Nâng cao vị thế Công đoàn, lan tỏa tiếng nói công nhân

Xác định rõ vai trò của công tác truyền thông trong việc nâng cao vị thế của tổ chức Công đoàn, lan tỏa tiếng nói của công nhân, viên chức, lao động các cấp Công đoàn Thủ đô đã và đang chú trọng đẩy mạnh công tác truyền thông Công đoàn.

Phát huy vai trò tiên phong

Với vai trò là cơ quan ngôn luận của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội, tiếng nói của tổ chức Công đoàn và công nhân, viên chức, lao động, trong suốt quá trình phát triển, Báo Lao động Thủ đô luôn đồng hành, đóng góp vào hoạt động Công đoàn và phong trào công nhân, viên chức, lao động Thủ đô. Báo đã tuyên truyền sâu rộng, thường xuyên, liên tục mọi mặt hoạt động của các cấp Công đoàn và phong trào công nhân, viên chức, lao động. Phóng viên của Báo được Ban Biên tập phân công theo dõi, bám sát hoạt động của lãnh đạo LĐLĐ Thành phố, hoạt động của LĐLĐ các quận, huyện, thị xã, Công đoàn ngành, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và các Công đoàn cơ sở. Vì vậy, đối với mỗi hoạt động, từ sự chỉ đạo của Thường trực LĐLĐ Thành phố đến thực tiễn triển khai và kết quả mà các cấp Công đoàn đạt được đều được phản ánh sinh động trong từng tin, bài.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Phạm Quang Thanh phát biểu tại buổi thăm, chúc mừng tập thể lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, nhân viên của Báo Lao động Thủ đô nhân dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Công

Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Phạm Quang Thanh phát biểu tại buổi thăm, chúc mừng tập thể lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, nhân viên của Báo Lao động Thủ đô nhân dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Công

Bên cạnh đó, các phong trào thi đua do tổ chức Công đoàn phát động như: “Lao động giỏi”, “Sáng kiến sáng tạo”, “Ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”… đều được đội ngũ phóng viên của Báo tiếp cận thông tin, phản ánh sinh động qua nhiều hình thức như khai thác, tuyên truyền về gương điển hình tiên tiến trong phong trào; cách thức triển khai sáng tạo, hiệu quả ở các cấp Công đoàn; công tác biểu dương, khen thưởng… Các tin, bài đăng trên Báo Lao động Thủ đô và các ấn phẩm của Báo không chỉ làm nổi bật vai trò của tổ chức Công đoàn mà còn góp phần cổ vũ phong trào thi đua lao động, sản xuất, sáng kiến, sáng tạo làm lợi cho cơ quan, doanh nghiệp và thúc đẩy kinh tế của địa phương phát triển.

Báo Lao động Thủ đô đã xây dựng được bản sắc riêng biệt khi tập trung truyền thông các lĩnh vực lao động việc làm, Công đoàn, phong trào công nhân, viên chức, lao động, quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động, với các thông tin đa chiều được kiểm chứng, chuẩn xác, chuyên sâu. Từ đó, Báo đã trở thành diễn đàn tin cậy để cán bộ Công đoàn, công nhân, viên chức, lao động, doanh nghiệp có thể trao đổi kiến thức pháp luật, kinh nghiệm trong hoạt động Công đoàn, trong sản xuất kinh doanh…

Đặc biệt, thông qua việc phản ánh khách quan, kịp thời tâm tư, nguyện vọng của người lao động và đấu tranh bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động, Báo Lao động Thủ đô luôn nhận được sự tin cậy, chia sẻ của công nhân, viên chức, lao động khi họ gặp khó khăn, nhất là trong thực hiện chế độ chính sách lao động.

Trong bối cảnh báo chí phát triển ngày càng mạnh mẽ và nhu cầu tiếp cận thông tin của độc giả ngày càng đa dạng, Báo Lao động Thủ đô đã nhanh nhạy, linh hoạt, đổi mới, sáng tạo trong cách thức triển khai tin, bài. Trên báo điện tử, các tin, bài về hoạt động Công đoàn và phong trào công nhân, viên chức, lao động được trình bày bằng các loại hình báo chí hiện đại như: Infographic, Longform, Emagazin, Clip, Audio… đã tạo ra sự mới mẻ, hấp dẫn và thu hút đông đảo bạn đọc truy cập. Ngoài ra, hàng năm, Báo đều phối hợp với các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tổ chức hàng chục cuộc đối thoại - giao lưu trực tuyến - truyền thông chính sách, giải đáp kiến thức pháp luật cho đoàn viên, người lao động. Mỗi cuộc giao lưu thu hút hàng chục nghìn đoàn viên, người lao động tham gia trực tiếp và trực tuyến. Qua đó, góp phần cùng các cấp Công đoàn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ và lan tỏa hoạt động thiết thực, ý nghĩa của tổ chức Công đoàn.

Đưa thông tin nhanh hơn trên nền tảng số

Đặc biệt, với những sự kiện lớn của tổ chức Công đoàn như: Tết sum vầy; Đưa công nhân về quê đón Tết; Tuyên dương “Công nhân giỏi Thủ đô”; Phát động “Tháng Công nhân”, “Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động”… Báo Lao động Thủ đô đều xây dựng kế hoạch truyền thông trước, trong và sau sự kiện. Trong quá trình diễn ra sự kiện, Báo có Ê kíp để truyền trực tuyến sự kiện, đảm bảo thông tin nhanh nhất, chính xác nhất và có sức lan tỏa mạnh mẽ.Phải khẳng định rằng, Báo Lao động Thủ đô đã và đang thực hiện tốt tôn chỉ, mục đích, tập trung tuyên truyền đậm nét về phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động Công đoàn, góp phần khắc họa rõ nét và lan tỏa rộng rãi hơn về vai trò, vị thế của tổ chức Công đoàn.

Đồng thời, Báo cũng phản ánh sâu sắc, sinh động mọi mặt đời sống của công nhân, viên chức, lao động, tạo một kênh thông tin quan trọng để các cấp ngành nắm bắt về đời sống việc làm, tâm tư, nguyện vọng của người lao động để có những sự lãnh đạo, chỉ đạo quan tâm chăm lo kịp thời, ổn định tư tưởng công nhân, viên chức, lao động, góp phần ổn định quan hệ lao động.

Tại buổi thăm, chúc mừng tập thể lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, nhân viên của Báo Lao động Thủ đô nhân dịp kỷ niệm 99 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024), đồng chí Phạm Quang Thanh - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội đã ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của Báo Lao động Thủ đô trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao; đồng thời nhấn mạnh, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn như: Nhân lực còn mỏng, cơ sở vật chất, điều kiện làm việc còn hạn chế, nhưng tập thể cán bộ, phóng viên, nhân viên của Báo Lao động Thủ đô đã đoàn kết, nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ một cơ quan báo chí chính thống của Thủ đô Hà Nội, cơ quan ngôn luận của LĐLĐ thành phố Hà Nội, diễn đàn của công nhân, viên chức, lao động Thủ đô. Báo đã vươn lên khẳng định được vị trí vững vàng trong hệ thống báo chí của Thủ đô và cả nước. Đây là niềm tự hào không chỉ của riêng Báo Lao động Thủ đô mà còn là niềm tự hào của tổ chức Công đoàn và đội ngũ công nhân, viên chức, lao động Thủ đô.

Đẩy mạnh công tác truyền thông Công đoàn

Nhiệm kỳ 2023 - 2028, Ban Chấp hành LĐLĐ thành phố Hà Nội đã xây dựng và ban hành Chương trình số 09/CTr-LĐLĐ về đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho cán bộ, đoàn viên, người lao động Thủ đô giai đoạn 2023 - 2028 (Chương trình số 09). Trong đó, đối với công tác tuyên truyền, Ban Chấp hành LĐLĐ Thành phố đặt ra chỉ tiêu hằng năm phấn đấu 100% Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và Công đoàn cơ sở có từ 1.000 lao động trở lên phải có ít nhất 1 tuyên truyền viên. 100% cán bộ làm công tác Tuyên giáo LĐLĐ Thành phố, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, báo cáo viên, tuyên truyền viên và cộng tác viên dư luận xã hội do LĐLĐ Thành phố quản lý định kỳ được tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức và kỹ năng công tác truyền thông và hoạt động công đoàn.

Báo Lao động Thủ đô phối hợp với các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tổ chức chương trình đối thoại - giao lưu trực tuyến - truyền thông chính sách cho CNVCLĐ. Ảnh: Mai Quý

Báo Lao động Thủ đô phối hợp với các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tổ chức chương trình đối thoại - giao lưu trực tuyến - truyền thông chính sách cho CNVCLĐ. Ảnh: Mai Quý

100% Chủ tịch Công đoàn cơ sở, báo cáo viên, tuyên truyền viên tại các Công đoàn cơ sở có từ 1.000 lao động trở lên được tập huấn ít nhất 1 lần/1 năm về các nội dung chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng công tác truyền thông. 100% các đơn vị Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở duy trì thường xuyên hoạt động trang Fanpage của đơn vị, cập nhật liên tục các thông tin, hoạt động mới của đơn vị và Công đoàn cơ sở; 100% cán bộ Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở được phân công làm cộng tác viên của Trang Thông tin điện tử LĐLĐ Thành phố gửi thông tin, hình ảnh cộng tác thường xuyên, liên tục. Ban Chấp hành LĐLĐ Thành phố yêu cầu các cấp Công đoàn Thủ đô sử dụng đa dạng và hiệu quả các hình thức, phương thức truyền thông, lan tỏa mạnh mẽ đến đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động và toàn xã hội về hoạt động của các cấp Công đoàn Thủ đô; chú trọng đẩy mạnh và khai thác lợi thế của truyền thông số.

Để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu đã đề ra, Ban Chấp hành LĐLĐ Thành phố đề ra giải pháp đổi mới công tác tuyên truyền, đẩy mạnh truyền thông đa phương tiện. Trong đó, chú trọng đổi mới nội dung, hình thức phát động và tổ chức trong đoàn viên, người lao động tham gia các phong trào do tổ chức Công đoàn phát động; sử dụng hiệu quả các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác Tuyên giáo Công đoàn. Tập trung nâng cao chất lượng, phát huy hiệu quả hoạt động của Báo Lao động Thủ đô. Tăng cường tổ chức các hoạt động xã hội, đối thoại giao lưu trực tuyến về các vấn đề liên quan đến người lao động, tổ chức Công đoàn, giải đáp chính sách pháp luật. Trong đó tập trung đầu tư nhân lực, vật lực để nâng cao chất lượng và mở rộng diện phổ cập thông tin cho báo điện tử.

Tiếp tục phụng sự tốt hơn

Tiếp tục phát hành cuốn Bản tin sinh hoạt Công đoàn cơ sở. Chú trọng công tác định hướng thông tin trên Internet, Trang Facebook “Công đoàn Hà Nội”, trang Thông tin điện tử tổng hợp LĐLĐ Thành phố; tạo app Công đoàn Hà Nội, tổ chức livestream các sự kiện do Công đoàn tổ chức trên Trang Facebook Công đoàn Hà Nội. Nghiên cứu đổi mới thực chất các hoạt động cao điểm tập trung trong Tháng Công nhân hàng năm để đoàn viên, người lao động có “Quyền lợi đảm bảo, phúc lợi tốt hơn”.

Tiếp tục phát huy hiệu quả các hình thức truyền thông đang được đông đảo cán bộ, đoàn viên, người lao động đón nhận; linh hoạt kết hợp các phương pháp, công cụ, kênh, nền tảng truyền thông đa dạng, từ truyền thống (báo in, truyền hình, phát thanh, bản tin sinh hoạt Công đoàn, pa-nô, loa truyền thanh, bảng tin nội bộ, hội nghị, hội thảo...) đến hiện đại (báo điện tử, các nền tảng tương tác trên internet, các ứng dụng di động), từ truyền thông đại chúng chính thống (các cơ quan báo chí được thành lập theo quy định) đến truyền thông xã hội (các diễn đàn online, các nhóm mạng xã hội) và tổ chức các sự kiện để đảm bảo hiệu ứng tốt và đạt kết quả cao.

Định kỳ khảo sát nhu cầu về nội dung, mô hình học tập, nâng cao trình độ, tiếp cận thông tin của đoàn viên, người lao động; cung cấp kiến thức, hướng dẫn kỹ năng bằng các hình thức phù hợp giúp đoàn viên, người lao động chủ động tìm hiểu, khai thác, sử dụng thông tin hiệu quả. Nhân rộng các điển hình tiên tiến, các mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong việc triển khai tổ chức thực hiện các hoạt động tuyên truyền và nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần cho đoàn viên, người lao động.

Tăng cường sự phối hợp giữa các cấp Công đoàn với các đơn vị trực thuộc LĐLĐ thành phố Hà Nội (Trường Trung cấp nghiệp vụ và Dạy nghề Công đoàn Hà Nội, Trung tâm tư vấn pháp luật và hỗ trợ người lao động Công đoàn Hà Nội,…), các cấp, các ngành, đoàn thể thực hiện có hiệu quả hoạt động nhằm thúc đẩy hoạt động tuyên truyền vận động cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động.

Có thể nói, công tác truyền thông Công đoàn đang được tổ chức Công đoàn Thủ đô chú trọng triển khai một cách bài bản, đổi mới, sáng tạo nhằm lan tỏa hình ảnh của tổ chức Công đoàn, giúp đoàn viên, người lao động hiểu rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, vai trò của tổ chức Công đoàn. Từ đó, gắn bó, tin yêu tổ chức Công đoàn, yên tâm làm việc, lao động sản xuất, đóng góp sức lực, trí tuệ cho sự phát triển chung của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, Thủ đô và đất nước.

Mai Quý

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nang-cao-vi-the-cong-doan-lan-toa-tieng-noi-cong-nhan-172461.html