Nàng dâu hiếu thảo
Không chỉ mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu, mà mọi mối quan hệ trong đời sống đều có thể an lành, tốt đẹp. Khi trong tâm có đạo, thì trong nhà sẽ có hạnh phúc.
Từ hôm bà Mai bị ngã bệt hông ở sân giếng nước trơn đầy rêu và nằm liệt giường, chị Hải, cô con dâu út của bà luôn túc trực bên giường để chăm sóc bà. Lúc thì chị bê bát bón cháo cho mẹ chồng, khi thì chị xoa dầu, bóp xương lúc bà kêu đau.
Mỗi khi bà Mai muốn đi vệ sinh thì chị cũng luôn là người lấy bô, giúp bà lau chùi, rửa ráy sạch sẽ.
Hai cô con gái ruột, mặc dù lấy chồng cùng làng, không quá bận rộn mà chẳng mấy khi ngủ lại chăm mẹ lấy một đêm, chỉ qua quýt mấy tiếng ban ngày sang “chăm” mẹ rồi lại “bay” ngay về nhà chồng. Lúc nằm trên giường bệnh như thế này, bà Mai mới thấm thía và nhận thấy các con trai, con gái, con dâu, con rể, ai chu đáo, quan tâm bà.
Chẳng phải nàng dâu út tới khi bà ốm đau mới chu đáo, tận tình chăm sóc hầu hạ, mà những lúc bà khỏe mạnh, chị Hải vẫn luôn tròn bổn phận của một nàng dâu hiếu thảo, mặc dù bà Mai đối xử với chị hoàn toàn trái ngược, khi bà luôn xăm soi, cáu gắt, thậm chí chửi mắng chị vô cớ như cơm bữa, dù chị chẳng bao giờ là người có lỗi.

Hình mang tính minh họa. Ảnh: Internet
Thấy bà mai nằm bệnh như vậy, họ hàng, làng xóm đến chơi hỏi thăm tình hình sức khỏe của bà đều thầm khen bà có nàng dâu út ngoan, hiền, chu đáo tuyệt vời. Bà khẽ cười gượng bảo: “Vâng, tôi có lỗi quá, khi nhiều năm đối xử tệ bạc, vậy mà nó vẫn luôn làm tròn trách nhiệm của một nàng dâu hiếu thảo...”. Vì đã nhận ra lỗi lầm nên bà kể tiếp: “Rõ là phúc tổ cho nhà tôi khi có ba nàng dâu thì hai nàng đều hư hỏng, cãi bố mẹ, chửi chồng như hát hay. Riêng con Hải này thì hết ý. May mà còn có nó, chứ trông vào các nàng dâu kia và hai cô con gái thì có mà chết rũ xương…”.
Là người sống kế bên nhà bà Mai, nên tôi khá tận tường gia cảnh nhà bà. Ngay như chị Hải, mấy năm đầu về làm dâu, chị bị bà Mai ghét ra mặt, bởi trước lúc anh chị lấy nhau bà đã không đồng ý và con trai bà nhất quyết cưới nên bà phải ngậm đắng nuốt cay chiều lòng. Chị Hải là người con gái làng bên, hay lam hay làm, ngoan ngoãn, hiền dịu. Những ngày đầu về làm dâu, đi đâu chị cũng xin phép, chào hỏi, thưa gửi và không làm điều gì để nhà chồng phải phật lòng vậy mà vẫn luôn bị bà Mai trì triết, soi mói.
Có lần bà Mai nói đổng với con trai mình rõ to, như cố tình để cho chị nghe thấy: “Con vợ mày nó tỏ vẻ ngoan, hiền như vậy khác nào đóng kịch! Dâu mới về nhà chồng mà! Để rồi xem được mấy bữa…”. Nghe mẹ chồng nói vậy, mặc dù buồn lắm nhưng chị Hải vẫn im lặng, không cãi một câu, chị âm thầm sống và sống tốt với chồng, bố mẹ chồng và tất cả anh chị em họ hàng bên nhà chồng. Mấy năm đầu, chị Hải sống không có gì phải phàn nàn với gia đình nhà chồng cũng như hàng xóm láng giềng vậy mà bà Mai vẫn chê bủng chê beo, luôn bới chuyện để kể xấu con dâu.
Tôi thấy, chị Hải chưa bao giờ nói xấu hay kể tội mẹ chồng, mà khi nghe hàng xóm mách mẹ chồng nói này, nói nọ về chị, chị chỉ cười và im lặng như chẳng hề có gì xảy ra. Người đời từng nói, có đi thì mới có lại, đằng này bà mẹ chồng ghê gớm đối xử chẳng ra gì với mình mà chị vẫn chu toàn, vẫn tròn trách nhiệm của phận làm dâu. Có lần tôi nghe một người hàng xóm khích bác: “Bà ấy ghê gớm, bạc bẽo như vậy mà mày cứ sống tốt làm gì!”. Chị Hải vội gạt đi và nhỏ nhẹ bảo: “Mình là dâu nên phải sống sao cho đáng phận làm dâu. Hơn thế nữa, mình cứ sống đúng bản chất thì rồi mai này mẹ sẽ nhận ra…”. Chẳng vậy mà, có lần, vừa tối hôm trước, bà Mai còn chửi té tát chị, thậm chí mang cả tên bố mẹ đẻ ra chị để réo lên, vậy mà sáng sau đi chợ huyện về, chị vẫn mua đủ đầy quà bánh, cả trầu cau mang sang biếu mẹ chồng bình thường như chưa có gì xảy ra vậy.
Vâng, tôi thấy chị Hải là nàng dâu quá tuyệt vời và hiếm thấy ở thời đại này.

Hình mang tính minh họa. Ảnh: Internet
Sự “kiên nhẫn” của chị Hải đã có kết quả khi hơn một năm gần đây bà Mai bỗng… quý chị ra mặt, hay nói những câu ngọt ngào. Bữa nào đi làm đồng về, thấy con loanh quanh vào bếp chuẩn bị đồ ăn cho gia đình, hay làm những công việc lặt vặt, bà Mai đều nhanh nhảu bảo: “Thôi, con vào nhà mà nghỉ đi, để mẹ làm nốt cho!”. Hay, nhiều lần có tiền con trai cả biếu, bà đều dành dụm đưa cho chị để chi trả thêm sinh hoạt gia đình… Quãng thời gian hơn một năm gần đây, nhiều người hàng xóm mới thấy chị hay cười nói vui vẻ, chứ trước chẳng mấy khi chị cười, luôn đau buồn sầu não, sống lặng lẽ, âm thầm.
Thế mới thấy, trong một gia đình, khi cuộc sống êm đềm, mẹ chồng nàng dâu hòa thuận vui vẻ thì không khí hạnh phúc sẽ bao trùm.
Qua câu chuyện mẹ chồng nàng dâu vừa kể, tôi nghĩ chúng ta ai cũng đều nhận ra rằng, trên đời này, chẳng riêng chuyện gia đình, mà ngoài đời cũng vậy, ta sống thật tốt và kiên nhẫn chờ đợi thì sẽ có kết quả khi “cảm hóa” được những người đã và đang đối xử chưa thật tốt với mình…
Câu chuyện đời thường ấy cũng khiến ta liên tưởng đến những lời dạy sâu sắc trong đạo Phật!
Trong Phật giáo, chữ “Hiếu” không chỉ là hiếu với cha mẹ ruột mà còn mở rộng đến cả cha mẹ chồng, người đã sinh thành, dưỡng dục người bạn đời của mình.
Hạnh hiếu được xem là nền tảng đạo đức, là phước điền bậc nhất trong mười thiện pháp. Nàng dâu như chị Hải, trong mắt nhà Phật, là người đang thực hành hạnh hiếu và hạnh nhẫn một cách trọn vẹn.
Đức Phật từng dạy rằng: “Lấy ân báo oán, oán sẽ tiêu tan. Lấy oán báo oán, oán chất chồng thêm”.
Người có tuệ giác chân thật sẽ hiểu rằng, sự nhẫn nhục không phải là yếu đuối mà là sức mạnh lớn nhất để chuyển hóa những oán hận thành từ tâm.
Chị Hải đã không nuôi giận trong lòng, không oán trách hay hơn thua, mà lặng lẽ sống đúng đạo làm dâu, giữ vững tâm lành ý thiện, đó cũng là đang hành trì Tứ nhiếp pháp, đặc biệt là nhiếp sự bằng ái ngữ và lợi hành.
Hơn nữa, câu chuyện còn gợi nhắc đến luật nhân quả trong nhà Phật: gieo nhân lành sẽ gặp quả tốt lành, dù không phải ngay lập tức nhưng chắc chắn sẽ đến. Chính sự kiên nhẫn và tấm lòng bền bỉ của chị đã dần cảm hóa được mẹ chồng, khiến bà nhận ra sai lầm, từ đó mở lòng và thay đổi.
Ấy cũng là một minh chứng sống động cho lời dạy của đức Phật: “chúng sinh vốn có Phật tính, chỉ cần khơi dậy thiện tâm sẽ tự chuyển hóa”.
Cuối cùng, nếu mỗi người trong gia đình đều biết tu dưỡng tâm mình, biết đặt lòng từ bi và nhẫn nại lên trước sự phán xét, trách cứ, thì không chỉ mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu, mà mọi mối quan hệ trong đời sống đều có thể an lành, tốt đẹp. Khi trong tâm có đạo, thì trong nhà sẽ có hạnh phúc.
Tác giả: Lê Thị Hiệp - Trường CĐSP Trung ương
Địa chỉ: Đội 6, thôn Bầu, Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội
Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/nang-dau-hieu-thao.html