Nâng chất lượng công vụ qua lấy phiếu tín nhiệm
Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm 44 người ngay đầu kỳ họp thứ 6 và sẽ công khai kết quả để cử tri, nhân dân được biết và giám sát
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội (QH) khóa XV, sẽ lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do QH bầu và phê chuẩn. Đại biểu (ĐB) QH Tạ Thị Yên, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ QH, trao đổi với Báo Người Lao Động liên quan đến vấn đề này.
Phóng viên: Theo các điều kiện, tiêu chuẩn mới nhất, có bao nhiêu người được lấy phiếu và bao nhiêu người không lấy phiếu tín nhiệm trong kỳ họp thứ 6 của QH khóa XV?
- ĐBQH TẠ THỊ YÊN: Theo quy định tại Nghị quyết số 96/2023 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, tại kỳ họp này, QH sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh: Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch QH, Phó Chủ tịch QH, Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Tổng Thư ký QH, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của QH; Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao và Tổng Kiểm toán nhà nước.
Nghị quyết số 96/2023 cũng quy định không lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn đã có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu hoặc được bầu, bổ nhiệm trong năm lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh được nêu trên.
Theo đó, tổng số các chức danh do QH bầu, phê chuẩn theo quy định sẽ là 49 người. Tuy nhiên, đến nay qua rà soát các chức danh và điều kiện tiêu chuẩn cụ thể, dự kiến sẽ có 44 người được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 6, QH khóa XV.
Những người lấy phiếu tín nhiệm lần này cần cung cấp thông tin gì, trong thời hạn bao lâu để các ĐBQH có căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm thực chất, khách quan?
- Nghị quyết 96/2023 quy định rõ những người được lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp này sẽ phải gửi báo cáo thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao, bản kê khai tài sản, thu nhập đến Ủy ban Thường vụ QH chậm nhất là 30 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp QH.
Kỳ họp thứ 6, QH khóa XV, sẽ chính thức khai mạc vào ngày 23-10. Như vậy, đến thời điểm này, về cơ bản, những người trong danh sách dự kiến được lấy phiếu tín nhiệm đã hoàn thành việc gửi báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; kê khai tài sản, thu nhập; những hạn chế, thiếu sót, phương hướng khắc phục… đến Ủy ban Thường vụ QH.
Ủy ban Thường vụ QH gửi báo cáo của người được lấy phiếu tín nhiệm và báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (nếu có) đến ĐBQH chậm nhất là 20 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp.
Trong trường hợp có nội dung phải giải trình, chậm nhất là 3 ngày trước ngày tổ chức phiên họp lấy phiếu tín nhiệm, người được lấy phiếu tín nhiệm có trách nhiệm gửi báo cáo giải trình (nếu thấy cần thiết) đến Ủy ban Thường vụ QH và ĐBQH có yêu cầu.
Đến nay, có ý kiến nào phản ánh liên quan đến đạo đức, lối sống; kê khai tài sản, thu nhập… của những người được lấy phiếu tín nhiệm không?
- Hiện qua 2 kênh là các ĐBQH và từ Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, chúng tôi chưa nhận được phản ánh nào liên quan đến nội dung các báo cáo của những người dự kiến được lấy phiếu tín nhiệm.
Ban Công tác đại biểu sẽ tiếp tục theo dõi, nếu có ý kiến sẽ tổng hợp báo cáo Ủy ban Thường vụ QH và QH theo đúng quy định.
Dự kiến QH sẽ lấy phiếu tín nhiệm ngay đầu kỳ họp thứ 6. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng nên lấy phiếu tín nhiệm sau phiên chất vấn và trả lời chất vấn để các ĐBQH có thêm cơ sở đánh giá mức độ tín nhiệm. Quan điểm của bà về vấn đề này thế nào?
- Theo tôi, việc đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người được lấy phiếu tín nhiệm căn cứ vào phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, việc chấp hành Hiến pháp, pháp luật và kết quả thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao. Những nội dung này cần được xem xét, nhìn nhận và đánh giá cả một quá trình công tác từ khi người được lấy phiếu tín nhiệm đảm nhận chức vụ cho đến khi tổ chức lấy phiếu tín nhiệm.
Ngoài ra, tại mỗi kỳ họp QH, thông thường chỉ có 4 lĩnh vực được lựa chọn để các ĐBQH chất vấn và các thành viên Chính phủ trả lời chất vấn chứ không thể bao quát, toàn diện được hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Do đó, thời điểm lấy phiếu tín nhiệm ngay sau phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội hay sau phiên chất vấn và trả lời chất vấn không phải là yếu tố quan trọng có thể ảnh hưởng đến lá phiếu của các ĐBQH.
Vấn đề từ chức, miễn nhiệm với những người có số phiếu tín nhiệm thấp được cử tri rất quan tâm. Vậy vấn đề này được quy định thế nào?
- Theo quy định, người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số phiếu đánh giá "tín nhiệm thấp" thì có thể xin từ chức. Trường hợp không xin từ chức thì Ủy ban Thường vụ QH trình QH tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 6 hoặc kỳ họp gần nhất. Trường hợp một người đã được lấy phiếu tín nhiệm cùng một lần với nhiều chức vụ thì việc bỏ phiếu tín nhiệm được thực hiện một lần đối với các chức vụ đó.
Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số phiếu đánh giá "tín nhiệm thấp" trở lên thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để QH bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình QH tiến hành miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm.
Khi có kết quả lấy phiếu tín nhiệm, cơ quan chức năng sẽ công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. Công dân và cử tri sẽ giám sát việc công khai kết quả này như thế nào?
- Bên cạnh việc công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm ngay tại kỳ họp QH, Nghị quyết số 96/2023 cũng quy định về việc công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm trên phương tiện thông tin đại chúng chậm nhất là 3 ngày kể từ ngày nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm được thông qua để cử tri và nhân dân biết.
Quy định này để cử tri, nhân dân cả nước cùng tham gia giám sát hoạt động lấy phiếu tín nhiệm tại QH, giám sát chất lượng thực thi nhiệm vụ, chức trách được giao… của các chức danh do QH bầu, phê chuẩn.
Bà kỳ vọng gì qua việc lấy phiếu tín nhiệm lần này?
- Việc lấy phiếu tín nhiệm nhằm góp phần đánh giá uy tín và kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao của người được lấy phiếu tín nhiệm, giúp họ thấy được mức độ tín nhiệm của mình trước đồng bào, cử tri cả nước mà các ĐBQH là người đại diện.
Việc lấy phiếu tín nhiệm cũng là cơ sở để người được lấy phiếu nhận thấy trách nhiệm của mình trước nhân dân, cử tri cả nước để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả công tác; làm cơ sở, căn cứ để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ.
Tôi kỳ vọng việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ đạt được những mục đích đó. Bên cạnh đó, tôi mong muốn qua việc lấy phiếu tín nhiệm lần này sẽ góp phần tạo động lực, đòn bẩy để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước; nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ nhân dân của cả bộ máy công quyền cũng như từng vị trí cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị, vì mục tiêu phát triển bền vững của đất nước, chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân.
5 trường hợp sẽ không phải lấy phiếu tín nhiệm lần này do mới được QH bầu, phê chuẩn trong năm 2023, gồm: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà; Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Lê Quang Mạnh.
Nhiều nội dung lập pháp quan trọng trong kỳ họp thứ 6
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội (QH) khóa XV sẽ họp phiên trù bị và khai mạc trọng thể vào sáng nay (23-10) theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội, thủ đô Hà Nội. Dự kiến kỳ họp được tiến hành theo 2 đợt. Đợt 1: Từ ngày 23-10 đến 10-11. Đợt 2: Từ ngày 20 đến 28-11.
Tại kỳ họp này, QH sẽ xem xét, thông qua 9 dự án luật, gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
QH cho ý kiến 8 dự án luật, gồm: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ sẽ được QH xem xét, cho ý kiến trong kỳ họp.
Bên cạnh đó, QH cũng sẽ xem xét, cho ý kiến về các vấn đề kinh tế - xã hội (KT-XH) ; xem xét các báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ; xem xét các báo cáo của Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao...
Tổng Thư ký QH, Chủ nhiệm Văn phòng QH Bùi Văn Cường khẳng định kỳ họp thứ sáu có nhiều nội dung quan trọng, với khối lượng công tác lập pháp lớn. Đặc biệt, QH sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn với phạm vi rộng, nhiều thành viên Chính phủ, trưởng ngành tham gia trả lời chất vấn.
Sau phiên khai mạc kỳ họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ trình bày báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp.
Chiều cùng ngày, QH sẽ nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm (2021-2025) và kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày báo cáo về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024; báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025.
Văn Duẩn