Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và người dân

Nhằm nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của các tầng lớp nhân dân, BTV Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 26-CT/TU, ngày 11/01/2018 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân, từ đó tạo điều kiện thúc đẩy KT-XH trên địa bàn phát triển.

Để đưa pháp luật tới người dân ở cơ sở, tỉnh đã triển khai nhiều mô hình như tuyên truyền các quy tắc cơ bản khi tham gia giao thông với “5 điều nhớ, 7 điều không khi tham gia giao thông” bằng tờ rơi; in và phát tờ rơi khuyến cáo cho lái xe ngoại tỉnh tham gia giao thông trên tuyến đường vùng cao phía Bắc. Anh Nguyễn Văn Sinh, một lái xe mô tô chia sẻ: “Nhờ có hình thức tuyên truyền linh hoạt, tích cực của ngành Công an đã giúp cho lái xe như chúng tôi có thêm kiến thức, lưu ý khi tham gia giao thông tại các huyện vùng cao; góp phần đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông”.

Tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho cán bộ, công nhân viên Công ty Điện lực Hà Giang.

Tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho cán bộ, công nhân viên Công ty Điện lực Hà Giang.

Bên cạnh đó, còn rất nhiêu mô hình thiết thực khác được triển khai như “Tổ nhóm tự quản”, “Bến đò an toàn”, phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”, “Dòng họ với an toàn giao thông”. Tổ chức ký cam kết trong cán bộ, công chức và nhân dân thực hiện pháp luật về giao thông đường bộ. Mô hình “Dân vận khéo” tuyên truyền, vận động thu hồi vũ khí - vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành, thực hiện việc thu thập thông tin về dân cư, vận động nhân dân làm Căn cước công dân. Mô hình “Ngày hội pháp luật” tại phiên chợ các huyện vùng cao, trong đó tổ chức tuyên truyền pháp luật bằng sân khấu hóa kết hợp với đăng ký kết hôn, đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra chưa đăng ký khai sinh...

Trong giai đoạn 2018 – 2023, thực hiện Ngày Pháp luật, toàn tỉnh đã tổ chức được trên 13.900 hội nghị, hội thảo, tọa đàm, diễn đàn; hội nghị tập huấn với trên 900 nghìn lượt người tham dự; 700 buổi tuyên truyền, tư vấn pháp luật trực tiếp tại các phiên chợ, các thôn bản với hơn 20.000 lượt người tham gia. Các cơ quan, đơn vị và địa phương đã treo 1.500 băng rôn, áp phích, pa nô tại trụ sở, khu trung tâm, trường học, địa điểm công cộng, các tuyến đường chính nhân Ngày Pháp luật. Biên soạn và phát hành hơn 350.000 tờ gấp, tờ rơi, băng đĩa cung cấp cho đội ngũ làm công tác PBGDPL và nhân dân. Các cơ quan, địa phương tổ chức xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, đưa tin bài với chủ đề Ngày Pháp luật trên sóng phát thanh - truyền hình với gần 8.000 tin, bài; 780 chuyên mục, phóng sự; 10.500 lượt tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở. Đã tổ chức 1.900 hội nghị từ tỉnh đến thôn, lồng ghép tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng tuyên truyền cho trên 290 nghìn lượt báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên cơ sở. Chất lượng hoạt động của báo cáo viên, tuyên truyền viên ngày càng được nâng cao, qua đó vi phạm pháp luật trong cán bộ và nhân dân giảm dần.

Công tác tuyên truyền trong trường học cũng được quan tâm, Sở GD&ĐT đã phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho giáo viên, nhân viên trong nhà trường và học sinh. Nội dung tuyên truyền quán triệt ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của việc hiểu biết và chấp hành nghiêm túc pháp luật, trong đó tập trung giáo dục pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của cán bộ, giáo viên, học sinh. 100% nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, nhân viên ngành Giáo dục và người học được trang bị kiến thức pháp luật có liên quan đến hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ.

Mặc dù vậy, đối với tỉnh miền núi vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong công tác PBGDPL như hệ thống văn bản pháp luật ngày càng nhiều, thường xuyên sửa đổi bổ sung. Trong khi đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật còn mỏng, trình độ, năng lực chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là tuyên truyền viên ở cơ sở. Địa hình bị chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí, nhận thức, hiểu biết về pháp luật của một bộ phận người dân còn thấp, chưa đồng đều, nhiều tập quán lạc hậu, đời sống của đồng bào ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo ở mức cao cũng là những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng của công tác tuyên truyền PBGDPL.

Để làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền PBGDPL trong thời gian tới, các cấp, ngành sẽ tiếp tục hướng về cơ sở, với nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng, đem lại hiệu quả thiết thực. Qua đó, tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Giúp người dân ý thức được việc tìm hiểu và chấp hành pháp luật là quyền cũng là nghĩa vụ của bản thân và tự giác thực hiện, đồng thời vận động, thuyết phục mọi người cùng tuân thủ pháp luật.

Bài, ảnh: LÊ HẢI

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/phap-luat/202310/nang-cao-y-thuc-chap-hanh-phap-luat-cua-can-bo-va-nguoi-dan-a3f24d9/