Nâng cao vốn ngoại ngữ thúc đẩy du lịch phát triển
Việc bồi dưỡng, nâng cao vốn ngoại ngữ cho những người làm du lịch không chỉ giúp tiếp cận dễ dàng hơn dòng khách quốc tế mà còn góp phần cải thiện môi trường làm du lịch, hướng đến du lịch văn minh, tiến bộ.
Rào cản ngoại ngữ
Ngoại ngữ cho những người làm du lịch không phải điều gì quá xa xôi. Trên mạng xã hội, những đoạn video khách quốc tế giao tiếp với chủ thương trong chợ Bến Thành với đủ ngôn ngữ từ tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Hàn,… luôn gây “sốt” cộng đồng.
Du lịch cộng đồng gắn với sự phát triển của các vùng đồng bào, dân tộc thiểu số là một phần trong mục tiêu của ngành du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, hạn chế về ngoại ngữ của chính những người dân bản địa lại trở thành rào cản khiến nhiều khách quốc tế còn e ngại, chưa sẵn sàng chi tiêu cho các hoạt động du lịch.
Khu vực Con Cuông (Nghệ An) là một trong những khu du lịch thu hút một lượng khách quốc tế ổn định hàng năm. Anh Lô Văn Thủy (bản Xiềng, xã Môn Sơn), một người dân làm du lịch ở đây chia sẻ: “Gia đình tôi có mở homestay khá lâu và đón nhiều khách du lịch cả trong và ngoài nước. Nhưng tôi không nói chuyện được với họ vì không biết ngoại ngữ”.
Tại Hòa Bình - nơi có nhiều khu du lịch sinh thái cộng đồng, người dân cũng gặp tình trạng tương tự. Để tiếp cận với du khách quốc tế, mấy năm nay, người dân các điểm du lịch homestay đã quan tâm và có ý thức tìm hiểu, học tập ngoại ngữ (tiếng Anh) để giao tiếp với khách du lịch.
Chị Bùi Thị Nhềm, chủ homestay Ngọc - Nhềm, xóm Đá Bia, xã Tiền Phong (Đà Bắc) cho biết: “Bản Đá Bia là một trong những bản mới có hoạt động du lịch cộng đồng trên khu vực hồ Hòa Bình, địa điểm lý tưởng cho những du khách muốn tạm xa ồn ào của đô thị, khám phá những điều mới lạ, tìm hiểu về đời sống văn hóa của dân tộc Mường. Hầu như tuần nào cũng có đoàn khách quốc tế lên thăm bản. Họ đến từ các nước châu Âu, châu Úc, họ nói tiếng Anh. Trước đây, những người làm du lịch ở xóm chủ yếu nói tiếng Việt và tiếng địa phương, tất cả phải chờ vào phiên dịch của đoàn khách nước ngoài. Cứ trông thấy khách quốc tế là ngần ngại”.
Tại Hội An - thành phố du lịch nổi tiếng tiếp đón hàng nghìn lượt khách mỗi ngày, người dân cũng tìm cách học ngoại ngữ để có thể giao tiếp với khách quốc tế. Vốn là dân đi biển, khi khách nước ngoài ghé Hội An ngày càng nhiều, ông Nguyễn Cơ (SN 1960, người có thâm niên hơn 20 năm làm nghề chèo đò sông Hoài) chuyển hẳn sang nghề chèo đò phục vụ khách du lịch trên sông Hoài.
Thời gian đầu, ngày nào ông cũng chèo đò ra rồi lại về không vì gặp khách mà không biết đường mời, có khi khách đi đò ông không biết tính tiền, khách hỏi gì cũng chỉ biết cười trừ. Ngại quá nên ông Cơ quyết định phải học cho bằng được tiếng Anh. Nhưng từ nhỏ bám sông nước, ông có biết chữ nghĩa đâu mà vào trung tâm học ngoại ngữ. Nghe những người đồng nghiệp bảo cứ tiếp xúc nhiều, họ nói gì thì ghi nhớ rồi nói lại, học mãi thành quen, nhiều người đã thành công, nên ông Cơ cũng mạnh dạn xuống phố học ngoại ngữ.
“Không ngờ học dễ mà nhanh thật, dù không chuẩn nhưng cũng đủ cho khách hiểu. Những lúc vắng khách thì nhờ mọi người bày thêm, có khi học của hướng dẫn viên du lịch, rồi hỏi thêm mấy đứa nhỏ biết ngoại ngữ, vì tụi nó trẻ học nhanh hơn”, ông Nguyễn Cơ cho hay.
Theo ông Cơ, đó là thứ tiếng “bồi” thôi chứ ông chẳng qua trường lớp nào cả. Muốn bán được hàng, mời được khách đi thuyền, mua hoa đăng… thì phải biết ít ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh. “Muốn học nhanh thì phải tiếp xúc với khách nhiều, nghe người ta nói rồi học theo. Khách du lịch cũng sẵn lòng sửa giúp cho, bởi thông qua đó họ cũng biết chút ít tiếng Việt”, ông Cơ vui vẻ nói về bí quyết học tiếng “bồi” của mình.
Nhiều mô hình thú vị
Đó là chuyện của những người bán hàng rong, người chèo đò… Nhưng ở phố cổ cũng có những công việc đòi hỏi phải được đào tạo chuyên nghiệp, phải có nghiệp vụ, tiếng Anh giao tiếp chuẩn và biết đọc, viết để giới thiệu cho khách… Trong đó phải kể đến nghiệp đoàn xích lô Hội An, họ được nhiều du khách ưu ái gọi là “đại sứ du lịch” của phố cổ.
Trong gia đình xích lô ở Hội An, ông Trương Hùng nổi danh vì giỏi tiếng Anh. Ông Hùng học hết THPT nên cũng có chút vốn liếng tiếng Anh kha khá. Từ kiến thức nền đó, ông đã theo đuổi các khóa học tiếng Anh tại TP Hội An và nhanh chóng trở thành “ngôi sao” trong nghiệp đoàn. Gặp du khách Âu - Mỹ nào nói tiếng Anh với những câu chữ khó hiểu, ai cũng “chạy làng” thì mời ông Hùng đến để phiên dịch giúp. Thời gian rảnh rỗi, ông Hùng lại tụ họp đồng nghiệp đến quán cà phê ven đường để chỉ dẫn thêm kỹ năng giao tiếp tiếng Anh cho họ.
Bên cạnh đó, để giúp cộng đồng du lịch có thể phát triển được vốn ngoại ngữ, góp phần giúp cho hoạt động du lịch cộng đồng ngày càng phát triển, nhiều câu lạc bộ ngoại ngữ ra đời nhằm giúp cho cộng đồng dân cư bản địa có thể học thêm về vốn ngoại ngữ.
Chị Bùi Thị Nhềm cho biết: “Xuất phát từ thực tế muốn giao tiếp, cung cấp sản phẩm du lịch tốt hơn, những người làm homestay trong bản đã có ý thức học ngoại ngữ. Ba năm trước, dự án du lịch cộng đồng Đà Bắc đã mở lớp đào tạo tiếng Anh cho các hộ dân làm du lịch. Trong xóm có tôi và em Trang tham gia học tiếng Anh, qua đó đã tiếp cận được phương pháp học ban đầu.
Chúng tôi học trên mạng, chủ yếu là tiếng Anh giao tiếp, bật mạng và phát âm theo. Cứ rỗi là mấy chị em hoặc một mình tự học theo mạng, tự phát âm. Ban đầu còn ngọng, phát âm chưa chuẩn phải dùng cả dấu hiệu bằng tay nhưng dần cũng quen. Vui nhất là tiếp xúc với các đoàn khách nói mãi người ta mới hiểu. Cũng chính vì thế, mấy chị em bảo nhau phải cố gắng học nhiều hơn. Sau này giao tiếp nhiều hơn, vốn từ vựng, cách phát âm tiếng Anh cũng được cải thiện rất nhiều”.
Tại Nghệ An, những CLB tiếng Anh đã giúp người dân bản địa vùng Con Cuông học thêm ngoại ngữ. Nhiều đoàn khách là học sinh, sinh viên thấy chị em muốn học tiếng Anh nên đã góp ý, chỉnh sửa rất nhiều, góp phần nâng cao vốn từ và cách phát âm cho chuẩn. Học tiếng Anh ở bản có điều kiện tiếp xúc với các đoàn khách nước ngoài nên vốn từ cũng như cách phát âm, kỹ năng giao tiếp của người dân cũng cải thiện rõ rệt. Có người đã có thể giao tiếp những câu thông thường như giới thiệu về bản làng, nhà cửa, hỏi thăm sức khỏe, công việc bình thường…
Hiện nay, không chỉ có tiếng Anh, nhiều người dân bản địa cũng đã chủ động đi học thêm các ngoại ngữ khác như tiếng Nhật, tiếng Hàn,… để tăng cơ hội tiếp xúc với những đoàn khách quốc tế. Tại Khánh Hòa, Hàn Quốc đã vượt lên trở thành thị trường khách quốc tế lớn nhất của du lịch Khánh Hòa. Để tăng cường nhân lực phục vụ thị trường khách xứ sở kim chi, Sở Du lịch đã phối hợp với Trung tâm Ngoại ngữ - Trường Đại học Nha Trang mở lớp bồi dưỡng tiếng Hàn Quốc dành cho người lao động trong ngành du lịch.
Do thị trường thay đổi, nhiều nhân sự ngành du lịch Khánh Hòa đã nhanh chóng đi học tiếng Hàn để có thể giao tiếp với khách. Một trung tâm ngoại ngữ cho biết, những năm trước, học viên đa phần là phụ nữ kết hôn với người Hàn Quốc và một số người làm việc tại các doanh nghiệp liên doanh với Hàn Quốc. Tuy nhiên, thời gian gần đây, người học chủ yếu là các bạn trẻ làm việc trong lĩnh vực du lịch.
Đào tạo, bồi dưỡng thêm các hướng dẫn viên giỏi tiếng Nhật cũng là một trong những định hướng phát triển của du lịch TP HCM. Ngày 9/1, Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TP HCM và Sở Du lịch TP HCM đã ký kết thỏa thuận tổ chức lớp bồi dưỡng nâng cao ngoại ngữ tiếng Nhật, cho các đối tượng học viên gồm cán bộ, công chức quản lý Nhà nước về lĩnh vực du lịch trên địa bàn TP, nhân viên, người lao động trong lĩnh vực nhà hàng - khách sạn, và đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên du lịch tại TP HCM.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP cho biết, chương trình hợp tác này hướng đến phục vụ tốt nguồn khách Nhật Bản, một trong những thị trường trọng điểm truyền thống của du lịch Việt Nam cũng như du lịch TP.