Nâng cao ý thức cộng đồng trong phòng, chống thiên tai
Thông tin từ Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh cho biết, năm 2021, các loại hình thiên tai như lốc xoáy, ngập lụt, lũ xảy ra trên địa bàn tỉnh đã gây thiệt hại lớn về cây trồng, vật nuôi, nhà cửa, ước giá trị khoảng 40 tỷ đồng và làm chết 2 người. Trước thực trạng đó, Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đã có những phương án nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra trong thời gian tới.
Thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”
Theo Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, năm 2021, công tác thông tin, thông báo về việc xả lũ của các hồ thủy điện luôn được thực hiện kịp thời với sự phối hợp của 3 nhà máy thủy điện, Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, ban chỉ huy PCTT và TKCN cấp huyện, xã đến người dân khu vực hạ du nên không xảy ra thiệt hại. Đặc biệt, khi xảy ra thiên tai, việc thực hiện phương châm “4 tại chỗ” (chỉ đạo tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hệ thống phân phối tại chỗ, hàng hóa tại chỗ) khá tốt nên đã huy động được tổng lực người, phương tiện, cơ sở vật chất, ứng cứu kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Song song đó, ngay sau khi xảy ra thiên tai, ban chỉ huy các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với chính quyền sở tại thăm hỏi các gia đình bị thiệt hại, đồng thời kiểm tra, đánh giá mức độ thiệt hại và đề xuất UBND các huyện, thị xã, thành phố hỗ trợ. Các địa phương đã sử dụng lực lượng tại chỗ, gồm: công an, quân sự, bộ đội, biên phòng, dân quân tự vệ, đoàn thanh niên, người dân trong vùng triển khai các biện pháp khắc phục kịp thời hậu quả do thiên tai gây ra. Trong năm 2021, Bình Phước đã hỗ trợ 1,5 tỷ đồng cho người dân từ Quỹ PCTT tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố, ngân sách địa phương, qua đó giúp các hộ dân sớm ổn định cuộc sống, an tâm sản xuất.
Nâng cao ý thức cộng đồng
Theo Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, từ thực tiễn ứng phó với sự cố thiên tai, ban đã rút ra được những kinh nghiệm, đó là: Không ngừng nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo để cung cấp thông tin chính xác, kịp thời phục vụ công tác chỉ huy, phòng ngừa. Bên cạnh đó, thường xuyên nâng cao hiểu biết và ý thức của cộng đồng nhằm đảm bảo người dân chủ động phòng tránh, ứng phó với thiên tai hiệu quả nhất. Mặt khác, giải pháp PCTT phải mang tính tổng hợp, kết hợp giữa công trình và phi công trình, được lồng ghép vào các chương trình, dự án để tăng cường hiệu quả công trình của cả trước mắt và lâu dài. Phải đồng bộ, chặt chẽ giữa các cấp, ngành với người dân để phối hợp, chủ động đề phòng khi xảy ra thiên tai. Đặc biệt, luôn nêu cao vai trò của cộng đồng với tinh thần "tương thân, tương ái", giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau PCTT kịp thời, hiệu quả để giảm thiểu thiệt hại.
Năm 2021, thiên tai làm 2 người chết ở TX. Bình Long và huyện Bù Đăng. Thiên tai cũng làm tốc mái 254 căn nhà, 2 căn bị sập; thiệt hại 323 ha cây cao su, điều, tiêu, cà phê, cây ăn trái, rau màu các loại; 15 ha ao cá bị ngập nước và tràn; thiệt hại 5.902 con gia súc, gia cầm; gãy đổ 3 bảng hiệu, sập 517m tường rào và một số tài sản, vật dụng gia đình; lũ cuốn trôi 2 cầu treo dân sinh tại TX. Bình Long và huyện Bù Đăng.
Bên cạnh những yếu tố đạt được, công tác PCTT và TKCN còn bộc lộ một số hạn chế. Đó là công tác này đòi hỏi ngày càng chuyên môn hóa, chất lượng từ khâu chuẩn bị, ứng phó đến khắc phục hậu quả sau thiên tai. Tuy nhiên, ban chỉ huy PCTT và TKCN các cấp đều hoạt động kiêm nhiệm, hay thay đổi vị trí công tác, khối lượng công việc rất lớn và cấp bách nên tiến độ thực hiện nhiệm vụ chưa đáp ứng yêu cầu về thời gian cũng như chất lượng công việc. Đặc biệt cấp xã, cán bộ phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ dẫn đến một số tình huống xử lý không kịp. Nguồn kinh phí cho hoạt động của ban chỉ huy PCTT và TKCN các cấp rất ít, thậm chí không có nên gặp khó khăn trong thực hiện các hoạt động ứng phó khi thiên tai xảy ra. Mặt khác, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác này tuy được đầu tư nhưng kinh phí hạn chế. Thiếu trang thiết bị chuyên dùng, thiết bị cảnh báo tự động tại cộng đồng, đặc thù để ứng phó với các tình huống thiên tai cấp bách. Hiện trên địa bàn tỉnh có 64 hồ đập lớn nhỏ, thời gian xây dựng đã lâu nên nay xuống cấp, không an toàn. Chưa huy động được nhiều doanh nghiệp, cộng đồng xã hội tham gia đầu tư hoặc cung cấp dịch vụ PCTT.
Để thực hiện tốt công tác PCTT trên địa bàn tỉnh thời gian tới, Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh kiến nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí đầu tư xây mới và sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi phục vụ nhiệm vụ PCTT và dân sinh trên địa bàn. Ban hành quy định hỗ trợ đối với các loại tài sản, công trình bị thiệt hại do thiên tai gây ra. Hướng dẫn tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho các lực lượng tham mưu về công tác PCTT và TKCN các cấp…
Đảm bảo an toàn khi xả lũ khẩn cấp
Trong năm 2021, UBND tỉnh đã đầu tư hơn 25 tỷ đồng từ Quỹ PCTT tỉnh để duy tu, sửa chữa các công trình PCTT tại các địa phương trong tỉnh. Đồng thời, đầu tư 1,45 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh, xây dựng bản đồ ngập lụt, sạt lở đất tại các xã Đồng Nai, Phước Sơn, huyện Bù Đăng, qua đó đã góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Trước tình hình thời tiết được dự báo ngày càng diễn biến cực đoan, phức tạp, khó lường, để chủ động phòng, tránh, ứng phó và hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, năm 2022, Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh tập trung rà soát, xây dựng, cập nhật, bổ sung, phê duyệt kế hoạch PCTT theo hướng dẫn; phối hợp các sở, ngành, địa phương, công ty thủy điện, đơn vị hữu quan thực hiện nghiêm các quy trình về vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Đồng Nai. Vận hành công trình thủy lợi, thủy điện theo quy định. Thực hiện tốt công tác quản lý an toàn hồ đập, hồ chứa. Đối với các hồ thủy điện phải đảm bảo an toàn công trình và khu vực hạ du trong các tình huống xả lũ khẩn cấp. Tăng cường hoạt động truyền thông, hướng dẫn kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với các loại hình thiên tai, đảm bảo thông tin thiên tai đến với người dân kịp thời để chủ động ứng phó.