Nâng cấp thủy lợi sau đợt mưa lũ bất thường
HNN - Sau đợt mưa lũ vừa qua, toàn thành phố có khoảng 13 công trình thủy lợi bị xuống cấp, hư hỏng. Công ty TNHH NN MTV Quản lý khai thác công trình Thủy lợi TP. Huế (Công ty Thủy lợi) đã có danh mục gửi các cơ quan chức năng đề xuất ưu tiên bố trí kinh phí khắc phục sửa chữa công trình nhằm phục vụ sản xuất trong thời gian tới.

Chính quyền địa phương bố trí kinh phí khắc phục tạm thời các công trình thủy lợi ở các xã A Lưới, phục vụ sản xuất vụ hè thu
Nhiều công trình hư hỏng
Toàn huyện A Lưới cũ có khoảng 80 công trình thủy lợi lớn nhỏ phân bố ở các địa phương. Với địa hình đồi dốc, dòng chảy lớn, hàng năm, sau mưa lũ, các công trình thủy lợi ở đây thường xuất hiện sạt trượt, bồi lấp, không có khả năng tích trữ, dẫn nước phục vụ sản xuất.
Mới đây, Công ty Thủy lợi đã kiểm tra hiện trạng và đề xuất ưu tiên bố trí kinh phí khoảng 2,65 tỷ đồng để khắc phục, sửa chữa 3 công trình trên địa bàn các xã A Lưới 1, A Lưới 2, A Lưới 3. Theo đó, công trình thủy lợi đập Kim Sơn thuộc xã A Lưới 1 bị bồi lấp thượng lưu đập, tường bên bờ tả bể tiêu năng bị xói chân, bồi lấp cửa vào cống lấy nước; trạm bơm Hồng Quảng ở xã A Lưới 2 trôi toàn bộ đập tạm dẫn dòng dài 45m, đất cát bồi lấp kênh dẫn, đáy bể hút cũ bị hụt nước; hồ Quảng Sơn (xã A Lưới 3) thân tràn bị hư hỏng, trôi bê tông hạ lưu dốc tràn dài 8m, rộng 2m, mặt đập xuống cấp với chiều dài 40m.
Qua khảo sát và đánh giá hiện trạng tuyến đê ở các địa phương trên địa bàn thành phố cho thấy, nhiều khu vực cao trình đỉnh đê thấp, bị lún không đảm bảo việc ngăn mặn, giữ ngọt khi có triều cường và lũ tiểu mãn. Đợt mưa lũ vừa qua, qua kiểm tra của chính quyền địa phương cho thấy, do mưa lớn nội đồng kết hợp với triều cường nên hệ thống đê bao nội đồng của các địa phương bị tràn và vỡ một số đoạn gây ngập úng nghiêm trọng. Sau khi nước rút, các đoạn đê bao bị vỡ đã được chính quyền xử lý, gia cố để phục vụ việc đấu úng. Cụ thể, do mưa lớn nội đồng kết hợp với triều cường nên mực nước trên các sông Như Ý, Đại Giang dâng cao từ 1 - 1,2m, đặc biệt là các hói thoát nước từ các trằm cát ở các xã Phú Hồ, Phú Vang lên cao trên 1,3m làm cho hệ thống đê bao trên địa bàn các xã này bị tràn và vỡ một số đoạn. Ngoài ra, mưa lũ còn làm một số đoạn đê bao, đê nội đồng ở các xã, phường Phong Quảng, Phong Phú bị vỡ nhiều đoạn.
Cần nguồn vốn nâng cấp
Ông Đỗ Văn Đính, Chủ tịch Công ty Thủy lợi cho biết, để từng bước nâng cấp các công trình thủy lợi, hạn chế những hư hỏng, đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp, Công ty Thủy lợi đã phối hợp với các địa phương chủ động kiểm tra, rà soát và bố trí kinh phí để đầu tư nâng cấp, sửa chữa, bảo trì các công trình trên địa bàn các địa phương nhằm ổn định sản xuất, đảm bảo cuộc sống của người dân. Mới đây, công ty đã có danh mục các công trình gửi UBND thành phố và đề xuất ưu tiên bố trí kinh phí khắc phục sửa chữa 13 công trình thủy lợi bị hư hỏng ở các địa phương với tổng nguồn kinh phí dự kiến khoảng 16,6 tỷ đồng.
Các xã A Lưới có nhiều công trình thủy lợi như đập dâng, hồ chứa nước và kênh mương phục vụ tưới cho nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Các công trình thủy lợi trên địa bàn các xã được giao cho Công ty Thủy lợi quản lý, vận hành, khai thác. Do địa hình đồi núi dốc và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trong những năm gần đây nên vào mùa mưa các công trình thủy lợi thường xuyên bị hư hỏng và xuống cấp.
Trước những hư hỏng, thiệt hại do thiên tai gây ra, hàng năm, bằng các nguồn vốn ngân sách của thành phố, các xã và nguồn vốn khác về khắc phục lụt bão, nguồn vốn sự nghiệp nông lâm thủy sản và nguồn vốn tự chủ, công ty đã nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp nặng để đảm bảo phục vụ tưới tiêu cho nông nghiệp trên địa bàn. UBND thành phố cũng đã phê duyệt dự án đầu tư nâng cấp 7 hạng mục các công trình thủy lợi ở các xã A Lưới với tổng kinh phí gần 20 tỷ đồng. Các công trình vừa nêu đã thi công hoàn thành và bàn giao, đưa vào sử dụng.
Mới đây, UBND thành phố ban hành quyết định phê duyệt Đề án “Nâng cấp hệ thống thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu” trên địa bàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, lãnh đạo thành phố yêu cầu các địa phương chủ động bố trí và lồng ghép các nguồn kinh phí để thực hiện các giải pháp đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để triển khai phù hợp với nhiệm vụ, quy hoạch và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội địa phương.