Năng động phát triển kinh tế
Năng động nắm bắt nhu cầu thị trường, nỗ lực vượt lên khó khăn, thử thách, anh Trần Văn Khoa ở xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc) đã thành công với mô hình nuôi cá trắm đen, cá Koi và mở cơ sở chế biến các sản phẩm từ cá trắm đen đem lại thu nhập ổn định. Mặc dù đang làm việc ổn định trong lĩnh vực du lịch ở Hà Nội, tuy nhiên năm 2016 anh Trần Văn Khoa đã quyết tâm trở về, làm giàu trên mảnh đất quê hương. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Năng động nắm bắt nhu cầu thị trường, nỗ lực vượt lên khó khăn, thử thách, anh Trần Văn Khoa ở xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc) đã thành công với mô hình nuôi cá trắm đen, cá Koi và mở cơ sở chế biến các sản phẩm từ cá trắm đen đem lại thu nhập ổn định.
Mặc dù đang làm việc ổn định trong lĩnh vực du lịch ở Hà Nội, tuy nhiên năm 2016 anh Trần Văn Khoa đã quyết tâm trở về, làm giàu trên mảnh đất quê hương. Qua tìm hiểu được biết, mô hình đào ao, nuôi cá, phát triển trang trại phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, anh đã mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất, ao nuôi để nuôi cá trắm đen. Với diện tích hơn 2ha, mỗi năm anh thu được trên 2 tấn cá trắm đen, cho thu lãi hàng trăm triệu đồng. Năm 2018, nhận thấy thị trường tiêu thụ sản phẩm bị bó hẹp, giá cá thương phẩm giảm, trong khi đó giá thành thức ăn, chi phí phục vụ quá trình nuôi lại lên cao, anh Khoa đã trăn trở, tìm hướng đi mới. Anh đã tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm trên sách báo, các phương tiện thông tin đại chúng và quyết định mở cơ sở chế biến các sản phẩm từ cá trắm đen như: ruốc cá, cá nướng, cá tươi cắt khúc... Anh mạnh dạn mua sắm thêm máy xao ruốc, lò nướng, máy hút chân không, tủ đông lạnh... với tổng số tiền đầu tư hơn 200 triệu đồng. Theo anh Khoa, cá trắm đen được chọn để chế biến được nuôi từ 3 năm trở lên, có trọng lượng khoảng 7-10kg. Để đàn cá phát triển khỏe mạnh, anh thường xuyên vệ sinh môi trường ao nuôi, thường xuyên thay nước và định kỳ xử lý nguồn nước bằng vôi bột và các chế phẩm sinh học. Cá càng nuôi lâu năm sẽ càng có chất lượng thịt săn chắc, ngọt. Tuy nhiên, để nuôi cá dài ngày, chi phí thức ăn cho cá cũng sẽ tăng lên. Vì vậy, khoảng 2 năm đầu, anh cho cá ăn thức ăn công nghiệp để phát triển thể lực, xương, sau đó chuyển sang cho cá ăn thức ăn tự nhiên như ngô, con don biển... Khi cá đã đủ điều kiện thu hoạch, anh cho cá lên trên bể, 2 tuần không cho cá ăn để cá săn chắc hơn, thịt sẽ dai và ngon hơn. Với anh Khoa, ruốc cá đạt tiêu chuẩn phải thơm, ngọt, không còn mùi tanh và đặc biệt ruốc cá phải thật khô và bông. Các sản phẩm chế biến của cơ sở anh Khoa được sử dụng nguyên liệu sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không sử dụng thêm chất phụ gia nên được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn. Năm 2021, được Hội Nông dân xã Mỹ Hà hướng dẫn đăng ký sản phẩm OCOP, các sản phẩm từ cá trắm đen của anh Khoa đã hoàn thiện hồ sơ, có mã vạch truy xuất nguồn gốc. Từ đó ngoài tiêu thụ ở thị trường trong tỉnh, các sản phẩm của cơ sở chế biến của anh Khoa đã được xuất bán đi nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước như Hà Nội, Hải Dương... Chị Nguyễn Thị Hương ở thành phố Nam Định, khách hàng quen thuộc của gia đình anh Khoa cho biết: “Tôi thường mua ruốc cá trắm đen ở cơ sở của anh Khoa, con tôi rất thích sản phẩm này. Ruốc cá ngọt, thơm hơn các sản phẩm ngoài thị trường tôi đã từng thử. Sản phẩm được chế biến bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm nên tôi rất yên tâm khi cho con sử dụng”. Bên cạnh nuôi cá trắm đen và sản xuất các sản phẩm từ cá, anh Khoa đầu tư vào nuôi cá chép Koi. Anh cho biết: “Nuôi cá Koi không dễ như nuôi cá trắm đen vì cá Koi thường bị bệnh vào thời điểm giao mùa. Vì vậy phải luôn theo dõi sức khỏe của đàn cá cũng như môi trường ao nuôi để có những biện pháp phòng, chống bệnh cho cá kịp thời. Đặc biệt phải luôn chú ý vệ sinh cho cá và bể cá, phải tạo được môi trường trong lành, thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết để sắp xếp thời gian phù hợp cho cá đẻ. Khi môi trường nước đảm bảo và thời tiết thuận lợi sẽ có nhiều ô-xy để cá có thể nở tốt và đạt tỷ lệ sống cao”. Nhờ tuân thủ nghiêm ngặt các quy định trong nuôi thả, nên cá Koi nhà anh luôn hút khách. Thời gian tới, anh Khoa sẽ tiếp tục mở rộng quy mô nhà xưởng, trang thiết bị sản xuất để có thêm nhiều sản phẩm từ các loại cá nước ngọt khác, không chỉ dừng lại với các sản phẩm từ cá trắm đen. Đồng thời, đẩy mạnh quảng bá sản phẩm từ cá trắm đen trên các trang mạng xã hội, cửa hàng thực phẩm sạch, hội chợ thương mại... để nhiều khách hàng được biết, sử dụng.
Mô hình trang trại nuôi cá trắm, cá Koi và chế biến các sản phẩm từ cá trắm đem lại thu nhập ổn định cho gia đình anh Trần Văn Khoa, là một trong những mô hình tiêu biểu trên địa bàn xã Mỹ Hà. Qua mô hình đã tạo động lực cho nhiều thanh niên trong và ngoài xã đổi mới tư duy, nhận thức, dám nghĩ, dám làm để tìm tòi, phát triển kinh tế gắn với tiềm năng, thế mạnh của địa phương, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương./.
Bài và ảnh: Thanh Hoa
Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5085/202203/nang-dong-phat-trien-kinh-te-2549707/