Năng động, sáng tạo, nâng cao vai trò, vị thế phụ nữ trong thời kỳ mới
Hoàng Thị Đôi
Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh
Cuối thế kỷ 19, nền công nghiệp phát triển, thu hút nhiều phụ nữ và trẻ em vào làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp. Nhưng các chủ tư bản đã trả lương rẻ mạt, làm cho cuộc sống của phụ nữ và trẻ em vô cùng cực khổ. Căm phẫn trước sự áp bức bóc lột đó, ngày 8/3/1899, tại hai thành phố Chicago và New-York đã diễn ra cuộc đấu tranh của nữ công nhân ngành dệt may, đòi tăng lương, giảm giờ làm. Tại Đại hội lần thứ 2 của những người phụ nữ thế giới (năm 1910), diễn ra ở thủ đô của Đan Mạch đã quyết định lấy ngày 8/3 hằng năm là ngày Quốc tế phụ nữ, với mục đích đấu tranh đòi các quyền lợi của phụ nữ và trẻ em.
Cùng với phong trào phụ nữ quốc tế, phụ nữ Việt Nam có truyền thống đấu tranh xây dựng và bảo vệ đất nước mạnh mẽ. Khởi đầu cho tinh thần đó là cuộc khởi nghĩa của các vị nữ tướng anh hùng: Trưng Trắc, Trưng Nhị, Triệu Thị Trinh - các bà đã làm rạng danh cho non sông nước Việt, là niềm tự hào của phụ nữ Việt Nam. Sau này, trong các giai đoạn lịch sử của đất nước, Hội LHPN Việt Nam đã khơi dậy và phát huy tinh thần kiên cường, quật khởi của phụ nữ tham gia hai cuộc kháng chiến cứu nước. Đặc biệt, trong hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, Hội đã tạo động lực và khuyến khích phụ nữ phát huy sự năng động, sáng tạo, góp phần quan trọng thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội trong thời kỳ hội nhập, xây dựng đất nước phát triển.
Mô hình trồng cây ăn quả của hội viên phụ nữ xã Mường Thải (Phù Yên).
Ảnh: PV
Hòa cùng với phong trào phụ nữ cả nước, Hội LHPN Sơn La ngày càng lớn mạnh về tổ chức bộ máy, thu hút đông đảo hội viên tham gia có hiệu quả các hoạt động, các phong trào của Hội. Hiện toàn tỉnh có 12 hội LHPN cấp huyện, 204 hội phụ nữ xã, phường, thị trấn, với trên 246 nghìn hội viên. Dù công tác ở bất kỳ lĩnh vực nào, các hội viên cũng khẳng định được vai trò, vị thế của người phụ nữ trong phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, các cấp, các ngành, các địa phương trong toàn tỉnh đã thực hiện tốt việc quy hoạch tạo nguồn cán bộ nữ; bổ nhiệm cán bộ nữ vào các chức danh trong cơ quan nhà nước; ban hành các quy định về đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho nữ CNVC-lao động. Hiện toàn tỉnh có gần 400 chị có trình độ thạc sỹ, tiến sỹ, phó giáo sư; hơn 20 chị được cấp Bằng Lao động sáng tạo; hàng ngàn chị có trình độ cao đẳng, đại học; 18 chị đang đảm nhận các vị trí công tác chủ chốt cấp tỉnh, trong đó 3 chị là cán bộ chủ chốt tham gia Ban Thường vụ tỉnh ủy; 13 chị là cán bộ chủ chốt các sở, ngành cấp tỉnh; 2 chị là Bí thư huyện ủy...
Hưởng ứng các phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, vững về tư tưởng chính trị, đẹp về văn hóa”, gắn với thực hiện phong trào “Phụ nữ tích cực học tập lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, chị em ở khối hành chính sự nghiệp đã cùng với cơ quan, đơn vị nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội; chăm sóc, bảo vệ tốt sức khỏe nhân dân trong tỉnh; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện... Hằng năm, có trên 95% chị đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”.
Bên cạnh đó, Hội phụ nữ các cấp trong toàn tỉnh đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức nhiều lớp tập huấn nâng cao kiến thức toàn diện cho phụ nữ khối nông thôn, như: Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; lập kế hoạch sản xuất kinh doanh, quản lý chi tiêu, kết nối thị trường, quản lý tài chính hộ gia đình… Có kiến thức, chị em tích cực tham gia các chương trình kinh tế trọng tâm của tỉnh, như: Trồng cây ăn quả, trồng chè, trồng mía; phát triển gia trại, trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm hàng hóa, nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La, thủy điện Hòa Bình. Trong quá trình đó, các chị đã tích cực áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, cùng với cả tỉnh xuất khẩu hàng nghìn tấn nông sản ra thị trường nước ngoài.
Hưởng ứng phong trào “Sơn La chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp. Trong đó, tổ chức tập huấn kiến thức khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cho hàng trăm cán bộ chủ chốt các hợp tác xã do phụ nữ làm chủ và cán bộ hội phụ nữ các xã; nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hàng nghìn tỷ đồng cho hội viên vay đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Duy trì hoạt động của 88 hợp tác xã do phụ nữ làm chủ, hoạt động trên các lĩnh vực: Nông nghiệp, dịch vụ du lịch cộng đồng, dịch vụ ăn uống - nhà nghỉ cộng đồng... tạo sự liên kết, hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh giữa các thành viên, nâng cao thu nhập, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh hiện còn 18,38%.
Phát huy phẩm chất “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” của phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phụ nữ các dân tộc Sơn La đoàn kết, chung sức, đồng lòng, năng động, sáng tạo trên các lĩnh vực lao động, học tập, công tác, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội, vì tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh và bền vững.