Nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước trong chuyển đổi số
Trong chuyển đổi số quốc gia, các doanh nghiệp nhà nước cần nhận lấy sứ mệnh, gắn với sứ mệnh quốc gia để chủ động đưa ra lời giải cho các 'bài toán' xã hội, nhu cầu xã hội, cũng chính là nhu cầu tự thân của doanh nghiệp.
Sáng 19/10, tại Hà Nội, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức Hội nghị thông báo nhanh kết quả Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII; học tập, quán triệt, triển khai Nghị quyết số 2-NQ/ĐUK của Đảng ủy Khối về chuyển đổi số; bồi dưỡng, cập nhật kiến thức theo Quy định số 164-QĐ/TW của Bộ Chính trị.
Thông tin nhanh kết quả Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII, đồng chí Nguyễn Long Hải, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối đề nghị các cấp ủy trực thuộc tiếp tục nghiên cứu, quán triệt các chỉ đạo của Trung ương về tình hình kinh tế - xã hội năm 2021 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2022 - 2024; chủ trương lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7, khóa XII; kết quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 và quan điểm, chủ trương về phòng, chống dịch trong tình hình mới; tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; sửa đổi, bổ sung quy định về những điều đảng viên không được làm; và một số vấn đề quan trọng khác.
Về Nghị quyết số 2-NQ/ĐUK của Ban Chấp hành Đảng bộ Khối về “Thực hiện chuyển đổi số tại các doanh nghiệp, đơn vị trong Khối Doanh nghiệp Trung ương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Bí thư Đảng ủy Khối Nguyễn Long Hải nêu rõ, chuyển đổi số đã trở thành xu hướng tất yếu với các quốc gia, doanh nghiệp trên toàn cầu và có tác động quan trọng đến tăng trưởng GDP quốc gia, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.
Tại nước ta, trong giai đoạn 2021 - 2030, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế là 1 trong 6 nhiệm vụ trọng tâm của đất nước, được xác định trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Các tập đoàn, tổng ty, ngân hàng trong Khối là các doanh nghiệp nhà nước lớn có năng lực và trách nhiệm đi đầu trong thực hiện chuyển đổi số, vừa bảo đảm vai trò dẫn dắt và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, vừa góp phần lan tỏa, thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia.
Truyền đạt chuyên đề “Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng khái quát những điểm căn bản, cốt lõi về chuyển đổi số quốc gia.
Theo đó, chuyển đổi số là sự chuyển đổi toàn bộ hoạt động từ môi trường thực lên môi trường số, thông qua những ứng dụng, phần mền, nền tảng số, tạo đột phá. Chuyển đổi số làm thay đổi thói quen, chính vì thế, cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư không chỉ là cách mạng về công nghệ, thật ra còn là cách mạng về thể chế và chính sách.
Về chuyển đổi số quốc gia, Việt Nam đã sớm nhìn nhận được cơ hội, và chuyển hóa thành văn bản chỉ đạo của Đảng, chiến lược, chương trình, chính sách của Chính phủ. Chương trình chuyển đổi số quốc gia có 3 hoạt động chính: ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của hệ thống các cơ quan nhà nước; phát triển kinh tế số; phát triển xã hội số.
Đồng chí cho rằng, trong chuyển đổi số quốc gia, các doanh nghiệp nhà nước cần nhận lấy sứ mệnh, gắn với sứ mệnh quốc gia để chủ động đưa ra lời giải cho các “bài toán” xã hội, nhu cầu xã hội, cũng chính là nhu cầu tự thân của doanh nghiệp.
Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông trao đổi, giải đáp chung quanh chủ đề “Chuyển đổi số quốc gia - Những vấn đề đặt ra đối với doanh nghiệp nhà nước”.
Trả lời câu hỏi về cơ chế, chính sách của Nhà nước trong hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số, đồng chí cho rằng, chính sách là yếu tố quan trọng, nhưng dựa vào chính sách sẽ làm cho “bài toán” chuyển đổi số trở nên dễ hơn, khi đối mặt với việc dễ sẽ khó tạo đột phá.
Đối với các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn, xu thế là buộc phải thay đổi, với nền tảng con người, nguồn lực sẵn có, nếu chờ để đến lúc bắt buộc phải chuyển đổi mới thực hiện, sẽ là quá muộn. Bên cạnh những doanh nghiệp trong Khối vốn có thế mạnh về công nghệ để thực hiện số hóa, có những doanh nghiệp bắt đầu từ con số 0. Nhưng trên thực tế, có những doanh nghiệp chuyển đổi mạnh mẽ từ “con số 0”, do đó, trong chuyển đổi số nên chuyển đổi tư duy để bứt phá bằng sự vươn lên mạnh mẽ với khát vọng lớn lao.