Nâng cao vị thế, vai trò của tổ chức Công đoàn Việt Nam

Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trong đó có điều 10 về tổ chức Công đoàn là hợp lý, cần thiết.

Ông Lê Đình Điềm, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Thanh Hà (Hải Dương)

Ông Lê Đình Điềm, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Thanh Hà (Hải Dương)

Đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định về Công đoàn Việt Nam (điều 10 của Hiến pháp năm 2013) theo hướng khẳng định Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động, trực thuộc MTTQ Việt Nam là cần thiết theo xu thế thời đại.

Đồng thời, bổ sung nhiệm vụ của Công đoàn Việt Nam là đại diện của người lao động ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động và quan hệ quốc tế về Công đoàn phù hợp với bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Trước đây, Công đoàn Việt Nam được hiểu chủ yếu là tổ chức đại diện, chăm lo quyền lợi người lao động trong khuôn khổ hoạt động nội bộ doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, sửa đổi lần này đã xác lập rõ ràng Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và người lao động, trực thuộc MTTQ Việt Nam.

Qua đó nâng tầm tổ chức Công đoàn từ vai trò đại diện "nghề nghiệp" sang vị thế một tổ chức chính trị - xã hội, đồng hành cùng Đảng và Nhà nước trong sự nghiệp xây dựng xã hội công bằng, văn minh.

Việc bổ sung chức năng đại diện người lao động ở cấp quốc gia là một điểm nhấn quan trọng, nâng cao vai trò giám sát, phản biện chính sách, góp phần xây dựng khung pháp lý bảo vệ người lao động hiệu quả hơn, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số, tự động hóa và lao động phi chính thức ngày càng tăng.

Việc bổ sung chức năng đối ngoại công đoàn là bước đi mang tính thời sự và chiến lược nhằm giúp Công đoàn Việt Nam tham gia mạnh mẽ vào các tổ chức Công đoàn khu vực và toàn cầu, thúc đẩy hợp tác lao động, học hỏi mô hình đại diện tiên tiến từ quốc tế. Trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, vai trò Công đoàn là điều kiện bảo đảm tiêu chuẩn lao động. Việc nâng vai trò đối ngoại công đoàn giúp Việt Nam đáp ứng cam kết quốc tế, bảo vệ uy tín quốc gia, đồng thời tăng tính cạnh tranh của môi trường lao động.

Vì thế, sửa đổi điều 10 đã mở rộng và nâng cao vai trò tổ chức Công đoàn cả về chính trị, xã hội, pháp lý và quốc tế. Từ chỗ chỉ đại diện trong phạm vi cơ sở, Công đoàn nay đã có cơ sở pháp lý vững chắc để tham gia hoạch định chính sách cấp quốc gia, bảo vệ lợi ích người lao động một cách có hệ thống; gắn bó chặt chẽ hơn với hệ thống chính trị, đồng hành cùng sự nghiệp phát triển bền vững đất nước.

LÊ ĐÌNH ĐIỀM, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Thanh Hà

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/nang-cao-vi-the-vai-tro-cua-to-chuc-cong-doan-viet-nam-411466.html