Nâng cao nhận thức về bạo lực trên cơ sở giới và xâm hại tình dục cho phụ nữ, trẻ em nông thôn, miền núi
Là một tổ chức hoạt động vì mục tiêu phát triển cộng đồng, Tổ chức Tài chính vi mô (TCVM) Thanh Hóa đã có những hoạt động thiết thực nhằm tập huấn cho cán bộ tín dụng kiến thức, kỹ năng để tư vấn tới khách hàng các giải pháp trong trường hợp trở thành nạn nhận của xâm hại tình dục (XHTD) và bạo lực trên cơ sở giới (BLG), góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng trong lĩnh vực này.
TCVM Thanh Hóa tham gia hội thảo tập huấn về phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, xâm hại tình dục do Tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam tổ chức.
Trong những năm qua, cùng với sự phát triển mọi mặt của đời sống, xã hội ngày càng có sự quan tâm, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới. Tuy nhiên, các vấn đề liên quan đến BLG và XHTD phụ nữ, trẻ em phần lớn xảy ra với phụ nữ, trẻ em nghèo, thiếu kiến thức và có địa vị thấp trong gia đình, đặc biệt là ở nông thôn, miền núi... BLG, XHTD phụ nữ và trẻ em gây nên những hệ lụy nghiêm trọng cả về thể chất, tinh thần cho các nạn nhân, cản trở sự phát triển chung của xã hội.
Kết quả của nghiên cứu quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam do UNFPA hỗ trợ năm 2019 cho thấy gần 2/3 phụ nữ (62,9%), trong độ tuổi từ 15 đến 64 đã trải qua ít nhất một hình thức bạo lực bởi chồng hoặc bạn tình trong đời và 4% phụ nữ cho biết họ đã từng bị XHTD trước tuổi 15.
Theo điều tra các chỉ số SDGs về trẻ em và phụ nữ Việt Nam năm 2021 (do Tổng cục Thống kê và UNICEF), 72% trẻ em Việt Nam độ tuổi từ 1 đến 14 bị các hình thức xử phạt bạo lực do các thành viên trong gia đình. Bạo lực đối với trẻ em chưa có thống kê chính thức. Hằng năm, 2.000 trường hợp trẻ em được báo cáo bị lạm dụng, trong đó khoảng 75% là lạm dụng tình dục.
Hơn 25 năm hoạt động, Tổ chức TCVM Thanh Hóa luôn nêu cao sứ mệnh “vì sự phát triển cộng đồng”, vì sự tiến bộ phụ nữ. Cùng với đó, đối tượng khách hàng của Tổ chức TCVM Thanh Hóa chủ yếu là phụ nữ nghèo, thu nhập thấp (90% khách hàng là nữ). Họ thiếu kiến thức, kỹ năng, dễ bị tổn thương và thường phụ thuộc vào chồng, con hoặc ít có tiếng nói trong xã hội. Đội ngũ cán bộ của tổ chức phần lớn cũng là nữ, thường xuyên làm việc dưới địa bàn, đi lại nhiều, rủi ro, nguy cơ cao trở thành nạn nhân của XHTD. Trẻ em là con khách hàng vay vốn cũng sống trong hoàn cảnh tương tự như khách hàng nên cũng dễ bị tổn thương và bị bạo lực. Vì vậy, Tổ chức TCVM Thanh Hóa đã không ngừng nỗ lực trong việc thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với BLG, XHTD ở phụ nữ và trẻ em gái.
Những năm qua, Tổ chức TCVM Thanh Hóa hợp tác với Tổ chức CARE - một tổ chức nhân đạo quốc tế hoạt động với mục tiêu chống đói nghèo toàn cầu và cứu trợ khẩn cấp thực hiện các chương trình hành động nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, hỗ trợ các nạn nhân có liên quan đến BLG và XHTD.
Theo đó, đội ngũ cán bộ TCVM Thanh Hóa được tham gia các khóa đào tạo, tập huấn về các nội dung liên quan đến BLG, XHTD như: khái niệm BLG, XHTD là gì?; các hình thức BLG, XHTD; phân biệt định kiến giới - khuôn mẫu giới - bình đẳng giới; các quy định của pháp luật, nguyên nhân, hậu quả và cách thức để tiếp cận, tư vấn, hỗ trợ các nạn nhân... Từ các kiến thức được trang bị, đội ngũ cán bộ TCVM Thanh Hóa được thực hành, luyện tập kỹ năng, xây dựng cơ chế, quy trình tiếp nhận thông tin và cách thức hỗ trợ nạn nhân là khách hàng của tổ chức. Đặc biệt, TCVM Thanh Hóa đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền theo nhiều hình thức khác nhau như: Trực tiếp gặp gỡ, tư vấn; làm tờ rơi với nội dung về phòng chống BLG, XHTD.
Được sự hỗ trợ của Tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam, TCVM Thanh Hóa đã mở lớp đào tạo tập huấn cho đội ngũ cán bộ nữ TCVM Thanh Hóa và cán bộ hội LHPN 5 xã thuộc huyện Cẩm Thủy về phòng chống BLG, XHTD đối với phụ nữ, trẻ em. Trên cơ sở đó, cán bộ TCVM Thanh Hóa cập nhật kiến thức và phát tờ rơi về phòng chống BLG, XHTD, bình đẳng giới cho hơn 2.000 khách hàng tại địa bàn các huyện Cẩm Thủy, Ngọc Lặc thông qua các buổi thu, phát vốn. Các hoạt động này đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi tích cực từ khách hàng, chính quyền địa phương, các cấp hội phụ nữ.
Với những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm được tập huấn, đào tạo, đội ngũ cán bộ TCVM Thanh Hóa sẵn sàng tiếp nhận hỗ trợ đối với các nạn nhân cần sự giúp đỡ trong cộng đồng. Khi gặp tình trạng bị bạo lực trên cơ sở giới, các nạn nhân có thể liên hệ để chia sẻ và yêu cầu sự hỗ trợ từ cán bộ TCVM Thanh Hóa. Cán bộ TCVM Thanh Hóa sẽ tư vấn và kết nối các nạn nhân đến những địa chỉ tin cậy, đủ điều kiện hỗ trợ nơi ăn, chốn ở an toàn và được pháp luật bảo vệ.
Nạn nhân tại Thanh Hóa có thể trực tiếp gọi điện đến số hotline 18001744 của Ngôi nhà Ánh Dương. Đây là địa chỉ tin cậy luôn sẵn sàng tiếp nhận, hỗ trợ về y tế, tâm lý, pháp lý và nơi tạm lánh an toàn miễn phí cho các nạn nhân bị BLG, XHTD. Các nạn nhân ở Hà Nội có thể liên hệ số hotline 1900969680 của Ngôi nhà Bình Yên, hoạt động tương tự như Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa. Đối với các vấn đề bạo hành gia đình, XHTD liên quan đến trẻ em, nạn nhân có thể liên hệ số hotline 111. Đây là số của Tổng đài điện thoại quốc gia Bảo vệ trẻ em, tư vấn về bảo vệ, giáo dục và chăm sóc trẻ em, kết nối xử lý khẩn cấp các vấn đề liên quan đến quyền trẻ em.
Song song việc cung cấp các dịch vụ tài chính “thân thiện - hiệu quả”, Tổ chức TCVM Thanh Hóa có những đóng góp thiết thực, hiệu quả cho hoạt động an sinh xã hội, phòng chống BLG và XHTD ở phụ nữ, trẻ em, nhất là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa... Đây là tín hiệu tích cực cho thấy vấn đề bình đẳng giới, phòng, chống BLG, XHTD phụ nữ, trẻ em ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm, chung tay của toàn xã hội.