Nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng trong kỷ nguyên mới

Ngày 3/2/2025, Đảng Cộng sản Việt Nam tròn 95 năm thành lập, ghi thêm một dấu mốc Đảng ta đã và đang lãnh đạo nhà nước và xã hội phát triển vững mạnh; đủ sức tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Một vấn đề cấp bách đặt ra trong kỷ nguyên mới là phải ra sức nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng.

Năng lực cầm quyền của Đảng là năng lực lãnh đạo nhà nước và xã hội nhằm xây dựng, phát triển đất nước theo con đường, mục tiêu mà Đảng đã xác định, được thực hiện thông qua đội ngũ cán bộ, đảng viên nắm giữ các vị trí lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, gắn kết với Nhân dân, phát huy sức mạnh và huy động, quy tụ được sự ủng hộ và góp sức của đông đảo Nhân dân.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đồng bộ với đổi mới kinh tế, văn hóa, xã hội, con người, đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng”.

Mới đây, Bộ Chính trị ban hành Thông báo số 50-KL/TW kết luận về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, khẳng định việc tổ chức thực hiện Nghị quyết 18 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo chuyển biến tích cực trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị, gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Về cơ bản, đã sắp xếp, kiện toàn một số tổ chức và cơ cấu lại tổ chức bên trong, giảm cấp trung gian, giảm đầu mối, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, mối quan hệ công tác của các đơn vị, tổ chức, khắc phục nhiều nội dung chồng chéo chức năng, nhiệm vụ theo nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính. Việc tinh giản biên chế đã tiết kiệm được ngân sách nhà nước.

Có thể nói, kết quả thực hiện Nghị quyết 18- NQ/TW góp phần khắc phục một số hạn chế về hiệu lực, hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy, hoàn thiện mô hình tổng thể hệ thống chính trị. Tuy nhiên, Đảng ta cũng nhấn mạnh, nhận thức, trách nhiệm của một số cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu ở một số cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương chưa đầy đủ, quyết tâm thực hiện chưa cao; chưa gắn sắp xếp tổ chức bộ máy với tinh giản biên chế theo vị trí việc làm và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thu hút nhân tài.

Chức năng, nhiệm vụ của một số cơ quan, tổ chức vẫn còn trùng lặp, chồng chéo, chưa phù hợp, làm giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Một số chủ trương mới như chính sách tiền lương, thu hút, trọng dụng người có đức, có tài vào làm việc trong hệ thống chính trị chậm được cụ thể hóa. Chậm khắc phục sai phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm; chưa làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm...

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 18-NQ/TW gắn với Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các cấp ủy, tổ chức đảng cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm, quyết tâm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu về thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu nghị quyết đặt ra. Kịp thời sơ kết, tổng kết nghị quyết, chủ trương của Đảng về tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị.

Tiếp tục kiện toàn tổ chức bên trong của các cơ quan, đơn vị, tổ chức theo hướng tinh gọn; rà soát, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của từng cơ quan, tổ chức bảo đảm khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp hoặc bỏ sót chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị.

Tiếp tục hoàn thiện danh mục vị trí việc làm cùng với khung năng lực, bản mô tả vị trí việc làm của hệ thống chính trị làm cơ sở xác định biên chế của từng cơ quan, đơn vị phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và thực tiễn, gắn với đánh giá thực chất, xếp loại chính xác công chức, viên chức. Cụ thể hóa nghị quyết của các cấp ủy, tổ chức đảng; thể chế chủ trương của Đảng về tổ chức bộ máy, biên chế, quản lý công chức, viên chức, khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.

Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực theo hướng tất cả quyền lực đều được kiểm soát, bảo đảm mọi hoạt động của cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân đều thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, hiệu quả.

Hoàn thành rà soát, sắp xếp chức danh, chức vụ theo phân cấp quản lý; xây dựng, ban hành bảng lương chức vụ bảo đảm đồng bộ, thống nhất với danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở, sửa đổi mức phụ cấp kiêm nhiệm chức danh.

Điều chỉnh hợp lý chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố; quy định số lượng cán bộ, công chức cấp xã phù hợp với quy mô, dân số, yêu cầu phát triển KT-XH. Có cơ chế, chính sách phù hợp đối với người chịu tác động trực tiếp trong quá trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế.

Trở lại vấn đề nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng, quá trình thực hiện việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy hệ thống trị bảo đảm hiệu lực, hiệu quả đòi hỏi Đảng lãnh đạo việc bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kiểm soát quyền lực, phòng chống các nguy cơ đe dọa vai trò cầm quyền của Đảng.

Để nâng cao năng lực kiểm tra, giám sát các cơ quan nhà nước trong việc tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng cần phát huy được vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên. Đồng thời phát huy vai trò của Nhân dân trong việc tham gia giám sát, phản biện các khâu trong tổ chức thực hiện, đưa chủ trương, đường lối của Đảng vào cuộc sống.

Suy cho cùng, thước đo năng lực cầm quyền của Đảng là ở chỗ kinh tế của đất nước phát triển bền vững; chính trị ổn định, đời sống Nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc. Đất nước bước sang năm 2025, với dấu mốc quan trọng tròn 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc, ngoài đường lối đúng đắn từ các nghị quyết của Đảng, một vấn đề rất quan trọng là đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên phải trong sạch, thực sự là tấm gương có sức cảm hóa, lôi cuốn, thu hút quần chúng đi theo; để Đảng ta tiếp tục được Nhân dân suy tôn là lực lượng duy nhất cầm quyền, thực hiện thắng lợi Cương lĩnh, chủ trương, đường lối của Đảng, hoàn thành sứ mệnh vẻ vang của Đảng cầm quyền.

Phương Minh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/nang-cao-nang-luc-cam-quyen-cua-dang-trong-ky-nguyen-moi-191448.htm