Nâng cao nhận thức của xã hội về hiến tạng
Dù đi sau thế giới gần 40 năm nhưng đến nay, trình độ ghép tạng của Việt Nam đã ngang bằng nhiều nước. Thậm chí, tỷ lệ sống sau ghép tạng ở Việt Nam còn cao hơn so với nhiều quốc gia phát triển và chi phí rẻ hơn rất nhiều lần. Tuy nhiên, để giúp hồi sinh được những cuộc đời, cần chính sách và truyền thông nâng cao nhận thức của xã hội về việc hiến tạng.
Việt Nam có thể thực hiện tất cả kỹ thuật khó về ghép tạng
Tại cuộc họp báo công bố ca lấy, ghép mô, tạng thứ 100 từ người cho chết não, GS, TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: “Kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người là đỉnh cao của y học, có thể cứu sống nhiều người bệnh tưởng chừng “vô phương cứu chữa”. Kết quả trong suốt những năm qua đã chứng minh rằng, y học Việt Nam có thể thực hiện được tất cả kỹ thuật khó của y học thế giới về ghép mô, bộ phận cơ thể người. Với ca lấy, ghép đa tạng từ người cho chết não thứ 100 đánh dấu một bước tiến mới của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức nói riêng và của ngành y tế nói chung. Đến nay, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thực hiện hơn 1.500 ca ghép tạng, đứng đầu cả nước. Có thể thấy, dù đi sau thế giới gần 40 năm nhưng đến nay, trình độ ghép tạng của Việt Nam đã ngang bằng nhiều nước trên thế giới. Thậm chí, tỷ lệ sống sau ghép tạng ở Việt Nam còn cao hơn so với nhiều quốc gia phát triển”.
Sự diệu kỳ của những ca ghép tạng không chỉ đến từ sự thành công vượt bậc của y học mà đan xen trong đó là những câu chuyện đầy tính nhân văn về tình cảm gia đình, về tình người. Khi một sinh mệnh từ giã cõi đời thì ở một nơi khác, nhiều cuộc đời khác đã được cứu sống nhờ vào những mảnh ghép sinh mệnh người đó để lại.
Tại Việt Nam, nhu cầu ghép tạng rất lớn. Theo thống kê của Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Bộ Y tế), đến nay đã có 170.000 người trên toàn quốc đăng ký hiến mô, tạng. Tuy nhiên đến nay, cả nước chỉ có gần 150 người chết não hiến tạng. Rất nhiều người bệnh suy tạng mãn chờ đợi mỏi mòn đã không thể qua khỏi. Theo GS, TS Trần Bình Giang, từ năm 2010 đến nay, tại bệnh viện đã có 100 gia đình đồng ý hiến tạng của người thân mình bị chết não do bệnh tật hoặc tai nạn giao thông. Với 100 trường hợp này, đã có 50 ca ghép tim, 83 ca ghép gan, 157 ca ghép thận, 6 ca ghép phổi được thực hiện. Tuy nhiên, theo GS, TS Trần Bình Giang thì đây là con số quá ít so với số lượng người chết não xảy ra hằng ngày, hằng năm. Trong khi đó, rất nhiều bệnh nhân chờ hiến tạng nhưng không thể được và đã qua đời.
Không dễ thuyết phục gia đình người hiến tạng
Bác sĩ Phạm Thị Đào, Trưởng đơn vị tư vấn và điều phối ghép tạng (Trung tâm Ghép tạng-Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) chia sẻ: “Tôi có gần 13 năm rong ruổi khắp nơi để xin mô, tạng ghép cho bệnh nhân. Khi gia đình có bệnh nhân chết não, họ luôn trong tình trạng sốc vì người thân thường là lao động chính. Bên cạnh đó, họ cũng lo sợ nghĩa cử của mình sẽ bị đồn thổi thành buôn bán tạng. Nỗi lo lắng của gia đình các bệnh nhân là có thật, phải làm sao để họ vượt qua được nỗi sợ hãi đó, đồng ý hiến tạng cứu người. Mặt khác, không ít người cho rằng chi phí phẫu thuật ghép tạng rất cao, lên tới vài trăm triệu đồng. Số tiền này gia đình người hiến tạng được hưởng. Tuy nhiên, điều này không chính xác. Nên chúng tôi đã gặp nhiều khó khăn trong quá trình thuyết phục người thân, gia đình người hiến tạng”. Bác sĩ Phạm Thị Đào cho biết thêm, theo quy định, các gia đình có người thân hiến tạng chỉ được tặng kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân và một chút mai táng phí với trường hợp người thân chết não. Người sống hiến tạng được tặng bảo hiểm y tế và được ưu tiên nếu sau này có nhu cầu ghép tạng.
PGS, TS Nguyễn Quang Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Ghép tạng-Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chia sẻ, từng có bệnh nhân đã lên bàn mổ nhưng gia đình người hiến tạng thay đổi ý định, không đồng ý. Do đó, cuộc phẫu thuật phải dừng lại. “Một người hiến có thể ghép tối thiểu cho 5 bệnh nhân: Ghép tim, ghép phổi, ghép gan, ghép hai thận. Ngoài ra, các mô như gân, xương, da, dây thần kinh, tĩnh mạch, van tim và giác mạc cũng có thể hiến. Vì thế, một người chết não hiến tạng sẽ có nhiều cuộc sống mới được hồi sinh. Thiếu tạng ghép cũng là một cản trở lớn cho sự phát triển của ghép tạng ở Việt Nam. Thiếu tạng ghép còn nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp của xã hội như nạn mua bán tạng, bán người…”, PGS, TS Nguyễn Quang Nghĩa chia sẻ.
Trước thông tin việc ghép tạng chỉ dành cho các gia đình có điều kiện tốt về kinh tế, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho rằng rất nhiều trường hợp là người dân tộc, hộ chính sách từng được ghép tạng. Chi phí ghép tạng tốn kém do Bệnh viện vẫn phải tiếp tục nuôi các tạng trong điều kiện tối ưu, vật tư y tế đắt đỏ trong khi bảo hiểm y tế chỉ hỗ trợ một phần. “Tuy nhiên, so với các nước trên thế giới, chi phí ghép tạng tại nước ta vẫn rẻ hơn rất nhiều. Chi phí một ca ghép mô, tạng ở Việt Nam bằng 1/8 ở Thái Lan và bằng 1/24 ở Hoa Kỳ”, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thông tin.
Mặc dù đến thời điểm này, xã hội đã tiến bộ nên quan niệm hiến tạng cứu người có phần cởi mở hơn trước. Một phần truyền thông và hình ảnh những ca ghép tạng thành công phần nào tác động vào nhận thức của cộng đồng. Tuy vậy, theo các chuyên gia, việc kêu gọi hiến tạng và thay đổi tư duy của người dân là vô cùng khó, phải liên tục, kiên trì cho đến khi mọi người hiểu, ngấm dần thì nguồn hiến mới dồi dào, cơ hội cho người bệnh chờ được ghép tạng mới được nhiều hơn.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/y-te/cac-van-de/nang-cao-nhan-thuc-cua-xa-hoi-ve-hien-tang-724471