Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm thủy sản
Với lợi thế nhiều sông suối, có vùng lòng hồ rộng lớn của thủy điện Sơn La, Hòa Bình và hồ thủy lợi trên 26.000 ha mặt nước, các địa phương trong tỉnh đã khai thác tiềm năng, phát triển hiệu quả nghề nuôi cá lồng, nuôi cá nước lạnh. Ngành Nông nghiệp tỉnh luôn quan tâm, triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nhân dân mở rộng diện tích nuôi thủy sản, định hướng phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ thủy sản an toàn, bền vững.
Quỳnh Nhai là địa phương phát triển mạnh nghề nuôi cá lồng. Toàn huyện có 256 ha mặt nước nuôi thủy sản, hơn 4.500 lồng cá. Trong đó, 46 HTX hoạt động trong lĩnh vực nuôi và chế biến thủy sản, tổng sản lượng nuôi và đánh bắt hơn 1.800 tấn/năm. Các HTX thủy sản tập trung chủ yếu ở xã Chiềng Bằng, Chiềng Ơn và Mường Giàng.
Hiện nay, xã Chiềng Bằng có 12 HTX nuôi thủy sản, với tổng số trên 2.600 lồng cá. Xã xây dựng, duy trì 5 chuỗi cung ứng thủy sản an toàn. HTX Thủy sản Chiềng Bằng, bản Co Trặm, là một trong những HTX thủy sản tiêu biểu trên địa bàn. Ông Lò Văn Khặn, Giám đốc HTX, cho biết: Thành lập năm 2012, đến nay, HTX có 42 thành viên, nuôi 580 lồng cá, sản lượng khoảng 200 tấn cá các loại. HTX áp dụng những quy trình kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGAP, kết hợp với chế độ dinh dưỡng hợp lý để cá sinh trưởng, phát triển tốt, tạo nên sản phẩm đặc trưng của cá sông Đà Quỳnh Nhai. Mỗi năm, HTX bán khoảng 100 tấn cá thương phẩm ra thị trường trong và ngoài tỉnh.
Cũng là địa phương phát triển nghề nuôi thủy sản, huyện Mường La đang có trên 1.100 lồng cá, tăng 193 lồng so với năm 2020; trong đó, 327 lồng nuôi cá tầm, 773 lồng cá truyền thống và các loại cá có giá trị kinh tế khác. Tổng sản lượng thủy sản nuôi và khai thác năm 2024 đạt 980 tấn, trong đó, sản lượng nuôi là 630 tấn, sản lượng khai thác 350 tấn. Các sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, chứng nhận an toàn thực phẩm với 596 lồng cá, sản lượng khoảng 578 tấn.
Là đơn vị tiên phong và duy nhất nuôi cá nước lạnh trên địa bàn tỉnh Sơn La, Công ty TNHH Một thành viên Cá tầm Việt Nam - Sơn La bắt đầu mô hình từ năm 2012 chỉ với 20 lồng cá và hơn 20.000 con cá tầm giống nhập khẩu trực tiếp từ Nga. Cơ sở nuôi đặt trên khu vực tích nước đập Nhà máy thủy điện Sơn La. Trải qua hơn một thập kỷ phát triển, đến nay, quy mô nuôi cá tầm của Công ty đạt trên 500.000 con; trong đó, hơn 4.000 con cá bố mẹ, gần 5.000 con cá lấy trứng, 70.000 con cá thương phẩm. Bà Nguyễn Ngọc Huyền, đại diện Công ty, chia sẻ: Năm 2024, Công ty cung ứng ra thị trường gần 150 tấn cá thương phẩm, cá chủ yếu được tiêu thụ tại tỉnh Sơn La, các tỉnh Tây Bắc, Hà Nội và hệ thống siêu thị WinMart... Giá bán cá tầm được phân loại theo trọng lượng, dao động từ 230.000 đồng/kg đến 1 triệu đồng/kg, mang đến sự lựa chọn đa dạng cho người tiêu dùng.
Năm qua, các cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn quy trình, kỹ thuật chăm sóc đàn cá đạt hiệu quả cao; định hướng cơ cấu đàn nuôi; hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp tiếp cận chính sách ưu đãi và xúc tiến thương mại, đẩy mạnh kết nối các hộ dân với các kênh tiêu thụ ổn định, xây dựng các mô hình nuôi thủy sản hiệu quả, như mô hình “Nuôi cá lăng nha trong lồng tại hồ chứa thủy điện Sơn La - Hòa Bình theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm” tại huyện Quỳnh Nhai và Mường La; khuyến khích, tạo điều kiện các hộ nuôi cá lồng vay vốn phát triển sản xuất...
Nắm bắt tốt nhu cầu thị trường, các doanh nghiệp, HTX nuôi cá lồng đã tiếp tục nhập giống mới, gối đàn phát triển sản xuất, chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn cá, áp dụng nuôi thủy sản an toàn sinh học, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đến nay, toàn tỉnh duy trì 21 chuỗi thủy sản an toàn, gần 3.000 lồng nuôi trên lòng hồ thủy điện, sản lượng hơn 1.700 tấn/năm.
Việc nhân rộng các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ thủy sản an toàn, kết hợp với các chính sách hỗ trợ kịp thời của ngành Nông nghiệp, nghề nuôi thủy sản Sơn La đang phát triển đúng hướng, năng suất, chất lượng sản phẩm nâng lên, mang đến nguồn thu nhập ổn định cho người sản xuất và nguồn thực phẩm an toàn, chất lượng cho người tiêu dùng, góp phần phát triển kinh tế địa phương.