Nâng chất lượng cho sản phẩm chả cá Sông Cầu

Bắt tay chế biến từ tháng 6/2022, đến nay, anh Nguyễn Trần Hiếu (phường Xuân Đài, TX Sông Cầu) đã đầu tư, nâng công suất, chất lượng chả cá Sông Cầu, hướng đến sản phẩm OCOP 4 sao trong thời gian tới.

Chả cá được tạo thành những miếng đều nhau trước khi chuyển sang công đoạn chiên hoặc hấp. Ảnh: KHANG ANH

Chả cá được tạo thành những miếng đều nhau trước khi chuyển sang công đoạn chiên hoặc hấp. Ảnh: KHANG ANH

Sử dụng nguyên liệu có sẵn của địa phương

Là một kỹ sư xây dựng nhưng sau dịch COVID-19, anh Nguyễn Trần Hiếu đã chuyển nghề. Anh dành khoảng 1 tỉ đồng để xây dựng nhà xưởng chế biến chả cá. Anh Hiếu chia sẻ: Thấy khu vực biển của TX Sông Cầu có nhiều cá tươi nên tôi nảy ra ý tưởng lấy nguồn nguyên liệu sẵn có này để làm chả cá. Giai đoạn đầu, tôi xây nhà xưởng, thuê vài nhân công, làm chả cá theo phương thức thủ công truyền thống. Sản phẩm sau chế biến chỉ bán cho người dân tại địa phương.

Vì muốn phát triển nghề nên tôi đầu tư thêm thiết bị để có thể chế biến khoảng 200kg chả cá/ngày. Sau đó, tôi lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời, kho đông lạnh cùng một số thiết bị khác, đồng thời đăng ký làm sản phẩm OCOP và được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Không dừng lại ở đó, mới đây, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến công, Xúc tiến thương mại và Tiết kiệm năng lượng Phú Yên (Sở Công Thương), chủ hộ kinh doanh hải sản Sông Cầu (khu dân cư Phương Lưu Đông, phường Xuân Đài, TX Sông Cầu) Nguyễn Trần Hiếu tiếp tục đầu tư cụm thiết bị chế biến sản phẩm trị giá 540 triệu đồng (trung tâm hỗ trợ gần 30%, tương đương 160 triệu đồng) bao gồm: máy trộn ngang gia vị, máy ép tạo hình chả cá tự động, tủ ủ chả cá, máy chiên chả cá băng tải…

“Từ cơ sở sản xuất chỉ với thiết bị thô sơ, hiện cơ sở có tất cả 8 thiết bị cho quy trình sản xuất chả cá theo tiêu chuẩn. Cụm thiết bị này đã giúp chúng tôi cải thiện, nâng công suất lên khoảng 700kg chả cá/ngày, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và chất lượng sản phẩm tốt hơn so với công đoạn làm thủ công trước đây”, anh Hiếu nói.

Chia sẻ thêm về các công đoạn chế biến chả cá thông qua cụm thiết bị mới cũng như đảm bảo cho việc cung cấp sản phẩm cho các thị trường trong nước và xuất khẩu, anh Hiếu cho biết: Chúng tôi nhập nguyên liệu từ biển về cơ sở, sau đó lựa chọn, làm sạch nguyên liệu. Tiếp theo là tách lấy thịt, cho vào máy xay, trộn nhuyễn; cho vào máy trộn ngang gia vị, rồi chuyển qua máy tạo hình dáng miếng chả (hình tròn).

Sau công đoạn này, chả cá miếng được đưa vào tủ ủ khoảng 4-5 giờ để tạo sự liên kết các protein của thịt cá, làm miếng chả chắc, dai hơn. Tiếp nữa, chúng tôi cho chả cá vào máy chiên/hấp. Chiên/hấp xong, chả được chuyển sang công đoạn tách dầu, rồi cho vào máy hút chân không, dán nhãn mác… để cho ra thành phẩm. Riêng sản phẩm cung cấp xuất khẩu sẽ được cấp đông ngay sau công đoạn hoàn tất trước khi giao đến cơ sở xuất khẩu.

Ảnh: KHANG ANH

Ảnh: KHANG ANH

Hướng đến sản phẩm OCOP 4 sao

Theo bà Nguyễn Thị Chín (phường Xuân Đài, TX Sông Cầu), một trong những lao động làm việc tại hộ kinh doanh hải sản Sông Cầu, so với phương thức làm thủ công thì sau khi cơ sở trang bị thêm hệ thống máy móc, thiết bị hỗ trợ, bản thân người làm như bà đỡ vất vả hơn. Đặc biệt là sản phẩm làm ra đẹp, đều hơn, thời gian sản xuất cũng nhanh hơn rất nhiều.

Từ sản xuất thủ công, đến nay cơ sở sản xuất chả cá của anh Nguyễn Trần Hiếu đã hoàn thiện quy trình bằng hệ thống máy móc hiện đại, chất lượng sản phẩm được nâng lên đáng kể, sản phẩm cũng mang mùi vị đặc trưng riêng cho vùng đất Sông Cầu. Do đó không chỉ là sản phẩm OCOP 3 sao, anh Hiếu đang làm hồ sơ đăng ký xét duyệt sản phẩm OCOP 4 sao đối với sản phẩm chả cá. Ngoài sản phẩm này, chủ cơ sở còn chế biến thêm một số sản phẩm thủy, hải sản tươi, khô, 1 nắng từ cá hố, cá thu, cá đét…

Theo anh Hiếu, cơ sở chế biến sản phẩm thủy, hải sản theo mùa vụ. Nếu tính sản phẩm đã làm thì khoảng 20 sản phẩm các loại, trong đó chả cá là sản phẩm chính. Sắp tới, cơ sở sẽ cung cấp cho các siêu thị trong tỉnh và phân phối trên các nền tảng thương mại điện tử để gia tăng lượng tiêu thụ.

Ông Nguyễn Trường Giang, Chủ tịch UBND phường Xuân Đài cho hay: Trên địa bàn phường có nhiều cơ sở sản xuất sản phẩm, nhất là sản phẩm thủy, hải sản, nhưng quy mô còn nhỏ. Mong muốn của địa phương là các sở, ban ngành của tỉnh tiếp tục quan tâm, phối hợp, hỗ trợ về máy móc, chuyển giao công nghệ… để các cơ sở phát triển hoạt động, nâng công suất, thu nhập, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế của cá nhân, doanh nghiệp tại địa phương.

Theo Trung tâm Khuyến công, Xúc tiến thương mại và Tiết kiệm năng lượng Phú Yên, mục tiêu của việc hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến sản phẩm là giúp các cơ sở sản xuất, cung cấp ra thị trường nhiều sản phẩm mới, phù hợp với nhu cầu thị trường; từ đó quảng bá năng lực sản xuất và hiệu quả hoạt động của các cơ sở công nghiệp nông thôn của tỉnh. Cùng với việc hỗ trợ, các hộ sản xuất, kinh doanh cần tiếp tục đầu tư, chú trọng quy trình sản xuất để tạo ra sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm, có lợi thế cạnh tranh, đáp ứng được các đơn hàng có giá trị cao.

KHANG ANH

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/82/319099/nang-chat-luong-cho-san-pham-cha-ca-song-cau.html