạt động Công đoàn trong thời kỳ hội nhập hiện nay, nhất là công tác cán bộ.

Thực trạng trên được lý giải bởi những nguyên nhân như: Cơ chế tổ chức trong hệ thống Công đoàn đã áp dụng quá lâu, thiếu những đổi mới mang tính đột phá để thích nghi, phù hợp trình độ phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Không chỉ vậy, vai trò đồng hành của tổ chức Công đoàn với doanh nghiệp là chưa phù hợp do mâu thuẫn về lợi ích giữa người lao động và người sử dụng lao động.

Ông Ngô Xuân Anh cho rằng, để nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức Công đoàn cần cơ cấu lại tổ chức và nhiệm vụ cho Công đoàn cấp trên cơ sở, xây dựng cơ chế bảo vệ cán bộ Công đoàn cơ sở. Đặc biệt là chú trọng công tác đào tạo Chủ tịch Công đoàn cơ sở, lựa chọn những nhân tố trách nhiệm, tâm huyết để đào tạo, trang bị kiến thức về Công đoàn, các kỹ năng hoạt động Công đoàn, năng lực xử lý tình huống phát sinh trong quan hệ lao động.

Đồng quan điểm với ông Ngô Xuân Anh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thị xã Sơn Tây Nguyễn Thị Thu Hương nêu thực tiễn, đội ngũ cán bộ Công đoàn chuyên trách cấp huyện số lượng quá ít (4-6 cán bộ), cán bộ Công đoàn cơ sở chủ yếu là kiêm nhiệm nên việc triển khai thực hiện nhiệm vụ và chức năng của tổ chức Công đoàn gặp nhiều khó khăn.

Năng lực của cán bộ Công đoàn cơ sở nhất là khối sản xuất kinh doanh còn hạn chế, nhận thức của một số lãnh đạo các đơn vị, doanh nghiệp về vai trò, vị trí của cán bộ Công đoàn ở một số đơn vị còn chưa đầy đủ. Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, để nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn, trước hết, đội ngũ cán bộ Công đoàn các cấp cần không ngừng nỗ lực cố gắng học tập, nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn và nghiệp vụ công tác Công đoàn.

Tại hội nghị tọa đàm với chủ đề: “Thực trạng và giải pháp về công tác cán bộ Công đoàn Thủ đô trong tình hình mới” do Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội tổ chức mới đây, nhiều cán bộ Công đoàn đã thẳng thắn nêu ra những hạn chế, khó khăn nhất định trong quá trình hoạt động và đề xuất giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cán bộ Công đoàn.

Bên cạnh đó, Công đoàn các cấp cần tiếp tục nâng cao chất lượng công tác đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Công đoàn theo hướng thiết thực, sát với yêu cầu thực tiễn, đặc biệt về kỹ năng hoạt động cho cán bộ Công đoàn cấp cơ sở. Bà Nguyễn Thị Thu Hương cũng đề xuất cấp thẩm quyền nghiên cứu xây dựng các chế độ chính sách tiền lương, phụ cấp góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đối với cán bộ Công đoàn cơ sở, có chế độ đãi ngộ với Công đoàn cơ sở tương xứng với trình độ, năng lực thực tế và khả năng đóng góp của cán bộ Công đoàn đối với cơ quan và đơn vị.

Với kinh nghiệm 15 năm làm công tác Công đoàn tại địa phương, ông Cao Văn Đoàn – Chủ tịch Công đoàn xã Đức Giang (Hoài Đức, Hà Nội) cho rằng, công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ Công đoàn tại các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập còn chưa thực sự hiệu quả, hàng năm dù tổ chức các khóa tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ Công đoàn các cấp nhưng nhiều nội dung chuyên đề chưa sát với thực tiễn công tác tại các đơn vị; việc bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ không chuyên sâu.

Hầu hết cán bộ Công đoàn chỉ được tập huấn mang tính chất bổ sung cập nhật những vấn đề mới nhưng những vấn đề cơ bản mang tính nền tảng thì thiếu. Theo ông Đoàn, để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Công đoàn, tổ chức Công đoàn cần đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công đoàn để họ dễ dàng học tập, nghiên cứu và vận dụng vào thực tiễn công tác. Trong đó, chú trọng đào tạo các kỹ năng mềm cho cán bộ Công đoàn như: Năng lực tập hợp quần chúng và kỹ năng tổ chức các hoạt động thực tiễn…

Từ góc nhìn của Công đoàn cơ sở khối doanh nghiệp, ông Lê Văn Bắc - Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam cho rằng, tại doanh nghiệp nước ngoài, chủ doanh nghiệp rất tuân thủ pháp luật Việt Nam, việc thành lập tổ chức Công đoàn được ủng hộ và cán bộ Công đoàn không bị gây khó dễ trong quá trình hoạt động.

Tuy nhiên để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở, ông Lê Văn Bắc đề xuất Công đoàn cấp trên cần tăng cường tổ chức các lớp tập huấn ngắn hạn về công tác công đoàn cho các doanh nghiệp ngoài nhà nước nhất là về kỹ năng, kiến thức pháp luật để cán bộ Công đoàn nắm rõ và có thể giải thích cho người lao động khi cần thiết.

Cùng với đó, Công đoàn cấp trên cần dành thời gian tham gia hướng dẫn cho doanh nghiệp về cách thức tổ chức đối thoại và Hội nghị người lao động, giúp người sử dụng lao động thấy được vai trò của Công đoàn với người lao động và với sự hiện diện của Công đoàn cấp trên, người lao động sẽ tin tưởng bày tỏ quan điểm của mình hơn./.

Mai Quý

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nang-cao-ky-nang-hoat-dong-cho-can-bo-cong-doan-122708.html