'Nâng cấp 3 tuyến quốc lộ kết nối vùng ĐBSCL là rất cần thiết'
TS.Trần Khắc Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng cho rằng, việc nâng cấp, cải tạo 3 tuyến quốc lộ nhằm kết nối vùng, thích ứng biến đổi khí hậu sẽ là động lực phát triển kinh tế cho khu vực ĐBSCL.
Những năm qua, việc đầu tư xây dựng hạ tầng tại khu vực ĐBSCL ngày càng được quan tâm. Nhiều dự án lớn được khởi công, có tác động rất lớn đến việc phát triển kinh tế, xã hội các tỉnh trong vùng.
Mới đây, Cục Đường bộ Việt Nam vừa trình Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án nâng cấp, cải tạo 3 tuyến quốc lộ (gồm Quốc lộ 53, Quốc lộ 62 và Quốc lộ 91B) kết nối vùng, thích ứng biến đổi khí hậu khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB).
Cụ thể, Quốc lộ 53 đề xuất nâng cấp Cầu Ngã Tư (Km7+820-Km8+730); đoạn Long Hồ-Ba Si (Km11+295-Km56+180) với tổng chiều dài đầu tư khoảng 41km, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Trà Vinh.
Quốc lộ 62 được đầu tư nâng cấp, cải tạo đoạn từ Km4+200 (nút giao với đường Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương) đến Km74 với chiều dài đầu tư khoảng 69km bao gồm làm tuyến tránh mới khoảng 8km, trên địa bàn tỉnh Long An.
Quốc lộ 91B sẽ được nâng cấp đoạn Km2+604 (ngã 5 Cầu Cần Thơ)-Km143+480 với chiều dài đầu tư khoảng 141km, trên địa bàn thành phố Cần Thơ, các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng và Bạc Liêu.
Cả 3 tuyến quốc lộ này được nâng cấp, cải tạo đạt tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, vận tốc thiết kế 80 km/h; mặt cắt ngang nền đường rộng 12m, mặt đường rộng 11m bao gồm 2 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ.
Cục Đường bộ Việt Nam tính toán sơ bộ tổng mức đầu tư dự án là khoảng 9.297 tỷ đồng (tương đương hơn 385 triệu USD). Trong đó, vốn vay của WB gần 6.252 tỷ đồng được sử dụng cho các hạng mục gồm chi phí xây dựng, thiết bị trước thuế, chi phí tư vấn giám sát thi công và một số dịch vụ tư vấn theo chính sách của WB trước thuế, chi phí dự phòng cho các hạng mục trên; vốn đối ứng hơn 3.045 tỷ đồng được sử dụng cho các hạng mục chi phí quản lý dự án, tư vấn đầu tư xây dựng còn lại, chi phí giải phóng mặt bằng.
Dự kiến, 3 tuyến quốc lộ trên sẽ được đầu tư nâng cấp vào quý 4/2024, thời gian thực hiện là 5 năm sau khi Hiệp định tài trợ có hiệu lực.tại Quyết định số 646 ngày 7/6/2023.
Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường về vấn đề này, TS.Trần Khắc Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng cho rằng, giao thông vận tải đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội nói chung, đặc biệt là tại khu vực ĐBSCL. Những tuyến cao tốc, quốc lộ, cảng biển có vai trò tăng cường kết nối hệ thống đô thị trong vùng, kết nối khu vực với TP.HCM và quốc tế.
“Có thể nói, những năm qua, tính đến năm 2023, Chính phủ đã đầu tư cải thiện mạng lưới đường bộ trong vùng ĐBSCL, với gần 187 km đường cao tốc, 2.669 km đường quốc lộ và 4.559 km đường tỉnh. Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2021, ĐBSCL được quy hoạch 6 tuyến cao tốc, với tổng chiều dài khoảng 1.166 km (gồm 3 tuyến cao tốc trục dọc với tổng chiều dài 575 km và 3 tuyến cao tốc trục ngang với chiều dài khoảng 591 km.
Hiện nay, về cơ bản, tất cả các điểm chính trong khu vực đều đã có kết nối đường bộ, nhưng hạ tầng giao thông vẫn chưa mang vai trò chiến lược cho phát triển vùng, chưa hoàn toàn đáp ứng yêu cầu”, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng bày tỏ.
Cũng theo TS.Trần Khắc Tâm, sau khi hoàn thành, dự án sẽ từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông đường bộ kết nối khu vực các tỉnh, thành phố: Long An, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng và Bạc Liêu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Vị này khẳng định, với các dự án giao thông đã, đang và sẽ được triển khai trong thời gian tới là cơ sở để ĐBSCL phát huy lợi thế, khai phá tiềm năng, phát huy nguồn lực để đạt tốc độ tăng trưởng cao thời gian tới. TS.Trần Khắc Tâm dẫn chứng, khi cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ chính thức đi vào hoạt động đã ngay lập tức mang đến giá trị, động lực cho khu vực ĐBSCL. Hiện nay, chúng ta đang thi công tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ – Sóc Trăng. Bên cạnh đó, mới đây, Văn phòng Chính phủ vừa có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về việc chấp thuận chủ trương lập Đề án nghiên cứu tổng thể xây dựng Bến cảng Trần Đề - Cảng cửa ngõ vùng đồng bằng sông Cửu Long. Những dự án này sẽ góp phần giúp khu vực ĐBSCL thay da đổi thịt.
TS.Trần Khắc Tâm nhấn mạnh: “Tôi cho rằng, việc nâng cấp, cải tạo 3 tuyến quốc lộ 53, 62, 91B nhằm kết nối vùng, thích ứng biến đổi khí hậu là rất cần thiết và sẽ là động lực lớn cho phát triển kinh tế tại khu vực ĐBSCL trong thời gian tới”.
Trước đó, Bộ GTVT đã có Tờ trình số 3089/TTr - BGTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án nâng cấp, cải tạo 3 tuyến quốc lộ (53, 62, 91B) tại Đồng bằng sông Cửu Long, sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB). Tờ trình này được Bộ GTVT phát đi sau khi tiếp thu ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và đầu tư về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án nâng cấp, cải tạo 3 tuyến quốc lộ tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án khoảng 9.297,12 tỷ đồng, tương đương khoảng 389,39 triệu USD, trong đó chi phí đầu tư nâng cấp Quốc lộ 53 là 2.601 tỷ đồng; Quốc lộ 62 là 3.241,8 tỷ đồng và Quốc lộ 91B là 3.454 tỷ đồng.
Dự án sẽ vay vốncủa WB là khoảng 267,44 triệu USD được sử dụng cho các hạng mục: Chi phí xây dựng, thiết bị trước thuế; chi phí tư vấn giám sát thi công và một số dịch vụ tư vấn theo chính sách của WB trước thuế; chi phí dự phòng cho các hạng mục trên.