Nâng cao kỹ năng sống và đưa văn hóa truyền thống vào trường học
Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 29-NQ/TW, Hội nghị lần thứ 8, BCH Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVI đã ban hành Nghị quyết số 02 về việc đưa kỹ năng sống (KNS) và VHTT các dân tộc thiểu số vào giảng dạy trong các trường học trên địa bàn tỉnh. Sau 5 năm thực hiện, các trường học đã từng bước nâng cao KNS cho học sinh, đồng thời tác động mạnh mẽ trong thế hệ trẻ về việc bảo tồn, lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc.
Theo thống kê, toàn tỉnh có trên 80% học sinh phổ thông là người dân tộc thiểu số, phần lớn ở vùng cao, vùng sâu, xa; hiểu biết của các em về VHTT còn hạn chế, vì vậy ngành Giáo dục đã đẩy mạnh phát triển hệ thống các trường nội trú, bán trú nhằm huy động trẻ đến trường, nâng cao chất lượng dạy và học; rèn luyện KNS cho học sinh và thực hành VHTT dân tộc. Để thực hiện mục tiêu đề ra, các cơ sở giáo dục đã có nhiều hình thức sáng tạo, linh hoạt để giáo dục KNS phù hợp với điều kiện nhà trường, học sinh: Lồng ghép, tích hợp vào các môn học, bài học; các buổi hoạt động ngoài giờ lên lớp, hoạt động ngoại khóa.
Thời gian qua, các trường học đã tổ chức được hơn 5.000 chuyên đề giáo dục KNS, xây dựng và tổ chức hoạt động trên 2.400 câu lạc bộ sở thích. Quá trình thực hiện, nhiều cơ sở giáo dục có mô hình, cách làm hay được hưởng ứng: Vận động cộng đồng làm đồ chơi cho học sinh bằng các vật liệu sẵn có; xây dựng cảnh quan nhà trường xanh - sạch - đẹp, an toàn, thân thiện; xây dựng thư viện ngoài trời, thư viện trong lớp học,... Hầu hết các trường đều bố trí góc cộng đồng trong khuôn viên, lớp học. Đối với trường có học sinh nội trú, bán trú đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn về công tác nội vụ cho cán bộ, giáo viên, học sinh. Việc triển khai các nội dung giáo dục KNS cho học sinh phổ thông đã đem lại hiệu quả thiết thực, giúp các em hình thành những cơ sở ban đầu cho sự phát triển đúng đắn và lâu dài về đạo đức, trí tuệ, thẩm mỹ, thể chất và các KNS cơ bản. Từ đó, các em có khả năng ứng phó với những thách thức trong cuộc sống; tự bảo vệ tinh thần, sức khỏe của chính mình và những người khác trong cộng đồng.
Mặt khác, là tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, mỗi dân tộc có một nét văn hóa đặc trưng, vì thế việc giới thiệu, truyền dạy VHTT các dân tộc tiếp tục được các trường học đẩy mạnh với nội dung và hình thức phong phú, đa đạng: Giới thiệu các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh và phong tục tập quán, lễ hội, trò chơi dân gian ở địa phương. Truyền dạy một số làn điệu dân ca của địa phương như: Hát Sli, hát Lượn, dân ca Lô Lô, dân ca Mông,…; sử dụng một số nhạc cụ dân tộc như khèn môi, khèn lá, sáo Mông, đàn Tính,... Nhiều trường đã tổ chức cho học sinh tìm hiểu các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian như: Lễ hội Lồng Tồng, lễ hội Nhảy lửa, lễ hội mừng lúa mới; các trò chơi dân gian như đánh yến, tung còn, đẩy gậy... Đồng thời, tổ chức mời các nghệ nhân dân gian, già làng, trưởng bản hướng dẫn học sinh hát Then, hát Cọi, múa khèn, múa gậy đồng xu, làm các đồ dùng, trang phục, nhạc cụ truyền thống.
Huyện Xín Mần là một trong những địa phương đi đầu trong việc đưa VHTT vào giảng dạy trong trường học. Những năm qua, các trường phổ thông trong huyện đã thành lập 116 câu lạc bộ sở thích, tổ chức truyền dạy tổng số 526 chuyên đề, hơn 1.300 tiết học giáo dục kỹ năng sống cho hơn 42.000 lượt học sinh tham gia. Truyền dạy cho hơn 40.000 lượt học sinh về các làn điệu dân ca, dân vũ, hoạt động thêu dệt thổ cẩm và làm một số sản phẩm truyền thống của địa phương như: Khèn Mông, gậy đồng xu, sáo Mông, dệt lanh,... Qua truyền dạy, học sinh được trang bị thêm kiến thức, kỹ năng thích nghi với đời sống, xã hội hiện tại, hiểu về văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc. Ngoài ra, các trường học trên địa bàn huyện tổ chức cho học sinh trải nghiệm, tham quan, chia sẻ, học tập kinh nghiệm tại các huyện, tỉnh bạn. Phó Chủ tịch UBND huyện Xín Mần, Vũ Thị Hòa cho biết: Xín Mần có 16 dân tộc cùng chung sống. Trong đó, dân tộc Nùng, Mông, Tày, Dao, La Chí chiếm đa số. Huyện xác định công tác bảo tồn và phát huy các giá trị VHTT là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thời kỳ hội nhập. Đến nay, Đề án giáo dục KNS và đưa VHTT các dân tộc thiểu số vào truyền dạy trong các nhà trường của huyện đã đạt được kết quả đáng khích lệ.
Với tổng kinh phí hơn 13,5 tỷ đồng thực hiện Đề án giáo dục KNS và VHTT các dân tộc thiểu số cho học sinh phổ thông trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016 – 2020, trong đó nguồn ngân sách hơn 4 tỷ đồng, còn lại là nguồn xã hội hóa. Điều đó cho thấy sự quan tâm, lãnh đạo sát sao của tỉnh và sự linh hoạt, quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện đề án. Nhờ thế, tạo nên hiệu quả thiết thực và kịp thời, chuyển biến về nhận thức và hành động đối với việc giáo dục KNS, truyền dạy VHTT tại các xã, thị trấn và các đơn vị trường học, góp phần duy trì sĩ số và tăng tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. Đồng thời, bảo tồn, lưu giữ, quảng bá những giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn tỉnh.