Nâng cao vai trò của hợp tác xã trong việc hỗ trợ đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

Hiện nay, việc đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn đang là xu thế tất yếu trong xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững. Cùng với đó, một số hợp tác xã nông nghiệp trong tỉnh đã tăng cường ứng dụng công nghệ mới, sản xuất đa dạng các loại hàng hóa nông sản, đáp ứng nhu cầu thị trường về số lượng và chất lượng. Qua đó, hợp tác xã không chỉ làm tốt vai trò 'bà đỡ' cho nông dân trong liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản, mà còn tạo sự cộng hưởng, thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị hàng hóa, nông sản chủ lực của địa phương. Tuy nhiên, việc hỗ trợ đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn của nhiều hợp tác xã trong tỉnh còn mờ nhạt, cần tập trung đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới.

 Thu hoạch cà phê ở Hướng Hóa - Ảnh: Đ.T

Thu hoạch cà phê ở Hướng Hóa - Ảnh: Đ.T

Vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 171/KH-UBND về việc hỗ trợ đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn tỉnh Quảng Trị; công văn số 5739/UBND-TM của UBND tỉnh về việc triển khai kế hoạch hỗ trợ đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn. Điều đó cho thấy, việc hỗ trợ đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn đang là đòi hỏi rất cấp bách nhằm kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường, nâng tầm giá trị nông sản Việt qua nền tảng thương mại số. Tỉnh đang phấn đấu có ít nhất 70% số cơ sở sản xuất, kinh doanh trong tỉnh biết đến sàn thương mại điện tử.

Nhìn vào kết quả xây dựng hợp tác xã (HTX) kiểu mới gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho thấy, toàn tỉnh hiện có 291 HTX nông nghiệp và 1 liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động theo Luật HTX năm 2012, chủ yếu là loại hình HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp 223 HTX, chiếm 77%; 58 HTX trồng trọt, chiếm 20%; 6 HTX chăn nuôi, chiếm 2,1%; còn lại các HTX lâm nghiệp, thủy sản chiếm tỉ lệ thấp. Tổng số thành viên các HTX nông nghiệp 71.549 thành viên. Doanh thu bình quân 1,2 tỉ đồng/HTX, lợi nhuận bình quân 120 triệu đồng/năm/HTX. Kết quả phân loại HTX cho thấy, có 22% loại tốt, 36% loại khá, 40% loại trung bình, 2% loại yếu. Có 19% HTX có tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp. Qua 3 năm triển khai thực hiện xây dựng HTX kiểu mới trên địa bàn tỉnh, đến nay toàn tỉnh đã có 51 HTX đạt tiêu chí kiểu mới. Số HTX ứng dụng công nghệ cao tính đến hết năm 2020 khoảng 5% (16 HTX).

Trong đó, số lượng HTX áp dụng công nghệ trong canh tác, nuôi trồng, bảo quản 8 HTX; công nghệ tự động hóa 7 HTX, công nghệ tin học trong quản lý và kinh doanh là 1 HTX. Về HTX tham gia sản phẩm OCOP, đến nay toàn tỉnh có 53 sản phẩm OCOP của tỉnh giai đoạn 2019- 2020, có 7 sản phẩm OCOP được công nhận cho chủ thể là HTX nông nghiệp từ 3 sao đến 4 sao (chiếm 13% sản phẩm OCOP toàn tỉnh), trong đó có 2 sản phẩm của HTX nông nghiệp đạt 4 sao (chiếm tỉ lệ 28% tổng số sản phẩm đạt 4 sao của tỉnh). Năm 2021, dự kiến có thêm 4 HTX có đạt phẩm OCOP, nâng số HTX có sản phẩm OCOP lên 11 HTX.

Thực trạng của các HTX nông nghiệp như đã nêu ở trên cho thấy sẽ có nhiều “rào cản” khi góp phần đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, phát triển kinh tế số nông nghiệp. Trước hết, qua kết quả phân loại chỉ có 22% HTX đạt loại tốt và chỉ có 19% HTX có tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp. Tuy nhiên tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp của 19% HTX này vẫn mang nặng phương thức truyền thông do toàn tỉnh chỉ có 1 HTX áp dụng tốt công nghệ tin học trong quản lý và kinh doanh.

Tiềm lực kinh tế của HTX còn yếu cũng là một thách thức khi tham gia nền tảng thương mại số. Theo đánh giá, tổng giá trị tài sản các HTX chưa đến 500 tỉ đồng, trong đó tài sản lưu động 155 tỉ đồng, tài sản cố định 325 tỉ đồng. Quy mô nguồn vốn hoạt động của các HTX còn nhỏ, hầu hết là quy mô dưới 1 tỉ đồng chiếm hơn 50% (đối với 60 HTX đăng ký xây dựng kiểu mới giai đoạn 2018- 2020). Khả năng huy động vốn của các thành viên rất hạn chế, khó vay vốn từ các ngân hàng thương mại nên việc tăng vốn hoạt động hằng năm đạt tỉ lệ còn thấp, hầu hết là dưới 20%, thậm chí có hợp tác xã còn giảm vốn điều lệ. Chỉ khoảng 4% HTX nông nghiệp được tiếp cận vốn tín dụng và 7% HTX nông nghiệp đang vay vốn từ Quỹ hỗ trợ HTX.

Các HTX còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong xây dựng HTX theo đúng tính chất kiểu mới. Đa số các HTX có ít nguồn vốn để hoạt động, trang thiết bị lạc hậu, quy mô sản xuất nhỏ, chưa xây dựng được chuỗi liên kết, sức cạnh tranh kém. Bên cạnh đó, trình độ cán bộ HTX còn hạn chế, chưa thực sự năng động trong cơ chế thị trường. Có gần 58% số HTX (34/60 HTX) chưa đảm bảo năng lực cơ bản để xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, kỹ năng tìm kiếm thông tin, liên kết với các bên liên quan và năng lực quản trị, điều hành. Số lượng doanh nghiệp tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với HTX trên địa bàn tỉnh còn ít; sự tham gia của các HTX trong các chuỗi giá trị của các ngành hàng chủ lực còn thấp. Đây là khoảng trống rất lớn để các HTX tăng khả năng hiện diện trong việc hỗ trợ thành viên giải quyết đầu ra và nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích.

Đáng chú ý là sự tham gia của các HTX trong các chuỗi giá trị rất ít, hơn 50% HTX chưa xác định được ngành hàng ưu tiên trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Chỉ có khoảng 15 - 20% HTX có tham gia một phần cung ứng dịch vụ đầu ra. Trong công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường còn gặp nhiều hạn chế, khó khăn, một số sản phẩm có sản lượng lớn như tôm, gia súc, gia cầm, ném, rau củ quả... chủ yếu xuất bán sản phẩm thô, chưa qua chế biến. Nhiều DN, HTX, cơ sở sản xuất chưa chú trọng việc xây dựng và duy trì các loại chứng nhận tiêu chuẩn, chất lượng. Hầu hết các HTX chỉ tập trung thực hiện các dịch vụ đầu vào (dịch vụ phục vụ và dịch vụ thương mại); quy mô cung cấp dịch vụ còn nhỏ, chủ yếu quy mô đội, thôn; số lượng thành viên sử dụng dịch vụ HTX còn thấp; nhiều HTX theo xu hướng phục vụ thay vì cung cấp dịch vụ. Hầu hết HTX chưa phát triển các dịch vụ tạo giá trị gia tăng trong khâu sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông sản.

Để HTX nông nghiệp trong tỉnh tham gia ngày càng nhiều hơn vào việc hỗ trợ đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn của tỉnh, cần tiếp tục tổ chức bồi dưỡng tập huấn cho cán bộ chủ chốt HTX để nâng cao trình độ quản lý, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX, về thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Tiếp tục nghiên cứu hỗ trợ thí điểm cán bộ trẻ có trình độ đại học về làm việc tại HTX của các địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa để hỗ trợ các HTX, nhất là trong khâu tham gia sàn thương mại điện tử. Tạo điều kiện để các HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác và các cá nhân tham gia xúc tiến thương mại, tham gia hội thảo, hội chợ giới thiệu sản phẩm hàng hóa tiêu biểu ra thị trường; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, xây dựng và triển khai sàn giao dịch thương mại điện tử với nguồn kinh phí hợp lý.

Tỉnh và ngành nông nghiệp cần ưu tiên dành một nguồn kinh phí hằng năm để thúc đẩy các nội dung hỗ trợ phát triển HTX, đặc biệt là hỗ trợ hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, hiện đại gắn với đào tạo về công nghệ thông tin cho cán bộ chủ chốt các HTX nông nghiệp. Tổ chức đào tạo, hướng dẫn kỹ năng số, kỹ năng tham gia hoạt động trên môi trường số; cách thức đăng ký tài khoản thanh toán, tài khoản mở gian hàng trên sàn thương mại điện tử và hoạt động tác nghiệp trên sàn thương mại điện tử…

Đan Tâm

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=163498&title=nang-cao-vai-tro-cua-hop-tac-xa-trong-viec-ho-tro-dua-nong-san-len-san-thuong-mai-dien-tu