Nâng cao nhận thức trong công tác tổ chức thi hành pháp luật

Cho ý kiến về Báo cáo Tổng kết công tác của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Ủy ban Pháp luật Quốc hội, các đại biểu đánh giá cao công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra tại các Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội.

Thẩm tra Báo cáo Tổng kết công tác của Chính phủ, đa số thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khẳng định, nhiệm kỳ 2016 - 2021 tình hình trong nước và thế giới đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, thiên tai, dịch bệnh, hạn hán, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống, ngập lụt và đặc biệt là đại dịch Covid 19. Năm 2020, trong bối cảnh xảy ra đại dịch Covid 19 nhưng dưới sự lãnh đạo sát sao của Đảng, sự phối hợp chặt chẽ của Quốc hội, sự chủ động, quyết liệt và các giải pháp đúng đắn, kịp thời của Chính phủ, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, tình hình dịch bệnh đã cơ bản được khống chế, nước ta trở thành một trong số ít quốc gia trên thế giới duy trì được tăng trưởng dương, bảo đảm an sinh xã hội.

Góp ý vào các nội dung cụ thể của Báo cáo, đại biểu Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đề nghị Chính phủ đánh giá cụ thể hơn về cơ cấu, tổ chức của Chính phủ làm căn cứ, cơ sở để bố trí bộ máy Chính phủ nhiệm kỳ tới. Đại biểu cho biết, Điều 2, Luật Tổ chức Chính phủ mới chỉ quy định chung về cơ cấu tổ chức của Chính phủ, tuy nhiên, do yêu cầu nhiệm vụ của từng thời kỳ khác nhau nên cần đánh giá cơ cấu tổ chức của nhiệm kỳ 2016 - 2021 để đề xuất xây dựng mô hình tổ chức của Chính phủ trong nhiệm kỳ tới có hiệu quả và phù hợp với thực tiễn.

Toàn cảnh Phiên họp của Ủy ban Tư pháp Quốc hội

Đại biểu Bùi Văn Xuyền cũng cho biết, qua giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn; hoạt động hiệu lực, hiệu quả” cho thấy, nhiều ý kiến đề xuất cần thành lập thêm các bộ, như Bộ Thanh niên, Công tác quản lý phụ nữ, Biển đảo. Bên cạnh đó, hiện vẫn còn tình trạng trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ của bộ các bộ ngành như giữa Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước… Do vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ cần đi sâu nghiên cứu, phân tích, đánh giá thêm về cơ cấu tổ chức của Chính phủ, tổ chức theo cấp độ nào, mô hình như hiện nay đã thật sự phù hợp hay chưa?

Cũng tại Phiên họp, một số ý kiến đại biểu cho rằng quá trình sáp nhập, chia, tách đơn vị hành chính trong từng giai đoạn của đất nước ở một mức độ nhất định đã đạt được một số kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy sự phát triển về kinh tế - xã hội, nâng tỷ lệ đô thị hóa, hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước ngày càng được nâng cao, quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội và đời sống của người dân được bảo đảm. Tuy nhiên, Chính phủ cũng cần bổ sung vào Báo cáo trong đó đánh giá hiệu quả bước đầu của việc sáp nhập, chia, tách đơn vị hành chính trong cả nước, không nên cứng nhắc trong việc sắp xếp các đơn vị hành chính. Bên cạnh đó cũng cần đánh giá về hiệu quả của ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện Chính phủ điện tử để giảm thủ tục hành chính phiền hà cho người dân.

Về cải cách thể chế, đại biểu Bùi Văn Xuyền khẳng định, thời gian qua Chính phủ đã chủ động rà soát, tháo gỡ các “điểm nghẽn” thể chế, chủ động kiến thiết các cơ chế, chính sách, pháp luật, khơi thông, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, bảo đảm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Đại biểu bày tỏ đồng tình nhận định trong Báo cáo của Chính phủ về việc triển khai thực hiện thể chế ở các bộ, ngành, địa phương vẫn còn hạn chế; đề nghị trong Báo cáo của Chính phủ cần nêu rõ nguyên nhân, giải pháp nhất là các giải pháp nâng cao nhận thức triển khai thi hành pháp luật của các cấp chính quyền và người dân.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Tô Văn Tám, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum nhấn mạnh, nhằm hoàn thiện thể chế, khung pháp lý cho mọi hoạt động của đất nước, trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV, Chính phủ đã trình Quốc hội cho ý kiến thông qua 72 luật, bộ luật (gồm cả sửa đổi và ban hành mới). Với tư cách là chủ thể quan trọng trong việc trình các dự án luật, bộ luật, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trình và kiến nghị sửa đổi, bổ sung các luật, chất lượng các luật cơ bản đáp ứng yêu cầu thực tiễn cuộc sống. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng pháp luật, vẫn còn tình trạng không ổn định (xin rút ra khỏi chương trình xây dựng luật, bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết).

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nang-cao-nhan-thuc-trong-cong-tac-to-chuc-thi-hanh-phap-luat-post123570.html