Phân quyền trong lĩnh vực môi trường cho địa phương

Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NNMT) vừa ban hành Nghị định 136/2025/NĐ-CP, trong đó nhiều nhiệm vụ trong lĩnh vực môi trường được phân cấp, phân quyền cho địa phương.

Theo đó, việc phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực NNMT nói chung và lĩnh vực môi trường nói riêng phải dựa theo nguyên tắc xác định rõ thẩm quyền của HĐND, UBND, Chủ tịch UBND; bảo đảm phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn và năng lực của cơ quan, người có thẩm quyền được phân cấp, phân quyền. Cùng với đó là đảm bảo tính đồng bộ, tổng thể, liên thông, không bỏ sót hoặc chồng lấn, giao thoa nhiệm vụ; bảo đảm công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính.

Bắt đầu từ tháng 7, nhiều nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng Bộ NNMT trong lĩnh vực môi trường được phân quyền cho UBND tỉnh thực hiện. Trong đó có nhiệm vụ xây dựng và ban hành kế hoạch xử lý, cải tạo và phục hồi ô nhiễm môi trường đất đặc biệt nghiêm trọng thuộc trường hợp do lịch sử để lại hoặc không xác định được tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm.

Ngoài ra, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo, tổ chức quản lý bùn nạo vét từ kênh, mương và công trình thủy lợi thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; Quy định định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.

Nhằm tăng cường hiệu quả quản lý, giải quyết thủ tục nhanh chóng, phù hợp với tình hình thực tế ở từng địa phương, nhiệm vụ thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường của Bộ trưởng Bộ NNMT được phân quyền cho Chủ tịch UBND tỉnh.

Như vậy, từ ngày 1/7, Chủ tịch UBND tỉnh sẽ thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường (nếu thuộc đối tượng cấp giấy phép môi trường) đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của Bộ NNMT quy định tại khoản 1 Điều 35 Luật Bảo vệ môi trường, trừ thuộc một trong các trường hợp sau đây:

Dự án đầu tư đã được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư (không bao gồm dự án nằm trên địa bàn từ 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên đã giao cho một UBND tỉnh là cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư hoặc giao cho một Chủ tịch UBND tỉnh quyết định đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư công); Dự án đầu tư thuộc thẩm quyền cấp giấy phép khai thác khoáng sản, cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước, cấp giấy phép nhận chìm ở biển, quyết định giao khu vực biển của Bộ NNMT...

Dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất, đất có mặt nước lớn (không bao gồm dự án thủy điện, dự án chỉ có một hoặc các mục tiêu: trồng cây hằng năm, trồng cây lâu năm, nhân và chăm sóc cây giống nông nghiệp); Dự án đầu tư trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp và thuộc một trong các trường hợp sau: dự án thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại; dự án có sử dụng phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất; dự án đầu tư mở rộng của cơ sở đang hoạt động được miễn trừ đấu nối theo quy định của pháp luật có lưu lượng nước thải thuộc đối tượng phải thực hiện quan trắc định kỳ trở lên...

Các nhiệm vụ được phân quyền cho Chủ tịch UBND tỉnh được thực hiện theo trình tự, thủ tục tại Điều 34 Luật Bảo vệ môi trường. Trong đó, hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, gồm: Văn bản đề nghị thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; Báo cáo đánh giá tác động môi trường; Báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc tài liệu tương đương với báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án đầu tư...

T.Trung

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/phan-quyen-trong-linh-vuc-moi-truong-cho-dia-phuong-10309612.html