Nâng cao tầm vóc, chất lượng đàn gia súc
Với mục tiêu cải thiện tầm vóc, chất lượng cho đàn gia súc theo hướng lai các giống mới, huyện Mai Sơn đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, áp dụng phương pháp sinh sản nhân tạo trong chăn nuôi, thúc đẩy phát triển chăn nuôi hiệu quả, bền vững.
Cách đây hơn 20 năm, Trung tâm Khuyến nông huyện Mai Sơn (nay là Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện) đã triển khai dự án nuôi lợn giống ngoại, bằng hình thức Nhà nước hỗ trợ, hộ chăn nuôi tham gia đối ứng. Dự án được triển khai tại 16 hộ thuộc thị trấn Hát Lót và xã Cò Nòi, với tổng số tiền gần 170 triệu đồng. Dự án đã hỗ trợ 66 con giống nhập ngoại giao cho các hộ, cán bộ khuyến nông đồng hành, tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, phương pháp sinh sản nhân tạo từ lợn giống nhập ngoại nhằm cải thiện tầm vóc, năng suất, chất lượng lợn giống địa phương. Hiệu quả từ mô hình được nhân rộng trong toàn huyện.
Là một trong 16 hộ tham gia nuôi lợn giống nhập ngoại đầu tiên tại huyện, ông Phạm Ánh Hồng, tiểu khu 17, thị trấn Hát Lót hiện đã mở rộng quy mô chăn nuôi khoảng 200 con/năm. Ông Hồng cho biết: So với lợn giống địa phương, giống lợn lai có sức đề kháng tốt, sau 6 tháng chăm sóc đã cho xuất chuồng trọng lượng từ 1,3-1,6 tạ/con, cao hơn 50-60kg/con so với lợn giống địa phương xuất chuồng. Hiện, gia đình tôi đã áp dụng mô hình chăn nuôi khép kín, làm chuồng trại riêng biệt, lắp đặt hệ thống camera giám sát, máng ăn và nước uống tự động và xử lý chất thải chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường, xuất bán khoảng 26 tấn lợn hơi/năm, tổng doanh thu trên 1 tỷ đồng.
Thực hiện cải tạo giống đại gia súc theo chương trình của Khuyến nông tỉnh, các dự án nước ngoài, tại các xã ở huyện Mai Sơn đều có ít nhất 1 dẫn tinh viên được đào tạo, tập huấn và cấp chứng chỉ hoạt động. Có nhiều dẫn tinh viên đã đầu tư các thiết bị cần thiết để phục vụ thụ tinh nhân tạo cho gia súc bằng hình thức xã hội hóa.
Sau gần 15 năm, được Khuyến nông tỉnh đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề dẫn tinh viên, bà Nguyễn Thị Thơ là một trong số ít cán bộ thú y vẫn duy trì hành nghề dẫn tinh viên ở thị trấn Hát Lót và huyện Mai Sơn. Bà Thơ chia sẻ: 3 năm trở lại đây, dù không còn các dự án hỗ trợ cải tạo giống bò địa phương bằng các nguồn ngân sách Nhà nước, tôi đã đầu tư khoảng 50 triệu đồng, mua mới: Bình nitơ chứa tinh, khí nitơ bảo quản, súng dẫn tinh, găng tay và một số dụng cụ cơ bản để hành nghề. Tôi chủ yếu phục vụ bà con địa phương và các xã lân cận như: xã Hát Lót, Mường Bon, Cò Nòi, Nà Bó, Chiềng Kheo... và một số hộ vùng sâu, vùng xa có nhu cầu.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Mai Sơn đang triển khai Dự án “Can thiệp dựa vào chăn nuôi hướng tới sinh kế bình đẳng và cải thiện môi trường ở vùng cao Tây Bắc Việt Nam”, gọi tắt là Dự án Li Chăn do Nhóm tư vấn về nghiên cứu nông nghiệp quốc tế (CGIAR) tài trợ, Viện Nghiên cứu chăn nuôi quốc tế (ILRI) và Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới quốc tế (CIAT) phối hợp với Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản triển khai trên địa bàn xã Chiềng Chung và Chiềng Lương. Sau 2 năm triển khai, những con bê giống lai đã ra đời, khẳng định hiệu quả của Dự án. Ông Lò Văn Quân, bản Khoa, xã Chiềng Chung, bày tỏ: Tháng 9 vừa qua, con bê lai giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo đầu tiên từ Dự án Li-chăn hỗ trợ đã chính thức ra đời. Bê lai giống bò Brahman có nhiều ưu việt, với tầm vóc lớn hơn, thể trạng tốt và phát triển tốt.
Toàn huyện Mai Sơn hiện có khoảng 130 trang trại chăn nuôi lợn theo hướng hàng hóa tập trung tại xã Cò Nòi, Hát Lót, Chiềng Mung, Mường Bon, Mường Bằng và thị trấn Hát Lót, với tổng đàn lợn trên 2 tháng tuổi hơn 125.000 con và khoảng trên 42.000 con trâu, bò. Ông Phạm Hân Hạnh, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, cho biết: Hằng năm, Trung tâm đều tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật thụ tinh nhân tạo ở đàn gia súc cho các hộ chăn nuôi; lồng ghép tuyên truyền về một số loại giống trâu, bò lai hiệu quả như, bò lai Shin, bò zebu, bò Brahman, trâu Murrah... nhằm khắc phục tình trạng thiếu trâu, bò đực giống và suy thoái đàn trâu, bò do cận huyết. Đến nay, 100% các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện thông thạo kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho lợn, chăn nuôi lợn giống nhập ngoại thay thế các giống lợn địa phương. Giống đại gia súc không ngừng được cải thiện chất lượng, năng suất, hiệu quả kinh tế cao.
Đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật để cải thiện tầm vóc, thể trạng của đàn gia súc đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế của ngành chăn nuôi trên địa bàn huyện Mai Sơn.
Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/nang-cao-tam-voc-chat-luong-dan-gia-suc-46508