Nâng cao trách nhiệm của người có ảnh hưởng trong quảng cáo
Trong bối cảnh mạng xã hội trở thành kênh quảng cáo chủ đạo, vai trò của những người có ảnh hưởng (KOL) ngày càng nổi bật, nhưng cũng đặt ra thách thức lớn khi quảng cáo sai sự thật gây thiệt hại nghiêm trọng cho người tiêu dùng. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đã đề xuất quy định mới về quyền và nghĩa vụ của KOL, song các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh rằng khung pháp lý cần được hoàn thiện để đảm bảo tính khả thi, minh bạch, đồng thời bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên gọp
Thách thức trong quản lý KOL quảng cáo
Sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội như YouTube, TikTok, và Facebook đã mở ra cơ hội lớn cho hoạt động quảng cáo, trong đó KOL – bao gồm nghệ sĩ, người nổi tiếng, và nhà sáng tạo nội dung – đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng dư luận và ảnh hưởng đến quyết định mua sắm của công chúng.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều KOL đã lợi dụng uy tín cá nhân để quảng bá sản phẩm không đúng chất lượng, từ thực phẩm chức năng, mỹ phẩm đến hàng tiêu dùng, gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế, sức khỏe và niềm tin của người tiêu dùng. Những vụ việc như sữa giả hay thực phẩm chức năng kém chất lượng gần đây là minh chứng rõ nét cho những lỗ hổng trong quản lý hoạt động quảng cáo của KOL.
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc từ đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu nhấn mạnh, cần tăng mức xử phạt hành chính đối với các KOL vi phạm để đảm bảo tính răn đe, đồng thời bổ sung các quy định về đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm pháp lý. Bà cho rằng, những người có ảnh hưởng, với sức lan tỏa lớn trong xã hội phải chịu trách nhiệm cao hơn để tránh lạm dụng uy tín cá nhân trong việc quảng cáo sai sự thật. Điều này không chỉ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà còn góp phần xây dựng một môi trường quảng cáo lành mạnh, bình đẳng, đặc biệt trong bối cảnh quảng cáo số đang phát triển với tốc độ chóng mặt.
Tương tự, đại biểu Chu Thị Hồng Thái từ đoàn Lạng Sơn bày tỏ lo ngại về tính khả thi của quy định yêu cầu KOL xác minh độ tin cậy của người quảng cáo, như được nêu tại điểm a khoản 3 Điều 15a của dự thảo luật. Bà cho rằng yêu cầu này dễ gây lúng túng trong thực tiễn, bởi thông tin thường do doanh nghiệp cung cấp và KOL khó có khả năng đánh giá tính hợp pháp hay an toàn của sản phẩm. Bà đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần ban hành hướng dẫn chi tiết về quy trình xác minh, đồng thời thiết lập đầu mối hỗ trợ trực tuyến để KOL có thể thực hiện nghĩa vụ một cách hiệu quả. Bà cũng nhấn mạnh rằng cần quy định rõ ngưỡng xác định “người có ảnh hưởng” dựa trên số lượng người theo dõi hoặc mức độ tương tác để tránh áp dụng tùy tiện.
Đại biểu Trần Khánh Thu từ đoàn Thái Bình bổ sung thêm, cần quy định trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại đối với KOL nếu quảng cáo sai sự thật. Bà viện dẫn kinh nghiệm từ Hoa Kỳ, nơi Ủy ban Thương mại Liên bang yêu cầu người nổi tiếng công khai mối quan hệ tài chính với thương hiệu, và Hàn Quốc, nơi áp dụng mức phạt lên đến 2% doanh thu quảng cáo hoặc 500 triệu won (khoảng 8,7 tỷ đồng) đối với quảng cáo trá hình. Bà cũng đề cập đến quy định tại Hàn Quốc cấm nghệ sĩ làm gương mặt đại diện cho các hãng rượu để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến giới trẻ. Theo bà, những quy định này không chỉ bảo vệ người tiêu dùng mà còn nâng cao ý thức trách nhiệm của KOL, tránh ảnh hưởng đến uy tín cá nhân và niềm tin của công chúng.
Giải pháp hoàn thiện khung pháp lý
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đã có bước tiến quan trọng khi bổ sung Điều 15a, quy định về quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, bao gồm cả KOL. Tuy nhiên, để khung pháp lý này thực sự phát huy hiệu quả trong bối cảnh quảng cáo số phát triển mạnh mẽ, các đại biểu Quốc hội đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm tăng tính khả thi, minh bạch và gắn kết trách nhiệm pháp lý với trách nhiệm xã hội.
Đại biểu Trịnh Xuân An từ đoàn Đồng Nai cho rằng, cần siết chặt điều kiện đối với KOL, chỉ cho phép những người có trình độ chuyên môn hoặc liên quan trực tiếp đến sản phẩm được tham gia quảng cáo. Ông cho rằng, việc cho phép những người thiếu kiến thức chuyên môn, như hoa hậu, diễn viên hay người tạo scandal để gây chú ý, quảng bá sản phẩm chỉ dựa trên hình ảnh cá nhân dễ dẫn đến quảng cáo sai lệch, gây hậu quả nghiêm trọng. Theo ông, quy định này sẽ giúp hạn chế tình trạng quảng cáo tràn lan, đồng thời nâng cao chất lượng thông tin truyền tải đến công chúng. Ông cũng đề xuất làm rõ khái niệm “người có ảnh hưởng” trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Nghị định 55/2024, để đảm bảo áp dụng thống nhất và tránh lạm dụng.
Đại biểu Hà Phước Thắng từ đoàn TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, cần điều chỉnh khái niệm “người quảng cáo” tại Điều 2 của Luật Quảng cáo để bao quát cả các trường hợp trung gian hoặc hưởng lợi từ hoạt động quảng cáo. Ông cho rằng, việc làm rõ trách nhiệm pháp lý của các bên liên quan, bao gồm cả KOL, sẽ giúp cơ quan quản lý dễ dàng xác định đối tượng chịu trách nhiệm khi xảy ra vi phạm, tránh tình trạng không bên nào nhận trách nhiệm. Ông cũng đề xuất bổ sung quy định tại Điều 12 về quyền và nghĩa vụ của người quảng cáo, làm rõ trách nhiệm của các chủ thể trong các hình thức quảng cáo khác nhau, đặc biệt là quảng cáo trực tuyến.
Đại biểu Phạm Văn Hòa từ đoàn Đồng Tháp thì nhấn mạnh vai trò của các chủ thể quảng cáo, như báo chí và truyền hình, trong việc kiểm duyệt nội dung trước khi phát hành. Ông cho rằng, cần quy định rõ trách nhiệm của các đơn vị này trong việc đảm bảo nội dung quảng cáo, đặc biệt liên quan đến KOL, không phản cảm, không sai lệch. Ông cũng đề xuất cần có quy trình kiểm soát nội dung quảng cáo chặt chẽ hơn, tương tự như quy trình duyệt bài của báo in thông qua Tổng biên tập, để đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm của các bên liên quan.
Những giải pháp trên cho thấy sự đồng thuận của các đại biểu trong việc xây dựng một khung pháp lý chặt chẽ nhưng khả thi cho trách nhiệm của KOL. Việc xác định ngưỡng “người có ảnh hưởng” dựa trên số lượng người theo dõi hoặc mức độ tương tác, công khai hợp đồng quảng cáo, và cung cấp kênh thông tin pháp lý đáng tin cậy là những hướng đi được đề xuất để tăng tính minh bạch. Đồng thời, việc học hỏi kinh nghiệm quốc tế, như yêu cầu tiết lộ mối quan hệ tài chính hay áp dụng mức phạt nặng, cũng được các đại biểu nhấn mạnh để nâng cao hiệu quả quản lý.