Nâng cao uy tín ngành sản xuất, chế biến, xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam
Chiều 23-12, tại Hà Nội, Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) và Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã tổ chức Hội nghị tổng kết Dự án 'Hỗ trợ quá trình VPA tại Việt Nam: Hướng đến các chuỗi cung ứng gỗ hợp pháp giữa các quốc gia tham gia Hiệp định VPA'.
Dự án "Hỗ trợ thực hiện VPA/FLEGT tại Việt Nam" do Vương quốc Anh tài trợ thông qua Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức quản lý, Tổng cục Lâm nghiệp là chủ dự án, Cục Kiểm lâm là đầu mối thực hiện các hoạt động.
Với mục tiêu trở thành một trong những trung tâm chế biến và xuất khẩu gỗ hàng đầu thế giới, Việt Nam đang nỗ lực để tất cả các nguồn gỗ tham gia vào chuỗi cung phải bảo đảm tính hợp pháp về nguồn gốc; qua đó nâng cao uy tín, thương hiệu ngành chế biến gỗ của Việt Nam trên thị trường thế giới và làm nền tảng cho phát triển lâm nghiệp bền vững tại Việt Nam.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Hữu Thiện, Cục trưởng Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp), Phó giám đốc dự án cho hay: Dự án được triển khai thực hiện từ tháng 1-2019 đến 31-12-2022 đã có những đóng góp trong việc thúc đẩy quá trình thực hiện Hiệp định VPA/FLEGT tại Việt Nam, thông qua việc cải thiện khung chính sách và tăng cường năng lực cho các cơ quan, tổ chức và cá nhân.
Dự án đã đồng hành và góp phần hỗ trợ Tổng cục Lâm nghiệp triển khai thực hiện Nghị định 102 (VNTLAS), Hiệp định VPA/FLEGT một cách hiệu quả, qua đó nâng cao uy tín ngành sản xuất, chế biến, xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam, nâng cao vị thế của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết bảo vệ môi trường, chống buôn bán gỗ bất hợp pháp. Góp phần mở rộng thị trường xuất khẩu đồ gỗ sang EU và các thị trường ngoài EU như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc...
Thực hiện mục tiêu nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam năm 2021 đạt 14,7 tỷ USD; 11 tháng đầu năm 2022 đạt khoảng 15,57 tỷ USD.
Dự án đã hỗ trợ xây dựng các bộ tài liệu đào tạo, tập huấn, truyền thông về Hiệp định VPA/FLEGT và tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn, phổ biến và nâng cao năng lực cho cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp nhập khẩu gỗ, sử dụng gỗ nhập khẩu, vận động doanh nghiệp, người dân không sử dụng và kinh doanh gỗ bất hợp pháp, có ý thức và trách nhiệm bảo vệ đa dạng sinh học rừng, bảo vệ môi trường, phù hợp với cam kết của Hiệp định.