Nâng cao vai trò của các tổ chức hội

Trên địa bàn tỉnh hiện có 121 tổ chức hội. Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, định hướng làm cơ sở cho công tác quản lý Nhà nước đối với tổ chức hội quần chúng, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức hội hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích. Các cấp hội từ tỉnh đến cơ sở đã phát huy vai trò, chức năng tập hợp, đoàn kết bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên; đóng góp tích cực trong các lĩnh vực công tác xã hội, nhân đạo, từ thiện, giúp nhau trong đời sống, sản xuất, phát triển ngành nghề, giáo dục truyền thống, khuyến học, khuyến tài, xây dựng đời sống văn hóa.

Người dân xã Nậm Ét (Quỳnh Nhai) nhận nhu yếu phẩm của Hội Chữ thập đỏ tỉnh tại Chợ nhân đạo (ảnh chụp trước 27/4).

Người dân xã Nậm Ét (Quỳnh Nhai) nhận nhu yếu phẩm của Hội Chữ thập đỏ tỉnh tại Chợ nhân đạo (ảnh chụp trước 27/4).

Là một trong những hội hoạt động hiệu quả, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã phát huy tốt vai trò cầu nối trong các hoạt động nhân đạo, từ thiện, giúp đỡ những người nghèo, người dễ bị tổn thương. Ông Đào Văn Quang, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, cho biết: Nhiều phong trào, cuộc vận động của Hội đã trở thành phong trào của toàn dân, có sức lan tỏa sâu rộng. Nổi bật như: Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, từ năm 2010 đến nay, các cấp Hội đã hỗ trợ tiền, quà cho gần 152 nghìn lượt người đón tết vui tươi, đầm ấm với tổng trị giá trên 48 tỷ đồng; Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, đã vận động trợ giúp thường xuyên, tặng quà, làm nhà, dạy nghề miễn phí, trao học bổng, hỗ trợ vốn phát triển sản xuất cho 6.940 đối tượng với tổng số tiền hơn 20 tỷ đồng. Hội Chữ thập đỏ tỉnh còn chỉ đạo các cấp hội xây dựng các mô hình, như: Mở gian hàng hội chợ nhân đạo ở các xã vùng sâu, vùng xa, xã biên giới; xây dựng các điểm trường, nhà ăn bán trú cho các cháu học sinh các trường vùng sâu, vùng xa... góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội tại địa phương.

Cùng với các hội có tính chất đặc thù, các hội xã hội - nghề nghiệp, như: Hội Kiến trúc sư, Hiệp hội Doanh nghiệp, Hiệp hội Du lịch, Hội Cựu giáo chức... cũng đã tập hợp đông đảo thành viên, hội viên hoạt động theo nghề nghiệp; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, đạo đức nghề nghiệp của hội viên; đưa tiến bộ khoa học và kỹ thuật vào cuộc sống; chuyển đổi cơ cấu sản xuất, xóa đói giảm nghèo; thúc đẩy hoạt động phát triển đô thị; đề xuất và tư vấn, giám sát, phản biện chính sách, luật pháp liên quan đến lĩnh vực hoạt động của hội... góp phần quản lý và phát triển xã hội.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của các hội vẫn còn gặp một số khó khăn, hạn chế, như: Việc sắp xếp, sáp nhập hợp nhất một số tổ chức hội còn chưa triển khai được do chưa có hướng dẫn thống nhất, cụ thể của Trung ương; một số tổ chức hội chưa thực hiện đúng nguyên tắc “tự nguyện, tự quản, tự chủ kinh phí”, còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước; chưa huy động hiệu quả nguồn lực từ hội viên, từ xã hội, hiệu quả hoạt động chưa cao, tạo gánh nặng ngân sách.

Để kịp thời khắc phục hạn chế, nâng cao chất lượng các tổ chức hội trên địa bàn, thời gian tới, tỉnh ta xác định tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các hội; tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung các quyết định đã ban hành trước đây về công tác hội, bảo đảm phù hợp với tình hình mới; đề xuất các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, có hướng dẫn và quy định rõ hơn về cơ chế tài chính của hội theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự chủ kinh phí và kinh phí gắn với các nhiệm vụ được Nhà nước giao hoặc đặt hàng, từ đó làm minh bạch các hoạt động tài chính của hội; kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật đối với các hội hoạt động không đúng tôn chỉ mục đích, điều lệ hội, có biểu hiện vi phạm pháp luật. Các hội cần làm tốt công tác phát triển hội viên theo hướng đa dạng, tự nguyện, gắn bó với ngành nghề, sở thích; kiện toàn tổ chức bộ máy, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.

Mặc dù tính chất công việc, tổ chức hoạt động tuy có khác nhau, nhưng các hội đều có chung một mục đích, tôn chỉ, đó là tập hợp, phản ánh yêu cầu, nguyện vọng cũng như bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên; tham gia xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước, góp phần tích cực cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Thanh Huyền

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/nang-cao-vai-tro-cua-cac-to-chuc-hoi-40161